Biên cương xanh màu hy vọng: Kỳ cuối - Phát triển lâm nghiệp bền vững

BHG - Phát triển lâm nghiệp bền vững đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao thu nhập cho người dân là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 60%.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng Đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh kiểm tra, bảo vệ cây Nghiến cổ thụ.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng Đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh kiểm tra, bảo vệ cây Nghiến cổ thụ.

Bắc Quang là huyện có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp đạt gần 80,4 nghìn ha, trong đó, gần 76,8 nghìn ha đất đã có rừng. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện đạt nhiều kết quả tích cực trong trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Năm 2022, trồng rừng được trên 1.641 ha, vượt 39,6% kế hoạch. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện trồng được trên 478 ha rừng sau khai thác; chăm sóc 88,5 ha rừng trồng năm 2, năm 3 và chăm sóc trên 3.000 ha rừng trồng chưa thành rừng; bảo vệ nghiêm ngặt trên 49.000 ha rừng tự nhiên và trên 16.000 ha rừng phòng hộ; tích cực triển khai biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các tổ bảo vệ rừng, chủ rừng tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý hành vi xâm hại đến rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng bạt ngàn nơi huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh được bảo vệ tốt, tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 của huyện đạt 66,5%.

Tổ tuần tra, bảo vệ rừng thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên) phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng.

Tổ tuần tra, bảo vệ rừng thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên) phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần tra, bảo vệ rừng.

Ngược lên Vị Xuyên, nơi có tổng diện tích rừng trên 104.518 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 90.650 ha, rừng trồng đã thành rừng trên 13.867 ha. Xác định phát triển lâm nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng, phát triển KT - XH, huyện ban hành các chương trình, nghị quyết, đề án phát triển lâm nghiệp với mục tiêu đến năm 2025, trồng mới rừng sản xuất và trồng rừng sau khai thác đạt 5.000 ha; tỷ lệ sử dụng giống tốt vào trồng rừng đạt 50%; duy trì ổn định độ che phủ rừng đạt 70,5% trở lên. Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải cho biết: “Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBVPTR) và Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tạo “cú hích” lớn cho lâm nghiệp Vị Xuyên phát triển với nhiều kết quả ấn tượng. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã trồng trên 2.610 ha rừng; trong đó riêng diện tích cây quế trồng mới đạt 129,69% so với chỉ tiêu nghị quyết; có 896,5 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 70,7%, vượt mục tiêu nghị quyết. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân trong QLBVPTR được nâng lên. Huyện kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nhân dân thay đổi nhận thức, chú trọng trồng rừng kinh tế, toàn huyện có trên 12.000 hộ sống bằng “nghề rừng”, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững”.

Công ty Cổ phần Trạch Duy thu mua gỗ nguyên liệu của người dân Bắc Quang.

Công ty Cổ phần Trạch Duy thu mua gỗ nguyên liệu của người dân Bắc Quang.

Đối với ngành Lâm nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 60%; tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 15.600 ha; trồng mới 19,7 triệu cây xanh; tăng năng suất rừng trồng bình quân đạt 80 - 120 m3/ha/chu kỳ 7 năm trở lên; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% cơ cấu giá trị ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản. Theo đó, các cấp, ngành ban hành kế hoạch QLBVPTR, kiện toàn Ban chỉ đạo, thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm QLBVPTR cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều cơ chế, chính sách gắn mục tiêu QLBVPTR với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân được ban hành; quy hoạch 3 loại rừng được rà soát đưa vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Năm 2022, tổng diện tích rừng trồng tập trung đạt 4.851 ha; trồng 2.187 nghìn cây phân tán các loại; nhân dân tích cực chăm sóc 2.215 ha rừng trồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn hạn chế; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn diễn ra một số nơi. Từ năm 2017 - 2022, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp phát hiện và xử lý 1.669 vụ vi phạm, trong đó xử lý hành chính 1.546 vụ, khởi tố hình sự 123 vụ, tịch thu 1.026 m3 gỗ các loại. Tổng tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 13,553 tỷ đồng.

Với phương châm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, lấy QLBVPTR và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về QLBVPTR; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, chủ rừng và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền; triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách liên quan; huy động đa dạng nguồn lực; phát triển kinh tế rừng gắn với giảm nghèo bền vững; nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn phát triển công nghiệp chế biến gỗ; ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm; đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển KT - XH có tác động đến rừng; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế.

Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Bùi Văn Đông chia sẻ: “Diện tích rừng lớn, địa hình khó khăn, khí hậu diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng cao, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng khiến việc QLBVPTR gặp nhiều khó khăn. Chỉ thị số 13 đã tạo ra cuộc “cách mạng” lớn trong công tác QLBVPTR khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng rừng cơ bản được kiểm soát; diện tích rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt; diện tích rừng và độ che phủ rừng tăng dần qua từng năm”.

Những ngày tháng 5 oi nồng, cùng với lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương “mục sở thị” nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh, mới thấu hiểu những khó khăn và nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác QLBVPTR. Với tình yêu rừng tha thiết và trách nhiệm bảo vệ rừng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, những cánh rừng bạt ngàn nơi cực Bắc ngạo nghễ đón gió trời, kiêu hãnh phủ xanh biên giới, gìn giữ môi trường sống cho nhân loại và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202306/bien-cuong-xanh-mau-hy-vong-f442940/