Biến chứng tiểu đường, bệnh nhân 40 tuổi đã phải cắt cụt chân

Làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, chị Phạm Thị Q. (40 tuổi, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh đái tháo đường, nhưng do biến chứng và không kịp thời tới bệnh viện điều trị, chị đã phải cắt bỏ 1 bên chân trái do hoại tử.

Ngày 19/7, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, Khoa Điều trị tích cực của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị Q. 40 tuổi (Quảng Ninh) trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi – đái tháo đường mất cảm giác bàn chân và không được điều trị kịp thời.

Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, kèm mùi hôi thối do hoại tử; sốt trên 38 độ C, có những cơn rét run.T ình trạng của bệnh nhân diễn biến nhanh và xấu.

Người dân nên thường xuyên tầm soát đái tháo đường.

Người dân nên thường xuyên tầm soát đái tháo đường.

Sau khi được cấp cứu tích cực, hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu cắt tháo chi trái để bảo toàn tính mạng.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện – Phó khoa Chăm sóc bàn chân, bác sỹ điều trị và phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân nhận định: Do bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả cho bệnh nhân sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng, kíp phẫu thuật đã thảo luận chi tiết trước khi tiến hành quyết định cắt cụt 1/3 giữa cẳng chân cho nữ bệnh nhận.

Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực sau phẫu thuật và được xử trí bơm hút rửa phần hoại tử đùi và mỏm cụt thường xuyên. Khu vực viêm loét ở đùi, khoeo, mỏm cụt được đặt máy hút áp lực âm liên tục nhằm giúp loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề...

Do hoàn cảnh bệnh nhân rất khó khăn, cả gia đình 6 người (vợ chồng, con trai và con dâu cùng 2 người cháu) đều sinh hoạt trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ, không có khả năng chi trả chi phí điều trị. Vì vậy, để hỗ trợ người bệnh, Bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ suất ăn trong thời gian chị Q. điều trị. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã kêu gọi các tổ chức từ thiện, cá nhân hỗ trợ toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị và phục hồi sau phẫu thuật của bệnh nhân Q.

Có thể thấy, biến chứng bàn chân do đái tháo đường để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người bệnh và xã hội. Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng, nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Các vùng hoại tử này thường bắt nguồn từ các vết loét, nhiễm trùng bàn chân hoặc tắc mạch chân nhưng không được điều trị kịp thời.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bien-chung-tieu-duong-benh-nhan-40-tuoi-da-phai-cat-cut-chan-i660977/