Biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mêkông dưới lăng kính mới: Sông Mêkông trước mối quan hệ nhân – thiên và nhân – nhân

Sông Mêkông có một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, vừa giàu tài nguyên, sản vật lại gắn liền với những đặc trưng văn hóa độc nhất vô nhị đến từ những sinh vật hai bên sông.

(KTSG) – Sông Mêkông có một hệ sinh thái đa dạng, phong phú, vừa giàu tài nguyên, sản vật lại gắn liền với những đặc trưng văn hóa độc nhất vô nhị đến từ những sinh vật hai bên sông.

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến nhiều yếu tố quan trọng như nước, đất, con người, tài nguyên… các nền tảng vận hành cân bằng vốn tồn tại lâu dài đang dần bị phá vỡ và gây ra những hệ quả lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều mặt khác nhau của kinh tế – xã hội.

Con người dần nhận ra rằng để sống còn, họ cần tái lập sự hòa hợp với thiên nhiên, lắng nghe và tôn trọng những quy luật của đất trời. Ảnh: N.K

Con người dần nhận ra rằng để sống còn, họ cần tái lập sự hòa hợp với thiên nhiên, lắng nghe và tôn trọng những quy luật của đất trời. Ảnh: N.K

Chưa xét đến chất lượng của các ngoại tác là tốt hay xấu, việc định hình lại bức tranh chung của các đối tượng trên lưu vực sông Mêkông là quan trọng. Câu chuyện về BĐKH trên lưu vực sông Mêkông có thể được phân tích bóc tách dưới nhiều lăng kính để mở ra một bức tranh mới cho cả khu vực và thế giới.

Bản chất của biến đổi khí hậu diễn ra ở lưu vực sông Mêkông

BĐKH có ảnh hưởng sâu rộng ở lưu vực sông Mêkông là vì nó bắt đầu từ yếu tố nước, trong khi đó sông Mêkông lại được xem như huyết mạch nuôi dưỡng cả một vùng đất rộng lớn.

Nước biển dâng cao, do Trái đất đang ấm dần lên, gây ra hiện tượng ngập cục bộ ở những khu vực thấp ven biển, nước biển xâm nhập hệ thống sông ngòi và đi sâu vào nội địa gây xáo trộn sự phân bổ dòng chảy thông qua cường độ thủy triều. Nước dâng cao và ấm hơn làm độ ẩm trong không khí cao hơn với hơi nước nhiều hơn gây ra lũ lụt, sạt lở và thay đổi mô hình dòng chảy cũng như lưu lượng của các con sông, ảnh hưởng đến lượng phù sa trong nước gây suy thoái dinh dưỡng của đất đai khu vực xung quanh. Thời tiết nắng nóng, mực nước ruộng thấp, thuận lợi cho sâu rầy sinh sôi nảy nở hình thành dịch bệnh, trong khi mưa nhiều, độ ẩm cao lại là môi trường cho các loại nấm bệnh phát triển.

Nhìn chung bản chất của BĐKH tại lưu vực sông Mêkông bắt đầu từ việc tác động vào yếu tố nước cả về lưu lượng và đặc điểm trên con sông Mêkông, từ đó bắt đầu lan tỏa sang các nhân tố địa lý lân cận để bắt đầu gây ảnh hưởng đến các điều kiện sống khác.

Kẻ thù vô hình hay người bạn mới dưới góc nhìn của các doanh nghiệp?

Có doanh nghiệp ở lưu vực sông Mêkông ví von BĐKH như một kẻ thù vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ mà họ đang phải đấu tranh ngày đêm. Ở lăng kính khác, có doanh nghiệp lại xem BĐKH như một người bạn mới vì đã tạo những tác động thuận lợi tới lĩnh vực của họ. Đặc biệt, có doanh nghiệp ban đầu nhìn BĐKH với thái độ thù địch, nhưng sau đó lại đánh giá nó với thái độ hết sức tích cực.

Hãy bắt đầu với các doanh nghiệp nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nước sông từng là bạn đồng hành trung thành, giờ đây lại trở thành mối đe dọa khôn lường. Những đợt xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, những cơn mưa bất thường và thời tiết khắc nghiệt khiến cho mùa màng thất bát, tôm cá chết dần. Các doanh nhân, vốn gần gũi với đất và nước, không thể ngồi yên mà bắt đầu đầu tư vào những công nghệ mới, những phương pháp trồng trọt và chăn nuôi thông minh, hy vọng có thể đương đầu với thiên nhiên đang ngày càng bất định.

Khi dòng nước ngọt ngào của sông Mêkông dần biến thành vị mặn của biển, con người nơi đây buộc phải đoàn kết để chống chọi với những thử thách khắc nghiệt của BĐKH.

Bằng cách đó, BĐKH đã thúc đẩy một làn sóng cải cách và áp dụng công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp nhận ra rằng, nếu biết cách thích nghi, BĐKH không phải là một kết thúc, mà là một khởi đầu mới, nơi nông nghiệp xanh và bền vững trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển.

Trong các nhà máy chế biến thực phẩm, sự lo lắng cũng lan tràn. Những dây chuyền sản xuất hiện đại giờ đây đứng trước nguy cơ gián đoạn hoạt động do nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cả leo thang. Nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách biến khó khăn thành cơ hội. Sự lo lắng trước kia đã chuyển hóa thành động lực để cải tiến. Những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung ứng ổn định đã khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm những đối tác mới, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn. Họ cũng không ngừng sáng tạo để giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, và phát triển những sản phẩm không chỉ ngon miệng mà còn thân thiện với môi trường. Những thách thức từ BĐKH đã trở thành chất xúc tác để họ tạo ra những giá trị bền vững và khác biệt trên thị trường.

Còn với các công ty năng lượng, những người nắm giữ sức mạnh của dòng chảy, Mêkông không chỉ là một dòng sông mà còn là nguồn sống. Nhưng khi những con số trên các báo cáo bắt đầu dao động do lượng nước sông không còn ổn định như trước, các doanh nghiệp đang đối diện với thách thức mới. Họ phải ngồi lại bàn bạc với nhau về việc chuyển hướng sang những nguồn năng lượng tái tạo, hy vọng tìm thấy một lối thoát an toàn giữa cơn bão của sự thay đổi.

BĐKH đã mở ra cánh cửa cho những dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các sáng kiến xanh khác.

Trong các khu du lịch ven sông, các doanh nghiệp dịch vụ và du lịch đang phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã. Khi môi trường tự nhiên, những rặng cây xanh, những cánh đồng lúa bát ngát và cả dòng sông lấp lánh ánh mặt trời dần biến mất, lượng khách du lịch cũng giảm sút. Các doanh nghiệp này, từng sống nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của Mêkông, giờ đây đang phải sáng tạo hơn bao giờ hết. Họ thúc đẩy du lịch bền vững, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ nhưng không kém phần hấp dẫn, với hy vọng rằng dòng khách du lịch sẽ quay trở lại.

Nhưng có lẽ câu chuyện xúc động nhất lại đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những con thuyền nhỏ bé giữa dòng sông hùng vĩ đầy biến động. Với nguồn lực hạn chế, họ biết rằng chỉ một cơn sóng lớn cũng có thể đánh đắm sự nghiệp của mình. Những người chủ doanh nghiệp, những người đã dày công xây dựng từng viên gạch, giờ đây đang hợp tác với nhau, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức, từ cộng đồng và từ chính mình, với niềm tin rằng trong sự đoàn kết, họ có thể vượt qua mọi thử thách. Những sáng kiến cộng đồng nhỏ nhưng hiệu quả đã xuất hiện, giúp họ không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh mẽ hơn, với những sản phẩm và dịch vụ bền vững. Tinh thần đoàn kết và sáng tạo đã trở thành chìa khóa mở ra những cơ hội mới, nơi mà thách thức từ BĐKH trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

BĐKH trên lưu vực sông Mêkông, từ góc nhìn của các doanh nghiệp, không chỉ là một mối đe dọa mà còn là một lời kêu gọi hành động, tạo động lực để những người con của sông Mêkông không ngừng tìm kiếm những giải pháp, sáng tạo những chiến lược mới để bảo vệ nguồn sống của mình và cả cộng đồng xung quanh.

Đối phó hay thích ứng dưới góc nhìn của người dân hai bên sông

Cùng một dòng chảy nhưng điểm thú vị là sông Mêkông khi đến từng quốc gia sẽ được đối xử và gọi bằng những cái tên khác nhau. Cách hành xử của người dân hai bên sông trong việc cộng sinh hoặc khai thác các sản vật gắn liền với sông nước cũng khác biệt, tùy thuộc vào tập quán sống và sinh hoạt của cộng đồng, cấu trúc kinh tế của các quốc gia và quan điểm, chính sách của lãnh đạo các nước.

Khi BĐKH xảy ra, nguyên nhân lớn nhất gây thay đổi cách nhìn nhận và hành xử của người dân hai bên sông đến từ việc bị mất đi sinh kế truyền thống. Các ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ đều bị ảnh hưởng, có những công việc bị mất đi, có những công việc phải điều chỉnh và tất nhiên, cũng có những công việc mới sẽ được sinh ra sau một thời gian đủ dài.

Trong ngắn hạn, khi BĐKH đang gây ra sự phân rã những mô thức vận hành cũ trong khi các hoạt động đổi mới sáng tạo chưa kịp định hình để tạo ra những nền tảng phát triển mới, sự tổn thương là điều khó có thể tránh né, đặc biệt đối với một số cá nhân có năng lực cạnh tranh yếu hơn và có điều kiện kinh tế hạn chế. Quan điểm của các cộng đồng người dân sống ở hai bên sông thiên về hai xu hướng là đối phó hoặc thích ứng với BĐKH.

Sự xuất hiện của các công trình ngăn mặn hoặc điều hướng dòng chảy sông Mêkông là biểu hiện rõ nét cho xu hướng chống lại BĐKH. Sự đối đầu giữa con người với thiên nhiên khi họ quyết tâm ngăn chặn xu hướng mặn hóa nguồn nước, định hình sự phân bổ dòng chảy và thiết lập các hoạt động kinh tế như họ mong muốn. Thông thường người dân ở hai bên sông Mêkông sẽ có xu hướng muốn được hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế mà họ có thế mạnh hoặc đã có kinh nghiệm hoạt động trong quá trình sống.

Một cách thức chống đối với BĐKH khác đó là việc người dân hai bên sông quyết định rời bỏ khu vực này để chuyển đến nơi khác sống. Lưu vực sông Mêkông trong thời gian qua phải đối diện với làn sóng di cư mạnh mẽ khi người dân mất đi sinh kế do tác động của BĐKH. Giải pháp này có thể được ví như việc những người con của vùng đất Mêkông chấp nhận từ bỏ dòng sữa mẹ để tìm kiếm nguồn sống mới. Nhưng việc chuyển đến nơi khác sống vừa gây bất lợi cho nơi tiếp nhận vì không thể nhanh chóng tạo hạ tầng sinh kế cho người mới, vừa gây ra trục trặc trong việc ổn định cuộc sống cho những di dân.

Xu hướng thích ứng với BĐKH ở giai đoạn đầu là việc lựa chọn sống chậm và co hẹp quy mô các hoạt động kinh tế hai bên sông. Một số nông dân chấp nhận tưới tiêu hạn chế từ việc mua nguồn nước ngọt từ vùng khác để cầm cự, duy trì sự sống cho cây trồng, vật nuôi để chờ đến lúc độ mặn trong nguồn nước giảm xuống. Trong giai đoạn hạn chế hoạt động, người dân chấp nhận tạm thời không thể khai thác vụ mùa, các doanh nghiệp chấp nhận giảm hiệu suất làm việc, điều này sẽ kéo tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, thu nhập bình quân cũng bị giảm sút.

Một xu hướng thích ứng khác đó là áp dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế – xã hội để tiết kiệm các nguồn tài nguyên, nguồn lực đầu vào, tăng khả năng chống chịu và tiếp tục phát triển trước BĐKH. Các giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, các công nghệ tưới tiêu khoa học giúp tiết kiệm nguồn nước hoặc giúp rửa mặn là những giải pháp bước đầu. Các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giảm tiêu hao các tài nguyên đất, nước hoặc giúp tạo dinh dưỡng cho đất từ các nguồn chất thải đầu ra của các ngành khác giúp người dân khắc phục được vấn để suy thoái dinh dưỡng của đất đai.

Nhìn chung, sự lựa chọn của người dân hai bên sông Mêkông trước BĐKH là đa dạng tùy thuộc vào năng lực và bối cảnh khác biệt. Tuy nhiên, trong dài hạn, xu hướng thích ứng sẽ ngày càng phù hợp hơn so với đối phó, và BĐKH đang tạo áp lực giúp người dân không ngừng thay đổi cách sống và lao động với đặc điểm chậm hơn, khoa học hơn và có nhiều sáng tạo hơn.

Nhân – Thiên cân bằng và Nhân – Nhân hợp tác trong câu chuyện BĐKH

Thiên nhiên lưu vực sông Mêkông đã từng phóng khoáng ban tặng cho con người những món quà vô giá như phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, sản vật phong phú cho đến khi BĐKH xuất hiện mang theo thử thách khắc nghiệt – nước biển dâng, xâm nhập mặn, phù sa cạn dần. Thiên nhiên giờ đây không chỉ là một người bạn đơn thuần, mà còn là kẻ thử thách.

Những người con của dòng sông Mêkông không cam chịu số phận mà đang tìm cách thích nghi thông qua việc chọn giống lúa chịu mặn, nuôi tôm thay lúa, cải tiến thủy lợi. Họ không chỉ canh tác mà còn chiến đấu, giành lại sự sống từ môi trường ngày càng khắc nghiệt. Trong cuộc chiến đó, con người dần nhận ra rằng để sống còn, họ cần tái lập sự hòa hợp với thiên nhiên, lắng nghe và tôn trọng những quy luật của đất trời.

Những dự án bảo tồn rừng ngập mặn, khôi phục đất đai, và quản lý tài nguyên nước một cách bền vững không chỉ là các biện pháp kỹ thuật, mà là dấu hiệu của một tinh thần mới – tinh thần hợp tác với thiên nhiên. Tương lai của lưu vực sông Mêkông không chỉ nằm ở những hành động tức thời, mà ở khả năng hòa mình với thiên nhiên, tạo dựng một mối quan hệ bền vững. Những người dân cần biết rằng, họ không đơn độc trong cuộc hành trình đầy kịch tính về BĐKH, họ đang viết nên một chương mới – nơi Nhân và Thiên không chỉ cùng tồn tại, mà còn hiểu nhau hơn để cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững.

Đồng thời, khi dòng nước ngọt ngào của sông Mêkông dần biến thành vị mặn của biển, con người nơi đây buộc phải đoàn kết để chống chọi với những thử thách khắc nghiệt của BĐKH. Trong những ngày mặn chát xâm lấn, tình làng nghĩa xóm lại trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết. Những người nông dân từng canh tác lúa giờ cùng nhau cải tạo ruộng đất, tìm ra những giống cây trồng mới, hay chia sẻ từng giọt nước ngọt quý báu. Tinh thần đoàn kết không chỉ giúp họ tồn tại, mà còn tạo nên sức mạnh để vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Chính quyền và người dân cũng tìm đến nhau trong những buổi họp mặt, bàn bạc. Những dự án lớn như xây dựng đê bao, cải tạo kênh rạch đòi hỏi sự đồng lòng từ cả hai phía. Không còn khoảng cách giữa chính quyền và dân chúng vì chỉ có hợp tác chặt chẽ mới giúp bảo vệ vùng đất quý báu này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ. Lợi ích đan xen, xung đột phát sinh khi những người nuôi tôm cần nước mặn, còn nông dân lại cần nước ngọt. Nhưng những cuộc xung đột ấy cũng là cơ hội để họ học cách đối thoại, nhượng bộ và tìm ra giải pháp chung, bởi họ biết rằng chỉ có đoàn kết mới giúp họ vượt qua thử thách.

Mối quan hệ Nhân – Nhân nơi đây được xây dựng trên nền tảng của trách nhiệm và tinh thần cộng đồng. Mỗi người dân đều hiểu rằng, hành động của họ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến cả cộng đồng. Họ không chỉ bảo vệ gia đình mình mà còn cùng nhau bảo vệ tương lai của toàn bộ lưu vực sông Mêkông.

Và như thế, trong cuộc chiến chống BĐKH trên dòng Mêkông, cặp quan hệ Nhân – Thiên và Nhân – Nhân trở thành chìa khóa để các bên liên quan cùng vượt qua khó khăn, xây dựng một tương lai bền vững cho dòng sông và vùng đất mà họ yêu quý.

(*) Giám đốc chuyên môn – Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt – Tâm Việt Education
(**) Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế – Đại học UEF

Trần Hương Giang (*) - Huỳnh Hồ Đại Nghĩa (**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bien-doi-khi-hau-o-luu-vuc-song-mekong-duoi-lang-kinh-moi-song-mekong-truoc-moi-quan-he-nhan-thien-va-nhan-nhan/