Quy định mới nhất về các trường hợp lái xe phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định 4 trường hợp người lái xe phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần, đồng thời thay đổi thời gian bật đèn xe.

Về sử dụng đèn, khoản 2 Điều 20 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp:

Khi gặp người đi bộ qua đường; Khi đi trên các đoạn đường qua khu đông dân cư có hệ thống chiếu sáng đang hoạt động; Khi gặp xe đi ngược chiều, trừ trường hợp dải phân cách có khả năng chống chói; Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

Như vậy, theo quy định trên, từ đầu năm 2025, người điều khiển phương tiện cần lưu ý 4 trường hợp phải tắt đèn chiếu xa (đèn pha) và bật đèn chiếu gần (đèn cos) nêu trên.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại khoản 12 Điều 8 và khoản 3 Điều 17 Luật Đường bộ 2008 (áp dụng đến hết ngày 31/12/2024), chỉ có trường hợp phải tắt đèn chiếu xa (đèn pha), đó là: Cấm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên; Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Ngoài nội dung trên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng đã thay đổi thời gian bật đèn chiếu sáng của xe, theo đó:

Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải bật đèn chiếu sáng phía trước trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn. (quy định cũ là bật đèn từ 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đặc biệt, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 còn quy định có tới 28 hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông đường bộ, đó là:

Điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục.

Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.

Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ. Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe; điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gắn biển số xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gắn biển số xe không đúng vị trí; bẻ cong, che lấp biển số xe; làm thay đổi chữ, số, màu sắc, hình dạng, kích thước của biển số xe…

L.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quy-dinh-moi-nhat-ve-cac-truong-hop-lai-xe-phai-tat-den-pha-bat-den-chieu-gan-post588747.antd