Biển cấm đổ rác nhưng chữ 'cấm đổ rác' lại biến mất

Hàng trăm biển cấm đổ rác bị mất chữ, bung, hỏng trên các trụ của tuyến Metro 01 (tuyến đường Song hành Xa Lộ Hà Nội và Nguyễn Văn Bá, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Theo ghi nhận của PV, dọc đoạn đường từ điểm quay đầu Song hành Xa Lộ Hà Nội hướng về ngã tư Thủ Đức (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) đến điểm giao Nguyễn Văn Bá - Trạm thu phí Xa Lộ Hà Nội (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) có rất nhiều biển cấm đổ rác.

Các biển báo này do UBND TP Thủ Đức phối hợp UBND phường Linh Trung, UBND phường Bình Thọ và UBND phường Trường Thọ, TP Thủ Đức dán trên các trụ của tuyến Metro 01. Thế nhưng điều đáng nói, đa số các biển cấm đổ rác này lại không có chữ “cấm đổ rác”.

Video: Biển cấm đổ rác nhưng chữ 'cấm đổ rác' lại biến mất

Cả trăm biển báo mất chữ

 Hầu hết các trụ của tuyến Metro 01 được dán biển cấm đổ rác. Ảnh: NHẬT TRUNG

Hầu hết các trụ của tuyến Metro 01 được dán biển cấm đổ rác. Ảnh: NHẬT TRUNG

Cụ thể, có khoảng 150 tấm biển cấm đổ rác được dán trên các trụ của tuyến Metro 01 trải dài trên đoạn đường này. Tuy vậy, chỉ còn khoảng 30 biển còn chữ “cấm đổ rác”. Và dọc theo những trụ của tuyến Metro 01, rác xuất hiện nhiều ven đường, có những điểm được coi là “điểm đen” về rác và có những khu vực rác xuất hiện lẻ tẻ.

 Biển cấm đổ rác đã bị phai mờ, vấy bẩn không còn thấy rõ chữ “cấm đổ rác”. Ảnh: NHẬT TRUNG

Biển cấm đổ rác đã bị phai mờ, vấy bẩn không còn thấy rõ chữ “cấm đổ rác”. Ảnh: NHẬT TRUNG

 Biển cấm đổ rác bong tróc, bung khỏi trụ của tuyến Metro 01. Ảnh: NHẬT TRUNG

Biển cấm đổ rác bong tróc, bung khỏi trụ của tuyến Metro 01. Ảnh: NHẬT TRUNG

Chú Lư Hùng Dũng, người bán hàng rong trên tuyến đường qua phường Bình Thọ cho hay: “Rác người ta bỏ vào ban đêm, họ thấy biển cấm cũng vậy. Nhiều người để lên xe, tới đoạn đó vứt xuống, không ai biết được ai”.

Cô Nguyễn Mai, người dân phường Linh Trung, TP Thủ Đức sống tại khu vực này cho biết những tấm biển trên trụ của tuyến Metro 01 đã có từ lâu, tuy nhiên người dân không quan tâm, cứ mang rác ra đổ dù có hay không có biển cấm.

“Tôi chuyển đến đây hơn 3 năm rồi, ban đầu cũng không để ý biển đó là biển gì nhưng có nghe qua người ta nói đó là biển cấm đổ rác. Nhưng đống rác ven đường do người dân các nơi đem đến bỏ nên cũng không có ai dọn”- cô Nguyễn Mai cảm thán.

 Rác thải tràn lan trên tuyến Song hành Xa Lộ Hà Nội hướng về Ngã tư Thủ Đức bất kể biển cấm đổ rác. Ảnh: NHẬT TRUNG

Rác thải tràn lan trên tuyến Song hành Xa Lộ Hà Nội hướng về Ngã tư Thủ Đức bất kể biển cấm đổ rác. Ảnh: NHẬT TRUNG

Là một người dân sinh sống lâu năm trên tuyến đường, chú Nguyễn Công Tâm cho biết: “Biển cấm đổ rác này được dán 3, 4 năm rồi nhưng giờ các biển này bị mất chữ và gãy, rớt mất thì họ tiếp tục đổ rác. Còn chúng tôi nhờ nhân viên dọn vệ sinh thì họ bảo đó là rác đổ ngoài đường, họ không dọn dẹp được, chỉ xử lý rác của gia đình theo ngày thôi”.

Cần đặt thêm thùng rác ở những nơi xe rác không đi qua

Để góp phần cải thiện tình trạng rác thải dân sinh không rõ nguồn gốc, chú Nguyễn Công Tâm đã có đề nghị địa phương gắn lại biển cấm đổ rác để người dân chủ động ý thức vệ sinh môi trường.

 Những bãi rác vô chủ trở thành “điểm đen” về rác thải trên tuyến đường. Ảnh: NHẬT TRUNG

Những bãi rác vô chủ trở thành “điểm đen” về rác thải trên tuyến đường. Ảnh: NHẬT TRUNG

“Tôi mong muốn có những biển cấm đổ rác rõ ràng và chính quyền cố gắng loại bỏ những điểm đen về rác để mặt đường được sạch đẹp chứ mỗi lần có gió là rác bay lung tung, rất bẩn”- chú Công Tâm kiến nghị.

Đồng tình, cô Nguyễn Mai và chú Lư Hùng Dũng đều mong đợi vào những biển cấm đổ rác đặt ở nơi dễ thấy, có đầy đủ thông tin và tăng cường xử lý để giúp cho thành phố sạch đẹp hơn.

 Rác thải xuất hiện ngay phía sau biển cấm đổ rác. Ảnh: NHẬT TRUNG

Rác thải xuất hiện ngay phía sau biển cấm đổ rác. Ảnh: NHẬT TRUNG

Để gần hơn với tâm lý người dân, chị Trương Thị Trúc Anh (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) đề xuất chính quyền nên xem xét, phối hợp đặt thêm các thùng rác ở gần những chung cư, khu trọ mà không có xe rác đi qua.

“Chính quyền nên mở rộng vận động người dân tham gia vào hoạt động thu gom rác chung để mọi người dân đều có chỗ bỏ rác và có người thu dọn. Có thể là trợ giá thu phí tiền rác cho người dân, đồng thời tăng mức xử phạt hành chính liên quan đến bảo vệ môi trường”- chị Trúc Anh đề xuất.

Bạn Phùn Văn Ba (21 tuổi), sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, thì nghĩ rằng chính quyền và đơn vị thu gom rác cần tăng cường hợp tác, linh hoạt xử lý rác thải ven đường: “Chính quyền cần tăng cường giám sát, xử lý vấn đề trên bằng hệ thống camera sẵn có cũng như công tác tuần tra, thu thập ý kiến người dân”.

 Còn ít ỏi biển cấm đổ rác còn đầy đủ chữ trên tuyến đường. Ảnh: NHẬT TRUNG

Còn ít ỏi biển cấm đổ rác còn đầy đủ chữ trên tuyến đường. Ảnh: NHẬT TRUNG

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức, cho biết phần diện tích đất có gắn biển cấm đổ rác thuộc hành lang do Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM quản lý, sử dụng và gắn biển cấm đổ rác.

“Thời gian công trình Metro 01 đang thi công chưa có hành lang bảo vệ, phường phối hợp, hỗ trợ để Ban thực hiện. Hiện tại, phường đã gửi công văn cho Ban kiểm tra, xử lý vấn đề trên”- Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức giải thích về các biển cấm đổ rác do phường thực hiện.

Theo ghi nhận ngày 30-7, các điểm rác thải xuất hiện trên tuyến đường Song hành Xa Lộ Hà Nội đã được dọn dẹp, xử lý.

NHẬT TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bien-cam-do-rac-nhung-chu-cam-do-rac-lai-bien-mat-post803011.html