Biến đổi khí hậu đe dọa cấp số nhân đối với hòa bình và an ninh quốc tế

Ngày 9/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức Thảo luận mở về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chuẩn bị sớm và tăng cường khả năng chống chịu của người dân trong ứng phó biến đối khí hậu là thực sự cần thiết.

Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh toàn cầu

Tham dự cuộc thảo luận có Tổng thống Estonia cùng các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng đại diện các nước thành viên LHQ.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tái khẳng định biến đổi khí hậu là mối đe dọa cấp số nhân đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Ông Guterres đề nghị cần tập trung vào nỗ lực ngăn ngừa, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, khủng bố; Đầu tư vào con người, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, các nước cũng cần tăng cường biện pháp giảm thiểu và thích nghi, phân tích, cảnh báo sớm về nguy cơ an ninh liên quan đến khí hậu, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác trong vấn đề này.

Phụ nữ và trẻ em bị tổn thương nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamet và Thư ký điều hành Ủy ban lưu vực Hồ Chad Maman Nuhu cho biết lưu vực Hồ Chad, Sahel gặp thách thức do hoạt động khủng bố, tội phạm, tình trạng sa mạc hóa, hạn hán, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

Các báo cáo viên kêu gọi cộng đồng quốc tế và LHQ hỗ trợ chống khủng bố thông qua tổ chức G5-Sahel và ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đa số ý kiến của các nước thành viên Hội đồng Bảo an và LHQ cho rằng, có mối liên hệ rõ ràng giữa biến đổi khí hậu và hòa bình, an ninh, theo đó, ủng hộ Hội đồng Bảo an tiếp cận và giải quyết khía cạnh an ninh của vấn đề này, bao gồm thông qua xem xét một dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên có cách tiếp cận tổng thể trong khuôn khổ Công ước LHQ về biến đổi khí hậu và xem xét khía cạnh an ninh tùy theo tình hình quốc gia, khu vực.

Đại sứ Phạm Hải Anh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại LHQ, khẳng định cần có cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề này, nhất là biến đổi khí hậu, với sự tham gia của toàn hệ thống LHQ ở cấp độ toàn cầu, trong đó Hội đồng Bảo an đóng vai trò đặc biệt trong giải quyết các nguy cơ về an ninh, phối hợp với các cơ quan khác trong ngăn ngừa xung đột, bảo đảm hòa bình bền vững.

Trong quá trình này, cần bảo đảm đồng thuận, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các thành viên, có sự tham gia của các nước, các cộng đồng chịu nhiều tác động và của phụ nữ, thanh niên.

Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết dự báo, chuẩn bị sớm và tăng cường khả năng chống chịu của các nước và người dân trong ứng phó biến đối khí hậu và chống sự tuyên truyền của khủng bố quốc tế.

Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

Là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), có bờ biển dài 3.260 km, có mức thu nhập trung bình thấp của thế giới, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của LHQ (UNDP), là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2100, Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Cô-pen-ha-ghen của Đan Mạch (năm 2012) cho biết, nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỉ USD thì thiệt hại do biến đổi khí hậu khi đó có thể lên đến khoảng 40 tỉ USD.

Việt Nam kêu gọi các nước thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải. (Ảnh minh họa)

Việt Nam kêu gọi các nước thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải và hỗ trợ tài chính đã được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), bảo đảm nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, dựa trên điều kiện và nguồn lực của từng nước; Khẳng định sẽ tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào nỗ lực chung của LHQ và các diễn đàn đa phương trong ứng phó với thách thức này.

Xác định bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, Việt Nam luôn tham gia và thực hiện nghiêm túc các công ước, thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, như UNFCCC, Nghị định thư Ki-ô-tô (năm 2002 và 2015); Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (năm 2016).

Tại LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam luôn chủ động, tham gia, đóng góp ý kiến trong các cuộc thảo luận của Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Bảo an LHQ về biến đổi khí hậu nói chung và các nguy cơ đối với hòa bình, an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra chủ trương, ban hành nhiều chính sách bảo vệ môi trường, như Nghị quyết số 41/NQ-TW, ngày 15/11/2004, của Bộ Chính trị, về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29/CT-TW, ngày 21/1/2009, của Ban Bí thư, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-de-doa-cap-so-nhan-doi-voi-hoa-binh-va-an-ninh-quoc-te-61865.html