Biến đổi khí hậu làm trầm trọng hiện tượng sa mạc hóa
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên cũng khiến tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán gia tăng. Những nơi vốn đã khô hạn càng trở nên khô hạn hơn, làm giảm độ ẩm của đất và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống sinh thái.
Những năm gần đây, tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Hạn hán bắt nguồn từ biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm hiện tượng sa mạc hóa. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng gần 30% kể từ năm 2000. Liên Hợp Quốc dự tính, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Hạn hán kéo dài dẫn đến mất nước trong đất, khiến đất trở nên khô cằn và dễ bị xói mòn. Cây cối và thảm thực vật không thể phát triển khi không đủ nước, làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ đất.
Hạn hán làm giảm năng suất và chất lượng của cây trồng, gây ra tình trạng đói kém và suy giảm kinh tế. Khi không thể canh tác, người dân có thể bỏ đất, và các khu vực này dễ bị sa mạc hóa hơn.
Hạn hán và sa mạc hóa gây ra những thay đổi lớn trong hệ sinh thái, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài động thực vật. Những loài không thể thích nghi với điều kiện khắc nghiệt sẽ dần dần biến mất, làm giảm đa dạng sinh học.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hạn hán đang ảnh hưởng đến gần 56 triệu người trên toàn cầu, 40% dân số bị khan hiếm nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030. Hạn hán còn là mối nguy hại nghiêm trọng với gia súc và cây trồng và là một trong những nguyên nhân gây ra 80 - 90% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 10 năm qua.
Cục Lâm nghiệp cho hay, Việt Nam có khoảng 400 ha sa mạc tự nhiên. Dù không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa thế nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm trên nhiều khu vực, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Việt Nam xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp, trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đây cũng là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước với hơn 400.000 ha.
Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia, trở thành thành viên thứ 134 của Công ước chống sa mạc hóa (ngày 19/8/1998). Việt Nam luôn nỗ lực cam kết thực hiện Khung hành động của Công ước cũng như trách nhiệm của nước thành viên.
Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT là đơn vị chủ trì thực hiện Công ước chống sa mạc hóa, đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, 2024 là năm thứ ba Việt Nam thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành lâm nghiệp vấp phải nhiều khó khăn như hiện tượng khô hạn kéo dài ở nhiều nơi, cháy rừng xảy ra ở các quy mô khác nhau, gây thiệt hại lớn về rừng và con người. Tuy vậy, với sự quyết tâm của toàn ngành, Thứ trưởng tin tưởng toàn ngành sẽ quyết tâm đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Một trong số đó là việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch phát triển nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Với chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạch hóa và hạn hán năm 2024 là "Chung tay quản lý và sử dụng đất bền vững: Di sản của chúng ta - tương lai của chúng ta", Thứ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động một cách có trách nhiệm, cùng với đó xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nguyên nhân chính dẫn đến sa mạc hóa bao gồm sự biến đổi khí hậu, sự suy thoái đất và các hoạt động của con người,...
Các yếu tố này làm mất đi lớp phủ thực vật, giảm độ ẩm của đất và tăng cường sự xói mòn. Sa mạc hóa gây mất mát về môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người, gây thiếu hụt nguồn nước, giảm năng suất nông nghiệp và đẩy người dân vào cảnh đói nghèo.
Chính vì thế, việc ngăn chặn sa mạc hóa cần sự hợp tác toàn cầu, thông qua các biện pháp bảo vệ và phục hồi môi trường, như trồng cây xanh, sử dụng đất bền vững và quản lý nước hiệu quả. Hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ sau.