Biến chứng của bệnh tăng huyết áp nguy hiểm thế nào?

Nếu tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát và điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Tình trạng tăng huyết áp rất nguy hiểm nhưng lại hiếm khi biểu hiện những triệu chứng rõ ràng. Chính vì thế mà nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng thể hoặc khi khám bệnh khác.

Một số triệu chứng phổ biến của tăng huyết áp là hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, choáng, ra mồ hôi lạnh... Sau đây là một số biến chứng nguy hiểm mà người bệnh tăng huyết áp có thể mắc phải theo trang tin Healthgrades.

Tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Suy tim

Biến chứng suy tim xảy ra khi tim không thể cung cấp đủ máu cho phần còn lại của cơ thể. Ngoài ra, suy tim cũng có thể xảy ra do xơ vữa động mạch khi tăng huyết áp cao. Điều này làm cho các động mạch bị thu hẹp do tích tụ mảng bám hoặc đông máu; từ đó khiến cho máu khó lưu thông tới các cơ quan khác của cơ thể hơn và tim phải co bóp tốn nhiều công hơn để bơm một lượng máu ra các mạch ngoại biên.

Hậu quả của việc hoạt động quá sức làm cho cơ tim dày lên, ít đàn hồi dãn nở hơn so với tim người bình thường.

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy tim.

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy tim.

Đột quỵ

Theo các nghiên cứu, tăng huyết áp là một trong những tác nhân quan trọng dẫn đến đột quỵ. Nguyên nhân được cho là do tình trạng tăng huyết áp có thể làm vỡ hoặc chặn các động mạch cung cấp máu cho não, dẫn đến việc thiếu máu lên não và dẫn đến tình trạng đột quỵ.

Đột quỵ là tình trạng một phần của não bị ngừng cấp máu đột ngột do vỡ mạch máu (xuất huyết não) hoặc do cục máu đông hay mảng xơ vữa gây tắc nghẽn hoàn toàn một mạch máu nuôi vùng não đó (nhồi máu não), làm người bệnh bất tỉnh hoặc yếu liệt.

Phình động mạch

Phình động mạch xảy ra khi tình trạng tăng huyết áp gây áp lực lên động mạch khiến cho thành mạch bị suy yếu và giãn nở lớn. Đoạn động mạch bị phình có thành mạch yếu, nếu huyết áp cao sẽ dễ gây tổn thương, xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến vỡ động mạch chủ, khiến người bệnh tử vong.Ngoài ra, phình động mạch trong não cũng có thể gây đột quỵ nếu các động mạch vỡ.

Suy thận

Sau bệnh tiểu đường, huyết áp cao là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây suy thận ở Hoa Kỳ. Tăng huyết áp có thể khiến các mạch máu ở thận suy yếu và thu hẹp do tổn thương.

Điều này dẫn đến việc thận khó có thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể hoàn toàn, và những chất còn tồn đọng đó càng khiến cho tình trạng tăng huyết áp nặng nề hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn và càng khiến sức khỏe của bệnh nhân đi xuống.

Biến chứng ở mắt

Huyết áp gây ảnh hưởng nặng nề tới các mạch máu ở đáy mắt (võng mạc), từ đó gây ra bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Bệnh này có thể dẫn đến các triệu chứng và biến chứng khác như:

Chảy máu trong mắt

Mờ mắt

Tắt động mạch võng mạc

Phình động mạch võng mạc

Tăng nhãn áp

Thoái hóa điểm vàng ở tuổi già

Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh võng mạc do tăng huyết áp và các biến chứng của nó cũng có thể dẫn đến mất thị lực.

Tăng huyết áp gây ra nhiều bệnh liên quan tới võng mạc.

Tăng huyết áp gây ra nhiều bệnh liên quan tới võng mạc.

Bệnh động mạch ngoại biên

Xơ vữa động mạch do tăng huyết áp có thể gây tắc nghẽn hoặc thu hẹp động mạch và giảm lưu lượng máu ở nhiều khu vực của cơ thể như: tay chân, dạ dày, cột sống, thận,...

Đây được gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Trong khi tình trạng này có thể gây đau và các triệu chứng khó chịu khác, một số bệnh nhân mắc động mạch ngoại biên không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Nếu bệnh nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các biến chứng khác như: nhiễm trùng, rối loạn cương dương, cắt cụt chi, đau tim, đột quỵ,...

Suy giảm nhận thức

Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy rằng người bệnh có tiền sử tăng huyết áp sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan tới suy giảm nhận thức như Alzheimer, sa sút trí tuệ, rối loạn trí nhớ,...

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân có thể là do tăng huyết áp làm tăng xơ vữa động mạch, dễ dẫn đến nhồi máu não và bệnh lý chất trắng dưới vỏ não - nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ.

Rối loạn cương dương

Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục và ham muốn đối với một số người. Nguyên nhân là do tăng huyết áp làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu, tổn thương lớp trong cùng của thành mạch máu, gọi là lớp nội mạc. Lớp này tiết ra chất nitrite oxide (NO), là một chất giãn mạch máu nội sinh trong cơ thể, chống lại co thắt mạch. Khi thiếu chất NO, cơ trơn mạch máu ở dương vật bị co thắt, không giãn ra được và gây rối loạn cương dương.

Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Nhiều người phát hiện bệnh nhờ khám sức khỏe đình kỳ hoặc do khám bệnh khác. Chính vì thế, bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là đối với những người có nguy cơ cao mắc huyết áp cao như người lớn tuổi, béo phì, ít vận động,...

Mai Phương

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bien-chung-cua-benh-tang-huyet-ap-nguy-hiem-the-nao-ar763080.html