Biến chủng Omicron có thể đã lây lan rộng và lâu hơn những gì thế giới đã biết
Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy biến chủng này đã lưu hành ở các quốc gia khác từ trước khi nhà chức trách Nam Phi cảnh báo thế giới về sự tồn tại của nó...
Tiêm phòng Covid-19 ở Nam Phi - Ảnh: Bloomberg.
Kể từ khi được công bố cách đây hơn 1 tuần, biến chủng mới có tên Omicron của Covid-19 đã xuất hiện ở hàng loạt quốc gia trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng biến chủng được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi này có thể đã lưu hành được một thời gian và lây lan ở nhiều nơi.
Hôm thứ Tư tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đã có ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo ca nhiễm Omicron. WHO dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
NHỮNG CA NHIỄM OMICRON KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN CHÂU PHI
Sau đó, Mỹ trở thành quốc gia thứ 24 xác nhận ca mắc Omicron đầu tiên trên lãnh thổ của mình. Đó là một người đã tiêm đủ vaccine ở bang California – Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hôm thứ Tư.
Ca nhiễm Omicron thứ hai ở Mỹ được công bố ngày 2/12, là một người đàn ông ở Minnesota. Người này có triệu chứng bệnh sau khi trở về từ New York, nơi ông tham dự một hội nghị từ ngày 19-21/11. Bệnh nhân này cũng là người đã tiêm đủ vaccine và hiện đã bình phục, giới chức Minnesota cho hay.
Tiếp đó, các bang New York và Colorado cũng phát hiện ca mắc Omicron.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã phát hiện biến chủng Omicron gồm có Anh, Pháp, Israel, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia, Canada, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, và một số nước ở miền Nam châu Phi.
Omicron, với tên khoa học là B.1.1529, được báo cáo lần đầu từ Nam Phi từ hôm 24/11. Mẫu bệnh phẩm đầu tiên của biến chủng này có từ hôm 9/11.
Tuy nhiên, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy biến chủng này đã lưu hành ở các quốc gia khác từ trước khi nhà chức trách Nam Phi cảnh báo thế giới về sự tồn tại của nó. Ngày càng có nhiều ca nhiễm Omicron được phát hiện mà không phải là người có mối liên hệ đi lại tới châu Phi, nghĩa là sự lây nhiễm cộng đồng đã diễn ra.
Chẳng hạn, ở Scotland, Anh, 9 ca mắc đã được phát hiện cũng có liên quan tới một “sự kiện riêng tư” tổ chức vào hôm 20/11. Không ai trong số những bệnh nhân này được cho là có lịch sử đi lại gần đây tới miền Nam châu Phi.
Hôm thứ Ba tuần này, Hà Lan cho biết đã phát hiện biến chủng Omicron trong 2 mẫu xét nghiệm lấy ở nước này trong thời gian từ 19/11-23/11, trước khi biến chủng mới được báo cáo lần đầu từ Nam Phi và trước khi lệnh cấm nhập cảnh được áp dụng. Lúc đầu, nhà chức trách Hà Lan cho rằng hai chuyến bay từ Nam Phi tới Amsterdam vào Chủ nhật tuần trước đã đưa những ca nhiễm Omicron đầu tiên vào nước này. Nhưng phát hiện trên cho thấy Hà Lan đã có ca mắc Omicron từ trước. Đến ngày 2/12, nước này đã có tổng cộng 14 ca nhiễm được phát hiện.
Hôm thứ Ba, Đức cũng báo cáo một ca mắc biến chủng mới ở Leipzig, là một người đàn ông gần đây không ra nước ngoài và cũng không tiếp xúc với ai như vậy.
Tiến sỹ Angelique Coetzee - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, đồng thời là người đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của một biến chủng mới mà sau đó được xác định là biến chủng Omicron – nói với hãng tin BBC vào hôm Chủ nhật rằng bà phát hiện thấy những triệu chứng bất thường ở một số bệnh nhân Covid-19 vào khoảng ngày 18/11. Bà cho rằng những triệu chứng đó không giống với triệu chứng của Delta – biến chủng mạnh nhất và chủ đạo của Covid-19 hiện nay.
Trong khi đó, Botswana vào hôm thứ Sáu tuần trước nói rằng nước này phát hiện biến chủng Omicron đầu tiên ở 4 người nước ngoài nhập cảnh trong một phái đoàn ngoại giao vào hôm 7/11, nghĩa là sớm hơn so với phát hiện của bác sỹ Coetzee ở Nam Phi. Tuy nhiên, Botswana không nói rõ những người này nhập cảnh từ nước nào.
GIỚI CHUYÊN GIA NÓI GÌ?
Tại một cuộc họp báo của văn phòng WHO tại châu Phi ngày 2/12, các chuyên gia WHO nói với hãng tin CNBC rằng nguồn gốc của biến chủng Omicron vẫn chưa được xác định, đồng thời chỉ trích việc các quốc gia vội vã áp hạn chế đi lại đối với các nước thuộc miền Nam châu Phi.
“Hệ thống giám sát của chúng ta trên toàn thế giới vẫn chưa hoàn hảo”, Giám đốc văn phòng WHO tại châu Phi, tiến sỹ Abdou Salam Gueye, phát biểu. “Khi chúng ta phát hiện một virus, thường là sau khi virus đó đã tiến hóa được vài tuần rồi. Diều duy nhất chúng ta chắc chắn là quốc gia phát hiện ra virus đó đầu tiên, và đó là nước có hệ thống giám sát tốt”.
Ông Gueye nói rằng “không có gì đáng ngạc nhiên” khi các ca nhiễm Omicron được phát hiện ở châu Âu.
Tiến sỹ Nicksy Gumede-Moeletsi, một nhà virus học cấp cao thuộc văn phòng WHO ở châu Phi, nói với CNBC rằng số quốc gia báo cáo phát hiện biến chủng Omicron đang tăng lên từng ngày.
“Có vẻ như phần lớn các quốc gia đó đều nằm ở các châu lục khác thay vì châu Phi, nên chúng ta chưa biết được biến chủng mới có nguồn gốc từ đâu. Cần phải có bằng chứng khoa học đầy đủ để nghiên cứu thêm về biến chủng này”.
Giới chuyên gia ở châu Âu cũng có vẻ đồng tình với quan điểm cho rằng biến chủng Omiron có thể đã lưu hành lâu hơn và rộng hơn so với đánh giá ban đầu.
“Nguồn gốc của Omicron vẫn chưa được xác định. Đó một phần do độ phủ còn hạn chế của công tác giải mã trình tự gen và giám sát virus ở một số quốc gia”, nhà nghiên cứu Moritz Kraemer thuộc Đại học Oxford phát biểu. “Cá nhân tôi cho rằng biến chủng này đã lây lan mà không bị phát hiện trong một thời gian dài”.
Cũng theo ông Kraemer, số quốc gia có ca nhiễm Omicron nhập cảnh và trong cộng đồng có thể lớn hơn nhiều so với những gì đã được báo cáo.
Với quan điểm tương tự, giáo sư Lawrence Yong thuộc Đại học Warwick, nói rằng “không có gì đáng ngạc nhiên nếu Omicron đã lưu hành rộng và lâu hơn so với những gì đã được báo cáo. Khi một biến chủng mới được phát hiện, nhất là một biến chủng có khả năng lây nhanh, thì biến chủng đó thường đã lan rộng hơn nhiều so với những ca nhiễm đầu tiên được nhận diện. Đó là bản chất của bệnh truyền nhiễm trong một thế giới mà việc đi lại giữa các quốc gia đã trở nên quá phổ biến”.
Một số nhà dịch tễ học không loại trừ khả năng biến chủng Omicron có thể đã lan rộng giữa các quốc gia từ khoảng cuối tháng 10.
Giáo sư Paul Hunter thuộc Trường Y khoa Norwich, Đại học Đông Anglia, nói rằng với mẫu bệnh phẩm Omicron sớm nhất được lấy ở Nam Phi vào hôm 9/11, “rõ ràng lây nhiễm đã xảy ra trước đó một thời gian”.
Giáo sư Danny Altmann thuộc Đại học Hoàng gia London đồng tình với quan điểm cho rằng biến chủng Omicron có thể đã lây lan từ trước tháng 11, và cũng không có gì đảm bảo chắc chắn biến chủng này có nguồn gốc từ Nam Phi. “Việc những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào giữa tháng 11 không hề đảm bảo rằng biến chủng này bắt nguồn từ Nam Phi hay đó là thời điểm biến chủng ra đời”.