Biến chứng nguy hiểm khi ngộ độc khí CO

Ngay cả khi may mắn thoát lưỡi hái tử thần, bệnh nhân ngộ độc khí CO vẫn có thể đối diện biến chứng nguy hiểm về thần kinh và tim mạch không thể hồi phục.

Ngày 26/12, Cục Môi trường y tế, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trong mùa lạnh.

Cục Môi trường y tế chỉ ra các vấn đề sức khỏe thường gặp mùa lạnh như cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cúm, đột quỵ. Trong đó, ngộ độc khí than do sưởi ấm cần đặc biệt quan tâm.

Ngộ độc khí CO – cái chết âm thầm trong ấm áp

Mỗi năm vào mùa lạnh, báo chí nước ta ghi nhận nhiều ca ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong phòng kín. Gần nhất là vụ việc 3 bệnh nhân trong một gia đình ngộ độc khí CO khi sưởi ấm bằng than trong phòng. Nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, khó thở.

Được biết, CO là loại khí độc không màu, không mùi, không vị và không gây kích ứng. CO phổ biến trong hệ thống lò sưởi, khí đốt, lò nung, bếp lò đốt bằng gỗ, than và dầu hỏa, máy phát điện chạy bằng xăng dầu. Nguy cơ ngộ độc CO tăng cao khi sử dụng bếp lò hay các nguồn chứa khí CO trong không gian kín.

Khi CO quá nhiều trong không khí, nó làm giảm khả năng hấp thụ khí oxy vì CO có ái lực với Hb trong máu lớn hơn so với oxy. CO hấp thu qua phổi gây tổn thương phổi và các mô khác trong cơ thể do máu không thể làm nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các cơ quan.

Nạn nhân bị ngộ độc CO thường có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Tùy mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân ngộ độc CO có thể bị tổn thương hô hấp hoặc hệ thần kinh và tử vong nếu không được phát hiện.

Theo Mayoclinic, ngay cả khi may mắn thoát lưỡi hái tử thần, bệnh nhân ngộ độc CO vẫn có thể đối diện biến chứng nguy hiểm về thần kinh và tim mạch.

Về biến chứng do ngộ độc khí CO liên quan đến thần kinh, bệnh nhân có thể vận động bất thường, tổn thương não không thể phục hồi, suy giảm trí nhớ, suy giảm tập trung, sa sút trí tuệ, Parkinson, các bệnh lý về thần kinh ngoại vi,...

Về biến chứng liên quan đến tim mạch, bệnh nhân có thể đối diện thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Nguy cơ này cao hơn ở những người bất tỉnh do khí CO và người lớn tuổi.

Phòng ngừa ngộ độc khí CO

Ngộ độc khí CO nguy hiểm song hoàn toàn có thể phòng ngừa. Chuyên gia khuyến cáo:

- Tuyệt đối không đốt than, củi sưởi ấm trong phòng kín. Đốt than sưởi trong phòng kín khiến lượng khí CO và CO2 cực lớn, khí oxy tiêu hao làm tăng nguy cơ ngộ độc. Nếu bắt buộc phải sử dụng than sưởi thì cần sử dụng thời gian ngắn, mở hé cửa để không khí lưu thông và chỉ sưởi ấm khi còn thức.

- Lắp đặt thiết bị dò khí CO. Kiểm tra hoặc thay pin trong máy dò CO sáu tháng một lần.

- Mở cửa gara trước khi khởi động xe. Không để ô tô nổ máy trong gara, đặc biệt khi gara kết nối với không gian nhà ở.

- Không sử dụng bếp ga, lò sưởi hay bếp đun bằng than hoặc củi trong nhà.

- Không chạy máy phát điện trong không gian hẹp và kín.

Mời độc giả xem thêm video: Đốt than củi sưởi ấm, chị tử vong, em nguy kịch

Nguồn video: THDT

Định Tâm (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/bien-chung-nguy-hiem-khi-ngo-doc-khi-co-1938083.html