Biến chủng Omicron tiếp tục chiếm ưu thế
Là biến chủng thứ 13 của SARS-CoV-2, Omicron nhiều khả năng sẽ tiếp tục đột biến và mang đến nhiều vấn đề khác.
Từ năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu đặt tên cho các biến chủng đáng lo ngại của SARS-CoV-2 bằng các chữ cái Hy Lạp từ Alpha, Beta…
Khi xuất hiện vào tháng 11/2021, Omicron đã trở thành biến chủng thứ 13 được đặt tên - đồng nghĩa là biến chủng đáng lo ngại - chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Mười tháng trôi qua, biến chủng được đặt tên tiếp theo vẫn chưa xuất hiện trong khi Omicron tiếp tục chiếm ưu thế trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa SARS-CoV-2 đã ngừng đột biến.
Khả năng đột biến khác lạ của SARS-CoV-2
David Robertson, nhà virus học tại Đại học Glasgow, cho biết: “Dựa trên những điều đang được phát hiện tại thời điểm này, có lẽ, SARS-CoV-2, trong tương lai, sẽ phát triển từ biến chủng Omicron”.
Theo đó, Omicron dường như có khả năng tiến hóa linh hoạt hơn những biến biến chủng trước đó. Một trong những biến thể phụ mới nhất của Omicron, BA.2.75.2, có thể né tránh miễn dịch tốt hơn các dạng trước đó.
Hiện tại, BA.2.75.2 vẫn rất hiếm, chỉ chiếm 0,05% các mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene trên toàn thế giới trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, điều này cũng từng xảy ra với các biến thể phụ của Omicron khác trong quá khứ và sau này đã chiếm ưu thế trên toàn thế giới.
Nếu BA.2.75.2 trở nên phổ biến trong mùa đông tới, biến thể phụ này có thể làm giảm hiệu quả của các mũi vaccine nhắc lại của Moderna và Pfizer.
Về lý thuyết, khi SARS-CoV-2 tự sao chép bên trong tế bào, nó có thể xảy ra đột biến. Trong một số ít trường hợp, sự đột biến này có thể giúp SARS-CoV-2 tái tạo nhanh hơn hoặc giúp chúng tránh được các kháng thể từ lần mắc Covid-19 trước đó.
Một đột biến như vậy có thể khiến biến chủng mới trở nên phổ biến hơn ở một quốc gia trước khi chúng biến mất. Ngược lại, nó có thể giúp biến chủng đó chiếm ưu thế trên thế giới.
Ở thời điểm đầu, SARS-CoV-2 đột biến với tốc độ chậm và ổn định. Do đó, các nhà khoa học đã mong đợi chúng sẽ phát triển tương tự những loại coronavirus khác.
Tuy nhiên, quá trình tiến hóa của loại virus này dần tách ra thành nhiều nhánh khác nhau. Mỗi nhánh lại xuất hiện một vài đột biến. Lúc này, các nhà khoa học đã theo dõi chúng nhưng ít người thực sự chú ý bởi các đột biến không tạo ra sự khác biệt trong quá trình gây bệnh cho con người.
Sau đó, biến chủng B.1.1.7 đã thay đổi suy nghĩ này. Khi các nhà khoa học Anh phát hiện biến chủng này vào tháng 12/2020, họ đã rất ngạc nhiên khi xác định nó mang một chuỗi 23 đột biến “độc nhất vô nhị”.
Những đột biến này cho phép biến chủng B.1.1.7 lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2.
Điều tương tự cũng xảy ra với Omicron. Trên thực tế, các vũ khí hỗ trợ chúng ta chống lại biến thể phụ BA.5 của Omicron có sẵn. Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng sự thống trị hiện tại của BA.5 có thể bị thay thế bởi một biến phụ khác.
Trong vài tháng qua, một số biến thể phụ của Omicron đáng lo ngại khác cũng được phát hiện. Mỗi loại đều có sự kết hợp của các đột biến riêng, đồng thời mang khả năng lây lan nhanh chóng, từ đó gây ra hàng loạt ca tử vong.
Trong quá khứ, các biến chủng khác nhau sẽ trải qua các mức độ phổ biến khác nhau. Alpha đã thống trị trên toàn thế giới, trong khi Beta chỉ phổ biến ở Nam Phi và một số quốc gia trước khi biến mất.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CBS, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố đại dịch Covid-19 đã qua kết thúc. Tuy nhiên, thực tế là vẫn có 400-500 người Mỹ qua đời mỗi ngày vì Covid-19.
Sau khi việc cách ly và đeo khẩu trang được lược bỏ, vaccine là một trong những vũ khí cuối cùng còn sót lại nhằm chống lại SARS-CoV-2.
Ngoài ra, yếu tố khiến các biến chủng mới được phát hiện khó phân tích hơn là chúng phát sinh một cách độc lập. Biến chủng Beta không thay đổi từ cấu trúc của Alpha.
Thay vào đó, nó nảy sinh với một loạt các đột biến mới từ một nhánh khác của chuỗi phát triển virus SARS-CoV-2. Điều tương tự xảy ra với tất cả biến chủng, trong đó có Omicron.
Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng các biến chủng của SARS-CoV-2 đã đột biến bằng cách “giấu mình”. Cụ thể, thay vì nhảy từ vật chủ này sang vật chủ khác, chúng tạo ra bệnh nhiễm trùng mạn tính ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Những bệnh nhân này đã nuôi virus trong một thời gian dài và cho phép chúng tích lũy các đột biến. Cuối cùng, khi xuất hiện ra bên ngoài vật chủ, virus đã có một loạt khả năng mới, bao gồm tìm ra những cách để xâm nhập tế bào, từ đó làm suy yếu hệ thống miễn dịch và kháng thể.
Ben Murrell, nhà phân tích sinh vật học tại Viện Karolinska (Stockholm), cho biết: “Khi ra ngoài, SARS-CoV-2 tương tự một loài sinh vật xâm chiếm cộng đồng. Chúng đã làm rất tốt trong quá trình phát triển và thu được hơn 50 đột biến mới. Từ đây, chúng cũng tìm ra các con đường mới để vào tế bào và lây nhiễm cho cả những người đã được tiêm phòng hoặc mắc bệnh trước đó”.
Đây cũng là cơ chế để khi lan rộng khắp thế giới và gây ra số ca bệnh tăng cao, Omicron đã chiếm ưu thế và khiến hầu hết biến chủng khác biến mất.
Sự thống trị của Omicron
Darren Martin, nhà virus học tại Đại học Cape Town, cho biết: “Những phát hiện về gene ở Omicron cho thấy chúng rất toàn diện, như thể nó là một loài virus mới thay vì chỉ là một biến chủng mới”.
Cái tên Omicron cũng đã che giấu sự phức tạp của biến chủng này. Thực tế là sau khi phát triển vào mùa thu năm 2021, biến chủng này đã có ít nhất 5 biến thể phụ, từ BA.1 đến BA.5.
Trong vài tháng tiếp theo, các biến phụ này thay phiên vươn lên chiếm ưu thế trong cộng đồng. BA.1 tiên phong nhưng nhanh chóng bị BA.2 loại bỏ. Mùa hè vừa qua, BA.5 cũng đã tăng lên. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự báo BA.5 có thể sẽ dần lui lại trong mùa đông tới.
Dù vậy, Omicron đã tiếp tục phát triển. Việc đột biến có thể thông qua quá trình lây lan giữa các vật chủ hoặc ẩn náu một thời gian dài trong cơ thể người bệnh.
Vì những biến biến thể phụ này đều thuộc Omicron, các nhà khoa học không đặt tên chúng bằng các chữ cái Hy Lạp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa chúng ít thay đổi so với bản gốc. Các kháng thể có thể bám vào các biến thể phụ của Omicron trước đó kém hơn các biến thể phụ mới.
BA.2.75.2 là một trong những biến thể phụ mới nhất của Omicron được xác định vào tháng trước. Theo TS Murrell, đây cũng là biến thể phụ có khả năng lảng tránh miễn dịch rất tốt.
Trong các thí nghiệm mới đây, vị chuyên gia này và các đồng nghiệp đã thử nghiệm khả năng của BA.2.75.2 chống lại 13 kháng thể đơn dòng đang được sử dụng lâm sàng hoặc quá trình phát triển. Kết quả là biến thể phụ này có khả năng né tránh gần như tất cả.
Các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra kháng thể từ những người hiến máu gần đây ở Thụy Điển. BA.2.75.2, về cơ bản, đã làm tốt trong việc thoát khỏi những hệ thống bảo vệ đó so với các biến thể phụ trước đó của Omicron.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh cũng đã đưa ra kết luận tương tự trong một nghiên cứu gần đây. Tuy nhiên, cả hai đều chưa được công bố trên tạp chí khoa học.
Tiến sĩ Murrell cho biết thêm các nhà khoa học vẫn chưa thực hiện các thí nghiệm về hiệu quả của các mũi tiêm tăng cường trước BA.5 đối với BA.2.75.2. Ông phỏng đoán việc cung cấp một lượng lớn kháng thể BA.5 sẽ tạo ra hiệu quả bảo vệ nhất định, từ đó hạn chế diễn biến bệnh nặng.
“Đây vẫn là tác dụng quan trọng của vaccine. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải đợi dữ liệu được công bố để đánh giá chính xác mức độ bảo vệ tăng cường của vaccine”, TS Murrell nói.
Dẫu vậy, chúng ta cũng không nên mong đợi BA.2.75.2 sẽ là phần cuối của quá trình tiến hóa. Sau khi chúng ta xây dựng được khả năng miễn dịch với các biến thể phụ trước của Omicron, các biến thể phụ mới hoàn toàn có thể phát triển để tránh được nó.
Lorenzo Subissi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO, cho rằng tổ chức này không đặt tên bằng các chữ cái Hy Lạp cho các biến thể phụ như BA.2.75.2. Nguyên nhân là chúng giống với cấu trúc của biến chủng Omicron ban đầu.
"WHO chỉ đặt tên cho một biến chủng khi lo ngại rằng các nguy cơ đang tăng cao và đòi hỏi động thái y tế mới.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-omicron-tiep-tuc-chiem-uu-the-post1358438.html