Biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2: Lambda - báo động làn sóng dịch kép
Trong bối cảnh biến chủng Delta vẫn là nguyên nhân chính khiến tốc độ lây lan Covid-19 tại nhiều nước tăng nhanh, mối đe dọa đến từ biến chủng mới Lambda của vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục hiện hữu. Với tốc độ lây lan nhanh và có khả năng 'nhờn' vắc xin, biến chủng Lambda báo động nguy cơ một làn sóng dịch kép, khiến mọi nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua của thế giới có thể 'trở về vạch xuất phát'...
Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện và kịp thời xử lý biến chủng SARS-CoV-2 có tên Lambda.
Vi rút SARS-CoV-2 tới nay đã biến đổi và phát sinh thêm nhiều biến chủng mới, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người. Sau các biến chủng Alpha (lần đầu tìm thấy ở Anh), Beta (ở Nam Phi), Gamma (ở Brazil) hay Delta (ở Ấn Độ), các nhà khoa học gần đây đặc biệt quan tâm tới biến chủng Lambda (lần đầu xuất hiện ở Peru với tên gọi C.37).
Tại Nam Mỹ, Peru ghi nhận hơn 80% bệnh nhân Covid-19 từ tháng 4 đến nay đều mắc biến chủng Lambda. Tại Chile, khoảng 1/3 số ca nhiễm mới được phát hiện trong 1 tháng qua đều mắc biến chủng Lambda. Tương tự, ở Argentina, Lambda - còn có tên gọi Andina - là biến chủng SARS-CoV-2 phổ biến thứ hai. Trong tuần qua, Mỹ cũng đã ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Lambda tại 44 bang. Biến chủng Lambda cũng tấn công khu vực châu Á, trong đó mới nhất là Nhật Bản - vốn đang trong tình trạng khẩn cấp vì biến chủng Delta - đã phát hiện bệnh nhân đầu tiên mắc biến chủng Lambda. Tại châu Âu, Pháp phát hiện ca nhiễm biến chủng mới Lambda đầu tiên từ tháng 5, trong khi Anh - quốc gia vừa mở cửa trở lại cũng đã cảnh báo về biến chủng mới này. Tới nay, biến chủng Lambda đã được phát hiện ở hầu hết các châu lục. Ít nhất 41 quốc gia đã ghi nhận sự hiện diện của biến chủng này. Trước thực trạng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp biến chủng Lambda vào danh mục cần chú ý, với mức độ nguy cơ chỉ sau biến chủng Delta.
Lý giải nguyên nhân biến chủng Lambda có nguy cơ trở thành mối đe dọa lớn đối với nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 của nhân loại dù tỷ lệ nhiễm còn ít hơn so với biến chủng Delta, các nhà khoa học cho biết, chuỗi protein của biến chủng mới mang hai đột biến T76I và L452Q giúp tăng cường khả năng lây lan. Cùng với đó, ba đột biến khác có tên gọi RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S còn giúp Lambda có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa trên cơ thể đã tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nói cách khác, Lambda đáng ngại hơn số đông biến chủng SARS-CoV-2 khác bởi nó không những lây lan mạnh mà còn có thể “nhờn” vắc xin. Biến chủng này được xem như “kẻ thù giấu mặt” khiến mọi nỗ lực phòng, chống Covid-19, đặc biệt là các chiến dịch tiêm chủng có nguy cơ “trở về vạch xuất phát”. Thêm vào đó, sự lây lan của Lambda sang những nước đang gồng mình ngăn chặn biến chủng Delta có thể tạo ra nguy cơ về làn sóng dịch kép. Đây là mối nguy hại lớn, đặc biệt là đối với những quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển và tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều.
Theo các nhà khoa học, may mắn là các loại vắc xin phổ biến hiện nay vẫn có tác dụng ngăn chặn biến chủng Lambda ở một mức độ nào đó. Những người đã tiêm vắc xin đều có khả năng đề kháng nhất định trước biến chủng Lambda. Tuy nhiên, điều này có thể không còn giá trị nếu xuất hiện một biến chủng “Lambda+” với khả năng kháng vắc xin cao hơn xảy ra trong tương lai. Thực tế đã chứng minh, các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 phát triển rất nhanh và mạnh trong môi trường có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dù lúc này còn quá sớm để xác định liệu biến chủng Lambda có thể trở thành biến chủng SARS-CoV-2 chủ đạo như biến chủng Delta hay không, nhưng chắc chắn việc tiêm chủng và thực hiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt vẫn là giải pháp hoàn hảo nhất để đối phó với đại dịch Covid-19.