Biến điều khó nói thành điều bình thường

(ABO) Ngày 28-5, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức buổi truyền thông trực tuyến đến 300 điểm cầu tại các trường học trên cả nước về “Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới” với thông điệp “Biến điều khó nói thành điều bình thường” năm 2024.

Tham dự tại điểm cầu Trung ương Hội LHPN Việt Nam có đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Tại Tiền Giang được kết nối tại điểm cầu Trường THCS Xuân Diệu (TP. Mỹ Tho) với sự tham dự của 120 đại biểu là cán bộ, hội viên phụ nữ, cô giáo và học sinh nữ của Trường THCS Xuân Diệu.

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

"Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới" được tổ chức vào ngày 28-5 hằng năm nhằm biến điều khó nói trở thành điều bình thường và những điều cấm kỵ, kỳ thị về “kinh nguyệt” không còn tồn tại trong xã hội vào năm 2030.

Tại buổi truyền thông, các em học sinh và chị em phụ nữ đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản (SKSS), vệ sinh kinh nguyệt đúng cách. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về SKSS, thay đổi tư duy, sự kỳ thị về kinh nguyệt, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho phụ nữ, trẻ em gái.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, việc thiếu hiểu biết về vệ sinh kinh nguyệt dẫn đến những điều cấm kỵ và kỳ thị còn tồn tại trong xã hội. Vệ sinh kinh nguyệt không chỉ là một quyền cơ bản của phụ nữ, mà còn là một chỉ số quan trọng của sự phát triển bền vững, là vấn đề của toàn xã hội. Không được tiếp cận đầy đủ các điều kiện vệ sinh kinh nguyệt ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận giáo dục, sức khỏe và địa vị xã hội của phụ nữ và trẻ em gái. Kết quả là hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không thể phát huy hết tiềm năng của họ.

Vì thế, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh mong rằng lãnh đạo các cấp, các ngành, trường học quan tâm, nắm bắt tâm tư, chia sẻ những khó khăn của trẻ em gái, học sinh nữ; chú ý cải tạo nhà vệ sinh có các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo vệ sinh cho các em trong trường học, cung cấp nước rửa tay, xà phòng, giấy vệ sinh đầy đủ cho các em; chú ý nhà vệ sinh nữ tạo môi trường thân thiện cho các em nữ trong thời kỳ kinh nguyệt tại trường học.

Đối với bản thân các em học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam mong muốn các em chủ động nghiên cứu rèn luyện các kỹ năng tự bảo bảo vệ sức khỏe cho chính mình, chăm sóc sức khỏe vệ sinh kinh nguyệt thật tốt, khoa học và hiệu quả. Đối với phụ huynh có sự đồng hành, quan tâm đến con em mình hướng dẫn kỹ năng ngay từ gia đình… để các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng ứng xử, ứng biến về thời kỳ kinh nguyệt của cá nhân. Đây là vấn đề sinh lý bình thường của tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202405/bien-dieu-kho-noi-thanh-dieu-binh-thuong-1011542/