Biến dạng, nhiễm trùng vì đi sửa mũi theo quảng cáo

Liên tục sửa mũi tại nhiều địa chỉ khác nhau, nhiều người đau đớn vì biến chứng nặng và khó khôi phục dáng mũi ban đầu.

 Nhiều người dân gặp phải tai biến nặng do bị quảng cáo thẩm mỹ dắt mũi. Ảnh minh họa: isaps.

Nhiều người dân gặp phải tai biến nặng do bị quảng cáo thẩm mỹ dắt mũi. Ảnh minh họa: isaps.

Chín lần lên giường phẫu thuật chỉ để chỉnh sửa một bộ phận là con số không tưởng đối với ca thẩm mỹ. Nhưng đây chính xác là số lần mà một phụ nữ ở Hà Nội đã trải qua.

Vài lần đầu, chị không hài lòng với dáng mũi nên chỉnh đi, sửa lại. Những đau đớn của các ca phẫu thuật sau này chỉ gói gọn trong mong muốn duy nhất là quay về dáng mũi nguyên thủy.

Thế nhưng, tác phẩm của các thẩm mỹ viện, spa để lại cho người phụ nữ này chiếc mũi co cứng, thủng vách ngăn, sẹo dày đặc, viêm nhiễm nặng nề.

Đây là một trong số rất nhiều trường hợp nâng mũi hỏng vì sai lầm khi lựa chọn nơi làm thẩm mỹ.

Quảng cáo thẩm mỹ tràn lan

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh, Quản lý và điều hành khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhớ như in câu chuyện một nam thanh niên đến cấp cứu với chiếc mũi nhiễm trùng, không còn nguyên vẹn hình dáng.

Trước đó, chàng trai liên tục sửa mũi tại nhiều cơ sở thẩm mỹ khác nhau vì chưa hài lòng dáng mũi. Khi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chàng trai chỉ hy vọng lấy lại được dáng mũi như ban đầu.

"Điều này gần như không thể. Bệnh nhân buộc chấp nhận tháo bỏ sụn hết để làm sạch, chờ cho bớt nhiễm trùng rồi mới tính chuyện làm đẹp sau", bác sĩ Thịnh kể.

Nam thanh niên này cũng là một trong rất nhiều ca biến chứng thẩm mỹ mà bác sĩ Thịnh tiếp nhận.

"Các cơ sở thẩm mỹ ngày nay lựa chọn quảng cáo như phương tiện nhanh, tiện lợi để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, mọi người không nên tin hoàn toàn nội dung quảng cáo trên các trang web hoặc mạng xã hội" bác sĩ Thịnh cảnh báo.

Chuyên gia này phân tích quảng cáo thẩm mỹ hiện nay đang tràn lan, khó kiểm soát và phân biệt được thật - giả.

Đầu tiên, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát nội dung quảng cáo từ các cơ sở thẩm mỹ. Trong khi đó, số lượng thẩm mỹ viện hay spa mọc lên ngày càng đông, thậm chí nhiều cơ sở không có giấy phép hoạt động kinh doanh.

Cộng với tốc độ phát triển nhanh của các nền tảng mạng xã hội, cơ quan quản lý càng khó hơn nữa để kiếm soát được nội dung quảng cáo và kịp thời xử lý.

Ngoài ra, một số cơ sở thẩm mỹ còn tự ý lấy hình ảnh các bác sĩ có tay nghề tốt, từ bệnh viện lớn để mạo danh, quảng cáo. Hành động này vừa khiến khách hàng tin tưởng, lại ảnh hưởng đến danh tiếng của bác sĩ và cơ quan công tác của họ.

"Kiểm soát về mặt kinh doanh thẩm mỹ vốn đã khó, kiểm soát nội dung quảng cáo lại còn khó hơn", bác sĩ Thịnh nói.

Quảng cáo của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ trên mạng xã hội.

Quảng cáo của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ trên mạng xã hội.

Kinh nghiệm chọn nơi làm đẹp "chuẩn"

Theo bác sĩ Thịnh, trước khi lựa chọn làm đẹp ở một cơ sở thẩm mỹ, mọi người cần tìm hiểu nhiều thông tin hơn là chỉ nghe một chiều từ quảng cáo.

"Ít nhất, bạn cũng cần biết cơ sở này có được cấp phép hoạt động hay không, người phụ trách chính là ai, danh mục kỹ thuật cơ sở này được thực hiện gồm những gì... Những thông tin nói trên đều được công khai và tra cứu dễ dàng trên trang web của các sở y tế và cơ quan quản lý", bác sĩ Thịnh phân tích.

Khi đến trực tiếp tại cơ sở thẩm mỹ, mọi người nên lưu ý về bảng hiệu, thông tin về giấy phép hành nghề, tên bác sĩ thực hiện cũng như chứng chỉ hành nghề của bác sĩ.

Ngoài ra, theo quy định, cơ sở thẩm mỹ cũng phải có bảng giá công khai rõ ràng kèm danh mục kỹ thuật được cơ quan quản lý phê duyệt. Một điểm cần lưu ý khi lựa chọn cơ sở thẩm mỹ là mức độ đảm bảo vệ sinh, thái độ của nhân viên tại đó.

"Chỉ cần thông qua những bước này, bạn đã có thể đánh giá được 50% chất lượng của cơ sở thẩm mỹ", bác sĩ Thịnh nhấn mạnh.

Khi đã yên tâm về cơ sở thẩm mỹ, mọi người cần gặp bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho mình để bàn bạc và lắng nghe tư vấn trực tiếp về sản phẩm sử dụng, phương pháp thực hiện, tai biến có thể gặp phải và cách xử lý. Các thông tin khác như giá thành, khoản chi khác đi kèm cũng cần thỏa thuận rõ ràng.

"Đơn cử nhiều trung tâm, thẩm mỹ viện quảng cáo bảo hành kết quả thẩm mỹ 'trọn đời'. Trong trường hợp này, bạn cần tìm hiểu thêm 'trọn đời' là gì, bảo hành như thế nào, chi phí ra sao... trước khi quyết định làm đẹp", bác sĩ Thịnh gợi ý.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/bien-dang-nhiem-trung-vi-di-sua-mui-theo-quang-cao-post1445937.html