Biến đổi khí hậu: Chủ đề 'nóng' năm 2022

Các chuyên gia cảnh báo mức độ nguy hiểm cao nhất nếu con người không nỗ lực cải thiện vấn đề biến đổi khí hậu trong năm nay.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) bế mạc tại Glasgow, Scotland. (Nguồn: AP)

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) bế mạc tại Glasgow, Scotland. (Nguồn: AP)

Các cam kết mạnh mẽ hơn

Theo ước tính của các nhà khoa học, để hoàn thành các cam kết cắt giảm khí thải từ nay đến năm 2030 và giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C trước khi thế kỷ XXI kết thúc, chính phủ các nước tham gia Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn.

Tại COP26, các nước đang phát triển cho rằng các cam kết là chưa đầy đủ và đề xuất tài trợ cho các dự án thích ứng và thiệt hại do khí hậu nên nằm trong các ưu tiên hàng đầu.

Trong nửa cuối năm 2022, khi Báo cáo thứ sáu (AR6) của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) được công bố, các tác động, nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của con người sẽ được xem xét kỹ càng.

Do đó, dự kiến tại Hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc, việc cắt giảm tài chính và khí thải sẽ trở thành tâm điểm chú ý.

Bên cạnh khí hậu, đa dạng sinh học cũng là chủ đề “nóng” được quan tâm trong năm 2022.

Đây là vấn đề được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 15 các Bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP15) diễn ra từ ngày 11 đến 15/10/2021.

Đại diện hơn 100 quốc gia đã thông qua Tuyên bố Côn Minh, kêu gọi “hành động đoàn kết và thống nhất” để tạo ra một hiệp ước đa dạng sinh học toàn cầu mới.

Do đại dịch Covid-19, chương trình của Hội nghị được chia đôi và phần hai dự kiến sẽ diễn ra trực tiếp vào mùa Xuân năm nay, kỳ vọng tạo ra những cam kết mới nhằm giải quyết tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra trên toàn thế giới.

Những hệ quả đáng lưu tâm

Một thực tế đáng buồn là năm 2021 chứng kiến số lượng người kỷ lục bị tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, từ lũ lụt khắp châu Âu cho đến nạn đói đầu tiên do khí hậu gây ra ở Madagascar.

Theo dữ liệu thăm dò từ khảo sát của tổ chức tư vấn toàn cầu của Ipsos, tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022.

60% người được hỏi trả lời rằng nhiều khả năng sẽ có các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn xảy ra ở đất nước của họ so với năm 2021.

Không có gì ngạc nhiên khi con số này tăng lên 72% ở Hà Lan, 69% ở Anh và 66% ở Bỉ - những nơi đã và đang chịu tác động tồi tệ nhất của lũ lụt.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực cho thấy thế giới đang ngày càng nhận thức được tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Với mối quan tâm gia tăng, người dân đã sẵn sàng cùng chính phủ thực hiện những hành động cụ thể và đáng kể nhằm cải thiện biến đổi khí hậu.

Một người phụ nữ trẻ với hình ảnh trên tay thể hiện mối quan tâm của cô đối với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C. (Nguồn: AP)

Một người phụ nữ trẻ với hình ảnh trên tay thể hiện mối quan tâm của cô đối với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C. (Nguồn: AP)

Lựa chọn bền vững hơn

Theo dự đoán từ các chuyên gia, du lịch bền vững sẽ trở thành một trong những xu hướng lớn nhất trong năm nay.

Số liệu thống kê từ nhóm Expedia cho thấy 60% người được hỏi hiện đã tính tới các tác động lên môi trường và xã hội khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của họ.

Ngoài ra, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch được kỳ vọng sẽ chấm dứt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Điều này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nhà khoa học khí hậu, các chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội, những người khẳng định các dự án dầu khí không hề tương thích với một tương lai giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C.

Vào tháng 11/2021, Đan Mạch và Costa Rica khởi động một liên minh nhằm loại bỏ dần dầu khí, với sự tham gia của 11 thành viên khác của Liên minh Dầu khí mới (Beyond Oil and Gas Alliance).

Các chuyên gia đánh giá việc thành lập Liên minh đã chứng tỏ “khả năng lãnh đạo thực sự về khí hậu nên như thế nào”.

Tuy vậy, các nhà môi trường cũng tỏ ra nghi ngờ với những quốc gia không thực hiện cam kết này.

Vốn là chủ nhà của COP26, Vương quốc Anh lại vắng mặt và lý do chính là các kế hoạch mới về mỏ dầu Cambo tại Scotland.

Tuy nhiên, tin vui là Shell, “ông lớn” trong ngành dầu mỏ của Anh, thông báo rằng họ sẽ rút khỏi dự án.

Có thể thấy, việc tạo áp lực lên các quốc gia, buộc họ phải chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là cách tốt nhất để mang đến một tương lai sạch và bền vững cho nhân loại.

Minh An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-doi-khi-hau-chu-de-nong-nam-2022-170195.html