Biến chủng SARS-CoV-2 ở ổ dịch Hải Dương nguy hiểm thế nào?

Theo thông tin của Bộ Y tế, ổ dịch ở TP Chí Linh, Hải Dương, có liên quan đến biến chủng SARS-CoV-2 được tìm thấy đầu tiên ở Anh (B117).

Mới đây, một công nhân Việt Nam (32 tuổi, trú tại Hải Dương) phát hiện nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 mới của Anh (B117) khi nhập cảnh Nhật Bản. Sau ca bệnh này, Việt Nam có thêm nhiều bệnh nhân liên quan B117.

Trước đó, BN1435 (45 tuổi, cách ly điều trị tại Trà Vinh) là bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phát hiện nhiễm biến chủng mới.

B117 đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia, lây lan với tốc độ chóng mặt. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến nay, chủng này đã lan sang 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Siêu lây nhiễm?

Cũng như câu hỏi về nguồn gốc của SARS-CoV-2, các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời câu hỏi B117 xuất phát từ đâu.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng biến chủng này xuất hiện do đột biến sau thời gian ở trên vật chủ. Nó phát triển và hình thành chủng mới có những sửa đổi về gene như chủng được tìm thấy ở Anh.

Các nhà khoa học khác cho rằng virus SARS-CoV-2 xuất hiện biến chủng mới do cơ chế lây lan qua những quần thể động vật (như chồn) trước khi xâm nhập ngược trở lại cho con người. Những “ổ chứa” như vậy đã trở thành tâm điểm quan tâm của giới nghiên cứu vì ngày càng nhiều ca mắc Covid-19 trên động vật được phát hiện.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến chủng SARS-CoV-2 có tên B117 hay VOC 202012/01, 501Y.V1, lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9/2020, tại hạt Kent, miền Đông nước Anh.

Một cuộc điều tra của Public Health England cho thấy người đầu tiên nhiễm virus biến chủng này được phát hiện vào ngày 20/9. Đến giữa tháng 11, nó lây truyền cho hơn 20-30% ca bệnh ở London và một số khu vực ở phía đông thành phố.

Ba tuần sau đó, khoảng 60% bệnh nhân mắc mới là nhiễm virus biến chủng B117. Ngày 23/12, giới khoa học Anh công bố với thế giới về biến chủng SARS-CoV-2 hoàn toàn mới.

Thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới xác định biến chủng này được xếp vào loại "biến chủng cần quan tâm". Nó có chứa 23 đột biến gene, đặc biệt là không liên quan về mặt di truyền với chủng virus đang gây bệnh cho Anh trong thời điểm đó.

Ngay lập tức, nó nhanh chóng trở thành chủng virus phổ biến trong các ca bệnh mới tại xứ sở sương mù, nhất là London và những tỉnh miền Đông.

 Biến chủng B117 tại Anh được cho là làm gia tăng tỷ lệ tử vong lên 30-40%. Ảnh: Reuters.

Biến chủng B117 tại Anh được cho là làm gia tăng tỷ lệ tử vong lên 30-40%. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu của bác sĩ Michael Kidd (Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng PHE ở Birmingham) và cộng sự phân tích 641 mẫu bệnh phẩm của những người có triệu chứng. Theo Guardian, họ tìm thấy dấu hiệu của B117 cùng các biến thể khác.

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra khoảng 35% bệnh nhân bị nhiễm biến thể B117 có tải lượng virus cao hơn, so với 10% bệnh nhân không nhiễm biến chủng này.

“Những bệnh nhân nhiễm B117 dường như có tải lượng virus cao hơn. Do đó, điều hiển nhiên là họ sẽ dễ lây virus cho người khác”, ông Kidd cho biết.

Độc lực mạnh?

Ngày 21/1, Thủ tướng Johnson đề cập kết luận của các nhà nghiên cứu từ Nhóm Tư vấn Mối đe dọa virus hô hấp mới xuất hiện (Nervtag) thuộc chính phủ Anh. Chủng virus này cũng được cho là dễ lây nhiễm hơn từ 30 đến 70%.

Nhà thống kê Axel Gandy, Đại học Imperial London, trả lời BCC: “Có sự khác biệt lớn về mức độ lây lan của biến chủng mới. Đây là sự thay đổi nghiêm trọng nhất của virus kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát”.

Nghiên cứu của Đại học Imperial London cũng phát hiện chủng B117 ban đầu lây lan nhanh nhất ở những người dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, sau đó, tốc độ lan ngày càng nhanh và các nhóm tuổi khác cũng phát hiện hàng nghìn ca mắc Covid-19.

"Không có độ tuổi dễ bị lây nhiễm, nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, tương tự chủng ban đầu", Cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, cho biết.

Trước đó, giới nghiên cứu Anh cũng chỉ ra B117 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 70%. Giải thích về sự khác nhau trong tỷ lệ tử vong, ông Patrick cho hay trong mỗi 1.000 người 60 tuổi nhiễm chủng virus này, có thể 13 đến 14 người sẽ thiệt mạng. Trong khi với chủng virus ban đầu, tỷ lệ tử vong là 10/1.000.

Tuy nhiên, ông Patrick nói thêm: "Những dữ liệu này hiện không chắc chắn, chúng tôi không có ước tính chính xác về việc liệu đây có phải con số gia tăng tổng thể hay không".

Đến ngày 27/1, Anh đã ghi nhận ca tử vong do Covid-19 vượt mức 100.000, báo động đỏ cho nền y tế của đất nước này. Chính phủ Anh đang xem xét phương án cách ly bắt buộc cho mọi du khách từ vùng dịch nhập cảnh vào quốc gia này.

 Giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của biến chủng SARS-CoV-2. Ảnh: AFP.

Giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của biến chủng SARS-CoV-2. Ảnh: AFP.

Kháng thuốc và vaccine?

Nhiều chuyên gia nghi ngờ biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại Anh sẽ gây tác động tới công cuộc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có căn cứ để khẳng định điều này. Các nhà sản xuất, phân phối vaccine cũng thực hiện nghiên cứu và cho thấy sản phẩm của họ vẫn có hiệu quả trên virus biến chủng mới.

Theo Reuters, một quan chức y tế cấp cao ở Anh tiết lộ thuốc steroid Dexamethasone giá rẻ vẫn có thể tác dụng với biến chủng B117. Đây là thuốc được sử dụng từ những năm 1960 để giảm viêm ở người bị viêm khớp. Nó cho thấy giúp giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 nặng.

Susan Hopkins, cố vấn y tế cấp cao tại Public Health England chia sẻ trong cuộc họp báo gần đây: "Chúng tôi hy vọng Dexamethasone vẫn có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong do chủng SARS-CoV-2 mới".

Thêm nhiều biến chủng mới

Ngoài biến chủng B117 từ Anh, các nhà khoa học trên thế giới ghi nhận nhiều loại khác đáng lo không kém.

B1351, biến chủng SARS-CoV-2 được xác định ở Nam Phi, cũng có số lượng đột biến lạ cao bất thường. Chúng cũng chứa một số đột biến đã xuất hiện ở B117. Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy B1351 có thể làm sức khỏe của bệnh nhân mắc Covid-19 nặng hơn. Tuy nhiên, nó nhanh chóng lây nhiễm cho nhiều người và được xem là làm tăng khả năng mắc Covid-19 ở cư dân nước này.

Biến chủng khác cũng khiến giới khoa học quan tâm đó là B1128 hay P1. Vào tháng 1, những du khách từ Brazil nhập cảnh vào Nhật Bản là những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện mang biến chủng này. B1128 có những đột biến tương tự B1351. Tuy nhiên, hơn 20 mã gene còn lại có sự thay đổi. Từ ngày 11/1 đến nay, chúng ta vẫn chưa có thêm thông tin gì về biến chủng này.

Ngày 17/1, cơ quan y tế của bang California, Mỹ, tiết lộ họ phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới, đó là L452R. Chủng này ngay lập tức được ghi nhận ở nhiều ca mắc Covid-19 trên toàn tiểu bang. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ở tiểu bang Illinois, Mỹ, gần đây xác định biến chủng hoàn toàn mới mang tên 20C-US.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2 là điều chắc chắn xảy ra trong quá trình tiến hóa của virus. Nhiều quốc gia phát hiện các biến chủng nCoV mới đều tăng cường biện pháp phòng dịch.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-chung-sars-cov-2-o-o-dich-hai-duong-nguy-hiem-the-nao-post1178032.html