Biến đổi khí hậu gây thiên tai

Mưa lũ do khí hậu biến đổi sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở châu Phi và châu Á.

Mưa lũ khủng khiếp ở Pakistan đã làm khoảng 1.600 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến gần 20 triệu người và gây ra thảm họa nhân đạo lớn hơn cả thảm họa sóng thần ở Nam Á cuối năm 2004.

LHQ nhận định đây là sự cố bất hạnh nhất của nhân loại và là thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất mà thế giới phải đối mặt trong thời gian gần đây. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi nhận định đó là hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tình hình mưa lũ ở 28 tỉnh Trung Quốc cũng không kém phần nghiêm trọng với 1.100 người chết, gây thiệt hại nhiều tỉ USD.

Còn tại Nga, nắng nóng bất thường trong 130 năm qua đã gây cháy rừng dữ dội nhất từ trước đến nay trên cả nước. Bụi cháy rừng lan đến tận thủ đô Moscow. Số người chết tăng đến nỗi nhà xác quá tải.

Biếm họa của OLLE JOHANSSON (Thụy Điển). Chữ trong ảnh: MAYDAY = Tín hiệu báo nguy; Help = Cứu.

Biếm họa của OLLE JOHANSSON (Thụy Điển). Chữ trong ảnh: MAYDAY = Tín hiệu báo nguy; Help = Cứu.

Trong hội nghị quyên góp chống biến đổi khí hậu ngày 3-9 tại Geneva (Thụy Sĩ) với đại biểu 45 nước tham dự, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Christiana Figueres đã nhận định: Thiên tai khủng khiếp trong tháng 7 và tháng 8 trên thế giới là báo động khẩn cấp về hiện tượng biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia khí hậu toàn cầu, thiên tai đã và đang xảy ra là phản ứng tự nhiên của Trái đất trước tình trạng nóng lên toàn cầu. Lụt lội ở Pakistan, lụt lội và lở đất ở Trung Quốc, nắng nóng và cháy rừng dữ dội ở Nga, vỡ băng ở Greenland là bằng chứng rõ ràng nhất. Chúng chứng minh những dự đoán của các chuyên gia là chính xác. Đáng lo ngại hơn, thực tế này đang trên đà tiến triển.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Dawn TV (Pakistan) hồi cuối tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định có liên đới giữa thiên tai chết người gần đây với biến đổi khí hậu.

Ông Jean-Pascal van Ypersele, Phó Giám đốc Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC), nhận định rằng ngay chính thiên tai và hiện tượng thời tiết bất thường cũng làm khắc nghiệt hơn môi trường toàn cầu vốn đã bị ô nhiễm vì khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, có thể không phải thảm họa thiên nhiên nào cũng bắt nguồn từ nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu, tuy nhiên rõ ràng biến đổi khí hậu đã góp phần làm cho các thảm họa này xảy ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn.

Các chuyên gia về khí hậu của LHQ dự báo thực tế biến đổi khí hậu sẽ còn gây ra nhiều vụ hạn hán, lũ lụt, nắng nóng bất thường trong thế kỷ 21.

Ngày 6-9, Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) đã công bố báo cáo nhận định châu Phi và châu Á có thể sẽ còn phải hứng chịu nhiều trận mưa lớn do khí hậu biến đổi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đà tăng trưởng kinh tế. IWMI khuyến cáo nông dân và các nhà hoạt động chính sách tìm cách đa dạng hóa nguồn nước để bảo đảm năng suất nông nghiệp.

Theo trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáng 6-9 tại TP Hạ Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì diễn đàn ASEM về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông, Thư ký Bộ trưởng Nhà nước về môi trường Indonesia Liana Bratasida, đại sứ Vương quốc Đan Mạch John Nielsen. Diễn đàn kéo dài trong hai ngày với ba phiên họp về các chủ đề: Tác động của biến đổi khí hậu - Tính dễ bị tổn thương và thích ứng; Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế carbon thấp; Hợp tác ASEM trong các nỗ lực toàn cầu.

ĐĂNG KHOA (Theo AFP, FOX News, AP)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100907125331394p0c1017/bien-doi-khi-hau-gay-thien-tai.htm