Biên đạo múa Việt Bắc: Nâng niu 'hồn dân tộc'
Việt Bắc đến với nghệ thuật múa từ thuở trăng tròn. 19 tuổi, cô rời Bắc Ninh đến với vùng đất đỏ miền Đông. Thành danh từ Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, Việt Bắc hăm hở mang trí tuệ, tâm huyết của mình đáp đền mảnh đất ấm áp tình người.
Sự đa dạng độc đáo, đặc sắc và riêng biệt của những điệu múa dân tộc nơi này như “thỏi nam châm” cuốn hút tài năng, đam mê và phần lớn thì giờ của Việt Bắc.
* Hành trang từ vùng Kinh Bắc
Hơn 20 năm sống chung với múa, Việt Bắc đã mang đến cho nghệ thuật múa Đồng Nai nhiều “trái ngọt”. Trong vai trò mới đảm nhiệm, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, với những thành tích đã đạt được cùng tài năng, lòng yêu nghề cháy bỏng, công chúng yêu nghệ thuật biểu diễn tin tưởng rằng Việt Bắc sẽ là cánh chim không mỏi đưa nghệ thuật múa Đồng Nai tiến những bước dài...
Có lẽ cuộc sống của Việt Bắc sẽ trầm lặng, bình thường đến êm đềm nếu không có múa. May mắn thay, Việt Bắc chưa khi nào cảm thấy chán ngán, tẻ nhạt, muốn thay đổi hoặc tìm một công việc khác, cho giống những người khác, để thành công hay giàu có theo cách khác, thì gia tài của Ban múa Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai nói chung và của Việt Bắc nói riêng đã không có Truyền nghề, Ký ức chiến tranh, Mạch ngầm… để mà tự hào. Việt Bắc kiên trì, bền bỉ theo đuổi đam mê của chính mình. Âm thầm sống trong kỷ nguyên của công nghệ - tốc độ - ánh sáng và âm thanh, cô cần mẫn như con cá nhỏ lội ngược dòng, đi gom nhặt tinh hoa, hồn cốt dân tộc 4 ngàn năm vào múa.
Xuất thân từ quê hương quan họ, từng gắn bó với cuộc sống nông thôn nên Việt Bắc thấu hiểu đời sống vật chất và cả tinh thần của người nông dân. Mỗi điệu múa được Việt Bắc đưa vào tác phẩm mang một nét đặc trưng không thể trộn lẫn, không thể hòa tan. Và, cũng có khi sự đặc trưng ấy được lan tỏa, cộng hưởng sang nhiều tác phẩm khác, trong một không gian khác. Từ điệu thức đơn giản đến phức tạp, Việt Bắc khiến người xem cảm thấy thú vị, mãn nhãn khi được nghe kể chuyện bằng ngôn ngữ cơ thể đậm chất nghệ thuật.
Những chuyển động đời thường được Việt Bắc khéo léo cách điệu với các động tác uyển chuyển, nhịp nhàng song mang một sức sống mãnh liệt. Luôn nâng niu, trân trọng tinh hoa văn hóa dân tộc vốn là cái nôi nền văn minh lúa nước, ban đầu, mỗi điệu múa trong tác phẩm của cô luôn mang dấu ấn của cư dân nông nghiệp gắn bó với thiên nhiên, muông thú, với các vũ điệu tả cảnh sản xuất, săn bắn, nuôi trồng… Hóa ra, sự hoành tráng, hiện đại ở thành phố công nghiệp không che khuất được hình ảnh quê hương trong tâm trí “cô Bắc kỳ nho nhỏ”, không làm lu mờ nét nghệ thuật truyền thống của người Việt ngàn đời đã thấm đẫm tâm hồn cô.
Vùng đất khoa bảng giang sơn tụ khí, với mái đao cong vút, mềm mại, những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the, những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bảy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm… là hành trang cô mang theo đi khắp mọi miền. Chính nghệ thuật dân gian truyền thống ấy được Việt Bắc “tận dụng” vô cùng khéo léo, tinh tế và đặc sắc, tạo nên những tác phẩm mang tính tư tưởng, thẩm mỹ và giáo dục cao, thể hiện được hơi thở, nhịp sống của ngày hôm nay mà vẫn giữ được cái cốt lõi, tinh túy nhất trong vốn múa dân tộc.
* Kết hợp truyền thống và hiện đại
Sự kết hợp giữa hai dòng ngôn ngữ múa dân gian dân tộc với múa ballet cổ điển châu Âu hay múa hiện đại phương Tây đã mang đến cho Việt Bắc thành công ngày hôm nay. Tác phẩm Truyền nghề vinh dự đoạt giải B tại Sân khấu múa chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017, là một trong 6 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi. “Đứa con” tinh thần ấy được cô “thai nghén” từ chuyến đi thực tế năm 2016, do Hội Nghệ sĩ múa tổ chức. Khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc Mạ, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của đồng bào, Việt Bắc nung nấu ý tưởng xây dựng một tác phẩm múa về nghề dệt thổ cẩm... với ước mong góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Mỗi cử chỉ, diện mạo, cao trào của động tác được các nghệ sĩ thể hiện trong 6 phút ngắn ngủi trên sân khấu chính là một lát cắt của thời gian, một dấu gạch nối gắn kết truyền thống với hiện đại, quá khứ và tương lai, trong sự hỗ trợ đắc lực của âm nhạc dân gian người Mạ.
Bằng “tình yêu không lời” như thế, nữ nghệ sĩ không quản ngại khó khăn, trèo đèo lội suối đến với vùng dân tộc thiểu số, đi sâu tìm hiểu các điệu múa của đồng bào, học từng động tác để đưa vào tác phẩm. Việt Bắc tìm mọi cách phát huy và gìn giữ cao nhất nét đẹp của người bản địa cổ xưa ở Đồng Nai, khi nghề truyền thống đang dần bị mai một, lãng quên, đồng thời cũng là lúc tình trạng múa dân gian, dân tộc hiện đại thưa vắng người xem, khan hiếm những tác phẩm đỉnh cao… Thành công của cô, trước hết nhờ những ý tưởng ngôn ngữ múa tiên tiến mà nền tảng là tinh hoa trong múa dân gian.
Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, để đến được với múa Việt Nam dân tộc hiện đại, Việt Bắc chọn cho mình xu hướng riêng không giống như các biên đạo khác: kết hợp múa dân gian với múa nước ngoài (múa ballet cổ điển và múa hiện đại phương Tây). Xuất thân là diễn viên múa, Việt Bắc “nằm lòng” 2 yếu tố: dân tộc và hiện đại - hai nửa không thể tách rời trong một tác phẩm múa hiện nay. Cô mong muốn tiếp bước những cánh chim đầu đàn, mang tâm huyết và trí tuệ của mình phát triển nghệ thuật múa Việt Nam lên một tầm cao mới.
Với một tinh thần cầu thị, luôn luôn lắng nghe, tiếp thu - vận dụng những ưu điểm của dòng múa ballet châu Âu và múa hiện đại phương Tây, cụ thể là sự linh hoạt, khoa học và có tính kỹ thuật, kỹ xảo của ngôn ngữ múa, biên đạo múa Việt Bắc đã tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới, có sức lôi cuốn, sức hấp dẫn đầy ấn tượng trong tác phẩm múa của mình, sôi nổi, hiện đại nhưng không lãng quên truyền thống, không đánh mất chính mình.