Biển bồi, biển lở!

Biển bồi lấp, ghe thuyền bỏ bến!

La Gi ngày xưa có “chợ cá biển” chợ không lớn nhưng vẫn được xem như là biểu tượng của tỉnh Bình Tuy ngày ấy. Ghe thuyền đánh bắt về cứ cập ngay vào chợ để bán buôn. Nằm đối diện với chợ bên kia sông là cồn cát Tân Long cao ngồn ngộn, từ chợ cá muốn sang Tân Long phải ngồi đò ngang trên dòng sông Dinh. Đây đích thị là phần bồi của biển qua nhiều năm tháng.

Ngảnh Tam Tân thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Ảnh: Đ. Hòa

Sau này chợ cá biển được tháo bỏ, chính quyền La Gi cho phép tư nhân vào đầu tư khai thác cảng cá dưới dạng BOT. Tất nhiên khu vực cảng cá được mở rộng gấp mấy mươi lần cái chợ cá ngày xưa. Chủ BOT xây tường, xây cổng, xây khu mua bán, chế biến và cho thuê mặt bằng mở dịch vụ xăng dầu, buôn bán ngư lưới cụ… Việc làm ăn rất hiệu quả.

Riêng phần cửa biển, Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng xây kè tả ngạn, hữu ngạn để chắn sóng, chống bồi lấp và mở tuyến riêng cho tàu lớn ra vào cảng. Có điều lạ, từ khi cửa biển được đầu tư xây dựng, thì luồng lạch cửa biển ngày càng bị bồi lấp nhiều hơn(?). Chuyện tàu ra vào cửa bị mắc cạn, bị chìm, trở thành nỗi ám ảnh thường trực của ngư dân La Gi. Cửa biển bị kè cản, nước ứ đọng, bùn rác tích tụ tạo thành điểm ô nhiễm môi trường bậc nhất của thị xã.

Nhân dân nghi ngờ tính hữu dụng của bờ kè, còn chính quyền, các nhà khoa học… chưa đưa ra được lời giải thích thỏa đáng. Và cứ như vậy câu chuyện cửa biển La Gi bị bồi lấp vẫn kéo dài năm này qua năm khác!

Là một thị xã ven biển với ngành nghề chính đánh bắt thủy hải sản. La Gi có lực lượng tàu cá gần 2.000 chiếc, hầu hết là tàu có công suất lớn đánh bắt xa khơi. Với lực lượng tàu này La Gi được xếp vào tốp hàng đầu trong cả nước. Nhưng điều trớ trêu thay, tàu thì nhiều, sản lượng đánh bắt thì lớn, nhưng cá tôm mang về mua bán tại cảng La Gi chẳng được bao nhiêu. Người ta quá ngao ngán với cảnh tàu bị mắc cạn, va đập bể chìm, tốn hao hàng trăm triệu đồng. Còn mỗi lần vào ra muốn an toàn phải thuê tàu lai dắt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngay cả những chiếc ghe nhỏ đánh bắt ven bờ, khuya đi trưa về cũng phải hết sức thận trọng khi ra vào bến cảng.

Ngư dân La Gi đùa mà thật, tàu bè ở đây đi là không trở lại. Thực tế, chẳng ai muốn bỏ quê, bỏ bến, có điều mỗi lần về bến là đối mặt rủi ro, nên ai cũng sợ, cũng ngại. Tốt hơn hết là đánh bắt được bao nhiêu cứ ghé mấy cảng cá an toàn mà bán rồi mua nhiên liệu, đá, lương thực, nhu yếu phẩm... quay ra khơi đánh bắt tiếp. Một năm về cảng quê hương vài lần thăm vợ, thăm con được rồi!

Chuyện ngư dân bỏ bến, xa quê mới nghe thấy không có gì, thời buổi kinh tế thị trường bán buôn đâu chẳng được, nhưng với nền kinh tế La Gi, thì đây là nguy cơ lớn. Không tháo gỡ được luồng lạch cảng cá, không lôi được đoàn tàu 2.000 chiếc trở về, kinh tế La Gi không những không phát triển, có khi còn bị thụt lùi. Giải quyết vấn đề này, một chính quyền La Gi không thể làm gì hơn. Tỉnh và Trung ương cần quan tâm đúng mức. Một đề án khoa học cần phải được nghiên cứu và khảo sát thật kỹ lưỡng, mang tính khả thi cao được sự đồng tình của hội đồng khoa học am tường về biển, trước khi bắt tay vào thực hiện. Có như vậy mới tránh được xây cảng, xây kè rồi biển vẫn bồi, vẫn lấp.

Và biển lở trôi, dân mất đất mất nhà!

Người dân Phước Lộc - La Gi đã từng một thời sống chen chúc trên những ngôi nhà sát biển. Mọi sinh hoạt của họ đều hòa chung với tiếng sóng. Tất nhiên cuộc sống như thế này rất ô nhiễm, dễ dịch bệnh.

Người Phước Lộc thuộc biển như thuộc lòng bàn tay, họ hiểu rõ đến tiếng gió trở mình, họ nhìn sao, nhìn trăng đã biết biển sẽ bình yên hay giận dữ. Vậy mà mười năm trở lại đây, đến những lão ngư dạn dày kinh nghiệm cũng không đoán nổi giờ giấc triều cường, họ càng không hiểu vì sao triều cường lại xuất hiện dày đặc và hung dữ đến thế. Ngay trong những ngày tết, gia đình đang bình yên sum họp, bỗng nửa đêm, tiếng sóng vỗ ầm, may mắn thoát được thân là quý rồi! Mùa bấc biển ngày xưa đối với họ chỉ là những ngày biển động “xôn xao”, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống trên bờ. Nhưng bây giờ, sự việc không như vậy nữa rồi! Mỗi đêm nằm nghe bấc trở là lòng trĩu nặng âu lo, không biết sóng sẽ ập vào lúc nào, thành ra ở Phước Lộc có nghịch lý, người đi trên biển lo cho kẻ ở trên bờ. Trên mười năm lên thị xã, triều cường đã cuốn đi của Phước Lộc trên 10 ha đất ven biển và nhấn chìm trên 400 căn hộ. Cuộc sống của ngư dân vạn chài luôn chơi vơi theo từng mùa biển động.

Triều cường đã trở thành hiểm họa thường trực, nó đe dọa cuộc sống của hàng ngàn người dân sống ven biển, đe dọa cảng cá La Gi và ngay cả khu trung tâm Phước Lộc. Triều cường đã để lại gánh nặng lo toan lớn lao cho chính quyền tỉnh và thị xã. Thực tế trong những năm qua, dù với nguồn ngân sách khiêm tốn nhưng thị xã La Gi cũng đã dốc lòng, dốc sức lo cho dân từ miếng ăn đến chỗ ở mới (khu tái định cư Hồ Tôm). UBND tỉnh đã chi nhiều tỷ đồng để xây kè tạm nhằm ngăn chặn biển xâm thực giúp dân ổn định cuộc sống. Nhưng vì là kè tạm, nên sức chống chọi với sóng to, gió lớn là điều không thể. Bằng chứng với sức gió giật từ cấp 8 trở lên mang theo những đợt sóng cao cả mét đã khiến cho cả 3 kè tạm đều hư hỏng nặng, nhiều đoạn đã bị sóng biển hất tung vào khu dân cư, nước biển tràn ngập, khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán.

Việc đầu tư xây dựng một kè biển kiên cố mới là giải pháp bền vững mà người dân Phước Lộc và chính quyền đang mong đợi. Có một bờ biển kiên cố thì hàng ngàn hộ dân sống ven biển này mới an tâm lao động sản xuất. Tỉnh và thị xã hàng năm không phải tiêu tốn hàng tỷ đồng để lo khắc phục hậu quả, và trên hết chúng ta không để mất đi mảnh đất thiêng liêng mà tổ tiên đã dày công gây dựng.

Đất đai thị xã này có bao nhiêu đâu!

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bien-boi-bien-lo-99105.html