Biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân khiến bão tuyết xuất hiện liên tục tại Mỹ?

Hiện tượng Trái Đất nóng lên và các đợt nắng nóng kéo dài có mối liên quan trực tiếp với nhau, nhưng rất khó để nghiên cứu các động lực học khí quyển dẫn đến sự hình thành của các trận bão tuyết.

Khó xác định nguyên nhân

Nhiệt độ của Trái Đất ngày càng nóng hơn, kể cả vào mùa Đông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ đã trải qua nhiều trận bão tuyết nghiêm trọng.

Hiện tượng Trái Đất nóng lên và các đợt nắng nóng kéo dài có mối liên quan trực tiếp với nhau, nhưng rất khó để nghiên cứu các động lực học khí quyển dẫn đến sự hình thành của các trận bão tuyết. Giới chuyên gia đang tìm cách lý giải mối liên quan giữa hiện tượng thời tiết cực đoan vào mùa Đông với biến đối khí hậu.

Nhà khí hậu học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông Michael Mann cho biết, biến đổi khí hậu và các trận bão tuyết có một số mối liên hệ khá chặt chẽ. Chẳng hạn, các vùng nước như hồ hoặc đại dương ấm lên sẽ ảnh hưởng đến lượng tuyết rơi.

 Người dân tự xoay sở dọn dẹp tuyết khỏi xe và lấy đường đi lại. (Ảnh: AP, Reuters)

Người dân tự xoay sở dọn dẹp tuyết khỏi xe và lấy đường đi lại. (Ảnh: AP, Reuters)

Tại Mỹ, hiện tượng gọi là “tuyết rơi do hiệu ứng hồ” đã xảy ra tại vùng Great Lakes ở khu vực giáp giới với Canada. Thành phố Buffalo, nằm bên bờ của một trong những hồ tại vùng này, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do trận bão tuyết cuối tuần qua, đúng vào dịp Giáng sinh. Không khí lạnh từ phía Bắc gặp hơi nước ấm bốc lên từ các hồ này gây ra hiện tượng đối lưu, dẫn đến tuyết rơi dầy đặc.

Trong nghiên cứu vào năm 2018, ông Mann nhấn mạnh: “Nhiệt độ nước của các hồ này càng ấm, độ ẩm trong không khí càng cao và khả năng tuyết rơi do hiệu ứng hồ càng lớn.” Do đó, giới khoa học không ngạc nhiên khi hiện tượng tuyết rơi do hiệu ứng hồ gia tăng trong một thời gian dài khi nhiệt độ Trái Đất nóng lên trong thế kỷ qua.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu chưa đồng thuận về nhiều cơ chế khác, như tác động của biến đổi khí hậu đối với xoáy cực và luồng khí quyển hẹp. Xoáy cực là khối không khí nằm trên Bắc cực và mở rộng vào tầng bình lưu. Con người sống ở tầng đối lưu, còn tầng bình lưu nằm ngay phía trên tầng đối lưu. Bao quanh xoáy cực là một dải không khí luân chuyển, có vai trò như ranh giới giữa không khí lạnh ở phía Bắc và không khí ấm ở phía Nam. Khi xoáy cực suy yếu, dải không khí này bắt đầu chuyển động và tạo thành hình giống hình bầu dục, đẩy không khí lạnh về phía Nam.

Theo một nghiên cứu năm 2021, loại nhiễu động không khí này xảy ra thường xuyên hơn và xuất hiện trong 2 tuần sau đó tại tầng đối lưu - nơi có luồng khí quyển hẹp. Luồng không khí này thổi từ Tây sang Đông, theo ranh giới giữa không khí nóng và lạnh, sau đó uốn lượn khiến không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống các vĩ độ thấp hơn, đặc biệt là miền Đông nước Mỹ. Tác giả chính của nghiên cứu và nhà khí hậu học Judah Cohen cho biết: “Mọi người đều nhất trí rằng khi xoáy cực trở nên nhiễu loạn hoặc bị gián đoạn, nguy cơ xảy ra hiện tượng thời tiết mùa Đông khắc nghiệt sẽ tăng lên.”

 Các con đường ở thành phố Buffalo vẫn còn đầy ôtô, xe buýt, xe cứu thương và xe kéo bị chôn vùi trong tuyết. (Ảnh: Reuters)

Các con đường ở thành phố Buffalo vẫn còn đầy ôtô, xe buýt, xe cứu thương và xe kéo bị chôn vùi trong tuyết. (Ảnh: Reuters)

Ông nhấn mạnh hiện tượng xoáy cực "kéo dài" này chính xác là những gì đã được quan sát thấy ngay trước khi bão tuyết đổ bộ vào Mỹ trong tháng 12 này. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra vào tháng 2/2021, khi một đợt không khí lạnh tràn vào bang Texas, gây ra sự cố mất điện trên diện rộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tranh luận để xác định xem nguyên nhân gây ra những nhiễu động nói trên.

Ông Cohen cho rằng những nhiễu động này có liên quan đến sự thay đổi ở Bắc Cực gia tăng do biến đổi khí hậu. Những nguyên nhân khác là tốc độ tan băng nhanh và lớp tuyết phủ gia tăng tại Siberia. Chuyên gia này khẳng định ông tin chắc về mối liên quan mật thiết này bởi đây là chủ đề mà ông Cohen đã nghiên cứu trong 15 năm. Trong khi đó, nhà khí hậu học Mann cho biết điều này vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học. Ông cho rằng các mô hình khí hậu đến nay chưa nắm bắt được tất cả các điều kiện vật lý cơ bản có thể liên quan đến cách biến đổi khí hậu tác động đến sự hình thành của luồng khí quyển hẹp.

Bão tuyết cũng đã khiến 37 người thiệt mạng

Giới chức hạt Erie - phía Tây bang New York, khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cơn bão xác nhận đã có 37 trường hợp thiệt mạng tại đây, qua đó nâng tổng số người thiệt mạng trong đợt thiên tai này tại Mỹ lên ít nhất 59 người.

Ông Byron Brown - Thị trưởng thành phố Buffalo - cho biết điện sinh hoạt đang dần được nối lại tại thành phố lớn nhất hạt Erie này. Hiện chỉ còn khoảng 500 cư dân chờ được cấp điện.

Cơn bão đổ bộ nước Mỹ ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, mang theo thời tiết lạnh giá bất thường ở phần lớn đất nước, bao gồm cả các bang ở miền Nam như Texas và Florida.

 Các hành khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Chicago Midway ở Chicago, bang Illinois chờ lấy lại hành lý do chuyến bay bị hủy. (Ảnh: AP)

Các hành khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Chicago Midway ở Chicago, bang Illinois chờ lấy lại hành lý do chuyến bay bị hủy. (Ảnh: AP)

Nhiều người dân đã bị mắc kẹt trên đường cao tốc do tuyết rơi quá dày và đã tử vong trước khi lực lượng cứu hộ tới giải cứu. Công tác cứu hộ đã trở nên phức tạp hơn nhiều do lực lượng chức năng không thể tiếp cận hiện trường.

Trong một chia sẻ trên Twitter, ông Mark Poloncarz - người phụ trách điều hành các công tác tại hạt Erie - cho biết: "Có rất nhiều thi thể chưa được xác định tại thời điểm này. Tôi xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất tới tất cả những ai đã mất người thân trong trận bão tuyết khủng khiếp này."

Theo ông Poloncarz, Lực lượng Vệ binh quốc gia đã lên kế hoạch đánh giá thực trạng tại từng hộ gia đình ở những khu vực bị mất điện sinh hoạt.

Ông cũng nhấn mạnh rằng lệnh cấm lái xe vẫn tiếp tục được duy trì tại Buffalo. Ngoài ra, giới chức địa phương cũng đang chuẩn bị với những nguy cơ xảy ra khi tuyết tan.

Trước thông tin dự báo về việc nhiệt độ có thể lên tới 10 độ C trong ngày 30/12, Thống đốc New York - bà Kathy Hochul đã chỉ đạo chính quyền các địa phương triển khai sẵn sàng máy bơm và bao cát để đề phòng trường hợp "lũ lụt nguy hiểm" có thể xảy ra.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-co-phai-la-nguyen-nhan-khien-bao-tuyet-xuat-hien-lien-tuc-tai-my-74795.html