Biến chủng nCoV bệnh nhân 2229 nhiễm nguy hiểm ra sao?

Biến chủng SARS-CoV-2 mới thuộc nhóm 20C từng được các chuyên gia tại Mỹ cảnh báo cần điều tra khẩn cấp vì mức độ lây lan nhanh và có thể kháng vaccine.

Mới đây, thông tin tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả giải trình tự gene của BN2229 (chuyên gia Nhật Bản tử vong tại Hà Nội) cho thấy trường hợp này nhiễm biến chủng nCoV nhóm 20C. Đây là lần đầu tiên chủng này xuất hiện ở Việt Nam.

Chủng virus này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Srilanka, Đài Loan, Ấn Độ. Trên thế giới, chủng SARS-CoV-2 nhóm 20C từng được các chuyên gia nhiều lần cảnh báo.

Một biến chủng đáng lo ngại của nhóm 20C

Trên thế giới, các biến chủng SARS-CoV-2 lên tới hàng nghìn bởi số lượng bệnh nhân và thời gian virus này tồn tại là cơ hội cho nó đột biến. Hiện nay, 3 dự án chính trên toàn cầu xác định và theo dõi thông tin, dữ liệu về các biến chủng nCoV mới.

Đó là Global Initiative on Sharing All Influenza Data (GISAID), Nextstrain và Phylogenetic Assignment of Named Global Outbreak Lineages (PANGOLIN).

Trong đó, GISAID xác định các biến chủng SARS-CoV-2 gồm 8 nhóm chính là S, O, L, V, G, GH, GR và GV. Kể từ tháng 1, Nexstrain đã tổng hợp dữ liệu theo dõi 11 nhóm biến chủng SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 19A, 19B, 20A đến 20I.

Riêng dữ liệu PANGOLIN tập trung vào các biến chủng mới xuất hiện từ cuối năm 2020 đến nay. Dữ liệu này đề xuất 6 dòng chính của biến chủng SARS-CoV-2, gồm A, B, B.1, B.1.1, B.1.177, B.1.1.7.

Dựa trên căn cứ xác định này, nhóm 20C là biến chủng SARS-CoV-2 được theo dõi bởi Nexstrain. Dự án do các nhà nghiên cứu ở Seattle, Mỹ và Basel, Thụy Sĩ vận hành. Nó cung cấp dữ liệu trực tuyến về yếu tố di truyền đằng sau sự lây lan của SARS-CoV-2.

 Người dân ở Santa Monica, California, Mỹ, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 miễn phí. Ảnh: AFP/Getty Images.

Người dân ở Santa Monica, California, Mỹ, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 miễn phí. Ảnh: AFP/Getty Images.

Hiện nay, nhánh virus 20C chỉ mới xác định được duy nhất một biến chủng là CAL.20C (hay còn gọi là B.1.427/B.1.429). Biến chủng này đang chiếm đa số trên các ca mắc Covid-19 mới tại Nam California, Mỹ.

Tháng 10/2020, Nam California chứng kiến đợt tăng vọt số ca mắc Covid-19. Phân tích các mẫu bệnh phẩm ở địa phương này trước tháng 10 cho thấy hầu hết đều là biến chủng SARS-CoV-2 mới, thuộc nhóm 20C. Nó được cho là từ châu Âu xâm nhập vào New York, Mỹ và cuối cùng tràn đến California, gây ra đợt bùng phát vào những tháng cuối năm 2020.

Biến chủng mới có tên là CAL.20C hay B.1.429/B.1.427, đã được các chuyên gia từ Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (CSMC), Los Angeles phát hiện. Nó được tìm thấy ở một trong số 1.247 mẫu bệnh phẩm Covid-19 ở Los Angeles vào tháng 7/2020. Đến tháng 11/2020, 30 trường hợp nhiễm biến chủng virus mới này đã xuất hiện ở phía bắc California và 4 bang khác tại Mỹ.

Trung tuần tháng 1, biến chủng B1426 đã lây nhiễm cho 35% bệnh nhân Covid-19 tại California và được phát hiện ở ít nhất 19 bang cũng như 6 quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

 Đột biến L452R đã hoán đổi axit amin leucine (L) cho axit amin arginine (R) trong trình tự gene của nCoV. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Đột biến L452R đã hoán đổi axit amin leucine (L) cho axit amin arginine (R) trong trình tự gene của nCoV. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Theo dữ liệu mới nhất của Đại học California San Francisco, biến chủng mới đã tràn qua bang California và chiếm hơn 50% số ca mắc mới tại 44 quận.

Tiến sĩ Charles Chiu của Đại học California San Francisco, cho rằng chủng này “cần được quan tâm, cần điều tra khẩn cấp”. Dù ca mắc Covid-19 mới tại California giảm, ông nhấn mạnh cần theo dõi sát biến chủng mới.

“Biến thể này thực sự đáng lo ngại. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy nó dễ lây lan hơn, có nhiều khả năng liên quan các ca bệnh Covid-19 nặng và ít nhất có thể chống lại một phần kháng thể trung hòa", tiến sĩ Charles Chiu, cho biết trên tạp chí Science.

Theo Mercury News, phòng thí nghiệm của tiến sĩ Chiu đã phân tích và cho thấy biến chủng mới đã xuất hiện vào tháng 5/2020 tại California. Từ 0%, giờ đây, số bệnh nhân nhiễm biến chủng mới tại California đã lên tới hơn 50% vào cuối tháng 1. Chủng mới cũng được cho là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca mắc Covid-19 mới tại viện dưỡng lão, nhà tù và Bệnh viện Kaiser Permanente San Jose.

 Y tá tại Trung tâm Y tế Olive View-UCLA hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 nặng khi người này khó thở. Ảnh: Carolyn Cole/Los Angeles Times.

Y tá tại Trung tâm Y tế Olive View-UCLA hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 nặng khi người này khó thở. Ảnh: Carolyn Cole/Los Angeles Times.

Biến chủng mới đáng lo như thế nào?

Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Đại học Minnesota, Mỹ, dần tìm ra những bí ẩn về biến chủng này. Khi phân tích ngẫu nhiên 185 mẫu bệnh phẩm Covid-19 từ ngày 22/11/2020 đến 28/12/2020, họ phát hiện biến chủng CAL.20C có tới 5 đột biến. Đó là ORF1a: I4205V, ORF1b: D1183Y, S: S13I; W152C và L452R.

Trong đó, 3 đột biến S: S13I; W152C và L452R ảnh hưởng protein gai của SARS-CoV-2. Đây chính là chìa khóa khiến virus bám vào tế bào người, xâm nhập để lây bệnh. Nó có nghĩa CAL.20C có thể chứa khả năng lây lan nhanh hơn các chủng khác - điều mà thế giới đã từng chứng kiến ở chủng B117.

Giới chuyên gia phát hiện đột biến L452R là yếu tố khiến CAL.20C có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng ban đầu. Virus có đột biến L452R lây lan mạnh gấp 3 lần so với các chủng không mang đột biến.

L452R được quan sát lần đầu tiên ở Đan Mạch vào tháng 3/2020, sau đó, nó xuất hiện trong nhiều biến chủng nCoV khác nhau trên toàn cầu. Biến chủng mới được cảnh báo có thể lây lan nhanh nhưng mức độ không như B117 từ Anh.

Tuy nhiên, điều đáng lo là một số bằng chứng cho thấy biến chủng mới làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nặng và tử vong. Những người được tiêm vaccine tạo ra ít kháng thể bảo vệ hơn đối với biển chủng này.

 Y tá chuẩn bị tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Carolyn Cole/Los Angeles Times.

Y tá chuẩn bị tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân tại Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Carolyn Cole/Los Angeles Times.

Các nhà khoa học nghiên cứu hồ sơ y tế của 324 người mắc Covid-19 được chăm sóc tại Bệnh viện Đại học California San Francisco. Họ nhận thấy người mang biến chủng CAL.20C có khả năng nhập viện phòng chăm sóc đặc biệt cao hơn 4,8 lần và tỷ lệ tử vong nhiều hơn 11 lần bệnh nhân nhiễm chủng khác.

Nhóm tác giả phát hiện người nhiễm biến chủng CAL.20C chứa tải lượng SARS-CoV-2 trong mũi nhiều gấp đôi bình thường. Đây có thể là lý do khiến chủng virus này dễ lây lan hơn. Tại một viện dưỡng lão ở Mỹ, biến chủng lây lan nhanh gấp 4 lần đợt bùng phát của chủng virus trước đó.

Một nghiên cứu khác được thực hiện tại quận Mission đã phát hiện biến chủng với đột biến L452R có thể làm tăng khả năng lây lan virus trong nhà lên tới 35%. Tỷ lệ tử vong ở các ca mắc Covid-19 tại tiểu bang cũng tăng gấp đôi sau 18 ngày, trùng thời điểm biến chủng này lây lan. Các trường hợp liên quan biến chủng mới tăng gấp đôi sau 14 ngày ở Santa Clara và 33 ngày ở Alameda.

Khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, họ phát hiện kháng thể tạo ra từ vaccine giảm từ 2 đến 4 lần khi tiếp xúc biến chủng mới. Nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện của Đại học California San Francisco cũng ghi nhận tỷ lệ người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và tử vong cao hơn.

Chính vì những lý do trên, CAL.20C đang trở thành biến chủng đáng quan tâm tới Mỹ. Giới chuyên gia khuyến cáo các bang đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine, tăng cường công tác phòng dịch. Đây là cách duy nhất chúng ta có thể làm được trong lúc này.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-ncov-benh-nhan-2229-nhiem-nguy-hiem-ra-sao-post1187070.html