Biến đổi khí hậu: Cảnh báo nguy cơ Nhật Bản không còn cá hồi trong thế kỷ tới

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang đe dọa sản lượng cá hồi tại Nhật Bản, đến năm 2024 chỉ còn 15,62 triệu con, giảm tới 70%, đánh dấu mức thấp thứ hai được ghi nhận kể từ năm 1989.

Số lượng cá hồi đang thấp hơn mức tối thiểu cần thiết để duy trì quần thể cá hồi bền vững. (Nguồn: Wild Fish)

Số lượng cá hồi đang thấp hơn mức tối thiểu cần thiết để duy trì quần thể cá hồi bền vững. (Nguồn: Wild Fish)

Cá hồi là một trong những hải sản được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang đe dọa sản lượng của loài cá này tại “đất nước Mặt trời mọc.”

Theo chính quyền tỉnh cực Bắc Hokkaido, nơi chiếm phần lớn sản lượng cá hồi của Nhật Bản, năm 2003, tỉnh này ghi nhận sản lượng cá hồi kỷ lục là 56,47 triệu con.

Tuy nhiên, con số này liên tục giảm mạnh và đến năm 2024 chỉ còn 15,62 triệu con, giảm tới 70%, đánh dấu mức thấp thứ hai được ghi nhận kể từ năm 1989.

Do sản lượng đánh bắt giảm, nhà bán lẻ hải sản Maruichi Suisan thông báo phải tăng 20% giá món cá hồi khô "Sake Toba" vào mùa Đông năm nay, sau hơn 10 năm duy trì mức giá bán cố định.

Chuyên gia cá hồi và là Giáo sư danh dự tại Đại học Hokkaido, ông Masahide Kaeriyama, cảnh báo, biến đổi khí hậu đang đẩy loài cá hồi chum, chiếm phần lớn sản lượng đánh bắt cá hồi của Nhật Bản, vào cuộc chiến bất lợi với cá hồi hồng để giành thức ăn và ngăn nhiều đàn cá hồi quay trở về nơi sinh sản ở những dòng sông.

Chuyên gia Kaeriyama lưu ý, nếu xu hướng này tiếp diễn, Nhật Bản sẽ không còn cá hồi trong thế kỷ tới.

Ngành đánh bắt cá hồi, động lực chủ chốt thúc đẩy văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, đạt đỉnh vào đầu những năm 1990 và 2000 khi các chương trình ấp nở nhân tạo và thả cá được nhân rộng.

Cá bột được thả ra biển ở Hokkaido và vùng Đông Bắc Tohoku vào mùa Xuân. Chúng sinh sống ở các vùng nước ven biển đến mùa Hè và khi vào mùa Thu, từng đàn cá hồi di cư về phía Bắc đến biển Okhotsk, biển Bering và vịnh Alaska để tăng trưởng cũng như di cư theo mùa trước khi quay trở lại Nhật Bản sau khoảng 4 năm.

Tuy nhiên, chu kỳ này gần đây đã bị phá vỡ. Theo Giáo sư Kaeriyama, cá hồi hồng sinh trưởng mạnh ở vùng nước lạnh hơn lại đang tăng nhanh ở biển Bering ở phía Bắc Thái Bình Dương, do nhiệt độ nước biển tăng cao cùng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Cá hồi hồng cũng ăn động vật phù du giàu dinh dưỡng giống như cá hồi chum nên giữa hai loài đã có sự cạnh tranh về thức ăn. Trong cuộc chiến giành thức ăn này, cá hồi chum thua cuộc nên khó tăng trưởng và bị suy giảm sản lượng. Số lượng cá hồi quay lại Nhật Bản ngày càng ít khiến số trứng ấp nở nhân tạo không được đảm bảo.

Trong tài khóa 2023, một hiệp hội thúc nhân giống cá hồi ở tỉnh Iwate, Đông Bắc Nhật Bản, đã nhận được khoảng 40 triệu trong tổng số 60 triệu trứng ấp nở từ tỉnh Hokkaido. Tuy nhiên, sang tài khóa 2024, hiệp hội này không nhận được trứng cá nữa do tình trạng khan hiếm.

Trước thực trạng trên, hiệp hội đã tăng gấp đôi trọng lượng cá bột thả ra sông lên khoảng 2-3 gram/con với hy vọng sẽ làm tăng tỷ lệ cá sống sót trong tự nhiên.

Một quan chức của hiệp hội cho biết họ cần thực hiện mọi biện pháp có thể, dù sẽ mất vài năm, để có được kết quả rõ ràng. Ông Kaeriyama nói rõ các nỗ lực sẽ mang lại tiềm năng đáng kể nhưng bên cạnh đó, vẫn cần phải tìm cách giải quyết nguyên nhân hiện tượng nóng lên toàn cầu yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sản lượng cá hồi ở Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bien-doi-khi-hau-canh-bao-nguy-co-nhat-ban-khong-con-ca-hoi-trong-the-ky-toi-post1014213.vnp