Biến đổi khí hậu đang gây khó cho các nhà máy thủy điện

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã đặt cược lớn vào các đập lớn vào những năm 2000 để mở rộng năng lượng sạch. Bây giờ biến đổi khí hậu đang làm tổn hại đến tham vọng xanh của Brazil

Thủy điện đang bị biến đổi khí hậu đe dọa

Thủy điện đang bị biến đổi khí hậu đe dọa

Hết nước cho thủy điện

Santo Antônio là một trong ba đập lớn nằm sâu trong rừng mưa Amazon tươi tốt của Brazil. Nó từng được ca ngợi là tương lai của ngành sản xuất năng lượng xanh của đất nước lớn nhất Nam Mỹ.

Các đập lớn "chảy theo dòng sông" là ván cược của Tổng thống Brazil với hy vọng thúc đẩy tương lai xanh khi ông mới nắm quyền vào những năm 2000.

Santo Antônio, Jirau và Belo Monte được xây dựng trong rừng mưa Amazon bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm bảo vệ môi trường. Belo Monte, bắt đầu hoạt động vào năm 2016, có công suất lớn thứ tư trên thế giới.

Nhưng các đập lớn đang hoạt động dưới công suất khi mực nước sông giảm do hạn hán kỷ lục ở Amazon. Điều này nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức ngày càng lớn đối với tham vọng xanh của Brazil.

Santo Antônio đã phải ngừng hoạt động 43 trong số 50 tua-bin vào đầu tháng 9 khi mực nước sông gần chạm mức thấp kỷ lục do hạn hán. Trước đó, nó phải đóng cửa hoàn toàn vì lý do tương tự trong hai tuần vào tháng 10 năm ngoái.

Ba đập lớn chỉ hoạt động ở một phần nhỏ công suất của chúng vào tháng 9 càng đẩy các công ty thủy điện vào thế khó. Họ liên tục không đáp ứng được "sản lượng năng lượng đảm bảo tối thiểu" được nêu trong hợp đồng với chính phủ.

Theo dữ liệu của chính phủ, Santo Antônio chỉ hoạt động ở mức dưới 10% công suất trong 20 ngày đầu tháng 9, Jirau ở mức 5% và Belo Monte ở mức dưới 3% công suất tối đa. Hoạt động thủy điện lúc này còn bất thường hơn cả điện gió. Còn nhớ, Santo Antônio và Jirau phải hoạt động ở mức gấp đôi công suất trong cùng kỳ năm 2021, năm mà Amazon của Brazil phải vật lộn với mưa lớn.

Các chuyên gia cho biết tình hình có khả năng xấu đi khi hạn hán trở nên thường xuyên hơn trong tương lai. Đại diện của Norte Energia, công ty điều hành Belo Monte: "Các nghiên cứu chỉ ra rằng thời kỳ hạn hán nghiêm trọng sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở mọi khu vực của Brazil".

Một báo cáo năm 2015 do chính phủ ủy quyền dự đoán rằng tiềm năng từ dòng chảy sông tự nhiên ở Brazil sẽ giảm từ 7% đến 30% vào năm 2030.

Hoạt động kém hiệu quả vì biến đổi khí hậu

Thủy điện chiếm 47% công suất năng lượng của Brazil, khiến nó trở thành nền tảng cho tham vọng nhằm biến đất nước này thành nước xuất khẩu ròng năng lượng xanh. Thậm chí, Tổng thống Lula da Silva từng mơ ước Brazil trở thành "Ả-rập Saudi của năng lượng tái tạo trong 10 năm".

Việc Tổng thống Lula da Silva đặt cược vào các đập "chảy theo dòng sông" nhằm mục đích đảm bảo năng lượng giá rẻ, ít tác động đến môi trường hơn so với các đập truyền thống dựa vào các hồ chứa lớn. Ý tưởng thì tốt nhưng các chuyên gia cho biết tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các đập lớn ở Amazon không phải là điều mới mẻ, đặt ra câu hỏi về chiến lược xanh của chính phủ.

Theo phân tích dữ liệu của Context từ Cơ quan điều hành hệ thống điện quốc gia, Santo Antônio, Jirau và Belo Monte đã không đạt được sản lượng "năng lượng đảm bảo tối thiểu" được ghi trong hợp đồng giữa các công ty thủy điện và chính phủ liên bang trong bất kỳ năm nào kể từ khi họ bắt đầu phát điện vào những năm 2010.

"Năng lượng đảm bảo tối thiểu" đề cập đến lượng điện tối thiểu mà các nhà máy điện cam kết cung cấp cho hệ thống điện quốc gia dựa trên các thống kê dòng chảy của sông trong lịch sử.

Nhưng Celio Bermann, giáo sư tại Viện Năng lượng và Môi trường của Universidade de São Paulo cho biết thống kê lịch sử không chỉ ra được về mực nước sông trong tương lai khi khí hậu đang biến đổi.

Đại diện của Eletrobras, công ty điều hành Santo Antônio, nói với Context rằng sản lượng năng lượng đảm bảo tối thiểu của Santo Antônio là 2,31 Gigawatt dựa trên mực nước sông trong lịch sử "không phản ánh những thay đổi cực đoan được quan sát thấy trong những năm qua".

Khi mực nước sông giảm, các công ty thủy điện buộc phải mua điện từ các nhà sản xuất khác trên thị trường giao ngay. Họ thường phải bỏ ra chi để bù đắp cho tròn nghĩa vụ theo hợp đồng của họ.

Mário Daher, một cố vấn trong lĩnh vực năng lượng cho biết: “Nếu mực nước không tăng trong những năm tiếp theo, các nhà máy điện (Amazon) đó sẽ phá sản".

Theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý điện lực Brazil, Jirau có sản lượng năng lượng đảm bảo tối thiểu là 2,1 Gigawatt, còn Belo Monte là 4,41 Gigawatt.

Các giải pháp thay thế?

Khi sản lượng điện từ các đập lớn của Amazon giảm, chính quyền đã chuyển sang nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và tốn kém.

Chính phủ hiện đang xây dựng thêm 15 nhà máy chạy bằng khí đốt. Viện quốc tế phi lợi nhuận Arayara cho biết 15 nhà máy đó sẽ thúc đẩy công suất phát điện khí đốt tự nhiên của Brazil lên ít nhất 30%. Do đó làm tăng lượng khí thải carbon của quốc gia này.

Trong khi đó, một báo cáo tháng 8 do Viện năng lượng và môi trường phi lợi nhuận (IEMA) đồng sáng tác, đề xuất sử dụng năng lượng mặt trời và gió để giúp chuyển đổi các đập thủy điện nhỏ hơn thành "đập thủy điện tích trữ năng lượng".

Ý tưởng là sử dụng năng lượng mặt trời và gió để đẩy nước lên hồ chứa, sau đó có thể được sử dụng để tạo ra điện khi mặt trời lặn và gió yếu đi.

Theo dữ liệu từ Văn phòng nghiên cứu năng lượng của Brazil, điện mặt trời và gió đã tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm qua tại Brazil và hiện chiếm 29,4% công suất năng lượng của quốc gia này.

Ngoài ra, Vinícius Oliveira da Silva, nhà nghiên cứu tại Viện Năng lượng và Môi trường phi lợi nhuận cho biết sản lượng của Santo Antônio, Jirau và Belo Monte cũng có thể được thúc đẩy bằng cách xây dựng thêm nhiều đập dọc theo con sông như đã lên kế hoạch ban đầu. Nhưng điều này sẽ thổi bùng tranh cãi từ những người ban đầu đã phản đối đối với các con đập, nhất là khi họ chứng kiến tình hình bi quan hiện giờ.

Các nhà môi trường cho biết việc xây dựng các con đập này đã góp phần gây ra nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học và di dời hàng chục nghìn người Brazil.

Tuy nhiên, sau khi trở lại chính trường, Tổng thống Lula da Silva đã tái khởi động các cuộc đàm phán với Bolivia để xây dựng một con đập lớn mới trên sông Madeira, trên biên giới giữa hai nước. Kế hoạch này sẽ giúp tăng sản lượng tại Jirau và Santo Antônio vì cả hai đều nằm trên sông Madeira. Nhưng việc này cũng giống như việc đầu tư thêm vào ván cược trước biến đổi khí hậu..

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bien-doi-khi-hau-dang-gay-kho-cho-cac-nha-may-thuy-dien-224264.html