Biển báo cấm người đi bộ có đặc điểm gì?
Dưới đây là một số thông tin liên quan đến biển báo cấm người đi bộ mà người tham gia giao thông nên nắm để tuân thủ.
Biển báo cấm có mã P, cụ thể, biển báo cấm người đi bộ là biển số P.112. Theo Phụ lục B Quy chuẩn 41:2019 của Bộ Giao thông Vận tải, biển số P.112 được minh họa tại hình B.12.
Các biển báo cấm chủ yếu có viền đỏ với nền trắng, trên nền có hình vẽ/chữ viết, chữ số màu đen (khoản 15.1 Điều 15 Quy chuẩn 41:2019/BGTVT).
Theo đó, biển báo cấm người đi bộ P.112 có dạng hình tròn với viền màu đỏ, nền màu trắng. Trên nền có in hình vẽ một người đang đi bộ màu đen, biển báo được chia thành 2 phần bởi một đường kẻ đỏ.
Theo quy định, biển báo cấm có giá trị trên tất cả các làn đường/chỉ có giá trị trên một/một số làn đường theo biển báo trên đường.
Trường hợp cần thiết cấm theo thời gian dưới biển cấm sẽ được đặt thêm biển phụ số S.508, có thể viết thêm chú thích bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh trong biển này (nếu khu vực đó có nhiều người nước ngoài tham gia giao thông hoặc tuyến đường đối ngoại).
Biển báo cấm người đi bộ được đặt ở nơi đường giao nhau/trước một vị trí trên đường cần cấm. Biển P.112 không cần biển báo hết cấm.
Nếu có nhiều biển cần đặt cùng một vị trí thì có thể đặt kết hợp trên cùng một cột nhưng không quá 03 biển và theo thứ tự ưu tiên như sau: biển báo cấm, biển hiệu lệnh, biển báo nguy hiểm hoặc cảnh báo, biển chỉ dẫn.
Biển báo cấm biểu thị các điều cấm, người tham gia giao thông phải chấp hành những điều cấm mà biển đã báo. Do đó, biển báo cấm người đi bộ P.112 để báo đường cấm người đi bộ qua lại.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 100/2019 của Chính phủ, người đi bộ có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng - 100.000 đồng nếu không đi đúng phần đường quy định.
Ngoài ra, trường hợp người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bien-bao-cam-nguoi-di-bo-co-dac-diem-gi-ar865032.html