Biến đổi khí hậu: Thế giới trải qua bảy năm nóng nhất trong lịch sử

Kể từ năm 2014, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng với diễn biến tiêu cực của thời tiết cũng như hiệu ứng nhà kính.

Lính cứu hỏa phun nước dập lửa trong trận cháy rừng Dixie tại hạt Plumas, California. (Nguồn: AFP)

Lính cứu hỏa phun nước dập lửa trong trận cháy rừng Dixie tại hạt Plumas, California. (Nguồn: AFP)

Theo phân tích đầu tiên về nhiệt độ toàn cầu vào năm 2021, bảy năm qua là thời điểm nóng nhất của thế giới được ghi nhận với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Đánh giá của Cơ quan Biến đổi Khí hậu châu Âu Copernicus cho thấy, nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức kỷ lục mới với 414 ppm trong năm 2021. Tốc độ gia tăng CO2 vẫn giữ nguyên kể từ năm 2010, bất chấp các đợt đóng cửa do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, lượng khí methane gây hiệu ứng nhà kính cũng tăng đáng kể với tốc độ tăng trưởng năm 2021 gấp ba lần tốc độ của thập niên trước. Khí methane được thải ra thông qua khai thác nhiên liệu hóa thạch, gia súc, các vật nuôi khác và các quá trình tự nhiên của đất ngập nước.

Ông Vincent-Henri Peuch, làm việc tại Copernicus, cho biết: “Nồng độ CO2 và methane đang tiếp tục tăng lên hàng năm và không có dấu hiệu chậm lại”. Nồng độ khí nhà kính gia tăng cũng đồng nghĩa với việc lượng nhiệt bị giữ lại nhiều hơn bao giờ hết. Điều này là do một hiện tượng khí hậu tự nhiên và theo chu kỳ được gọi là La Ninã gây ra thông qua việc tạo ảnh hưởng làm mát bằng cách đưa các vùng nước lạnh ở Thái Bình Dương lên bề mặt.

Khủng hoảng khí hậu không suy giảm với bằng chứng là sự xuất hiện của thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới. Cụ thể, châu Âu đã trải qua mùa Hè nóng nhất trong lịch sử và phá kỷ lục nhiệt độ tối đa ở Sicily với 48,8 độ C. Cháy rừng bùng phát dữ dội ở Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Lũ lụt nghiêm trọng, có khả năng xảy ra gấp 9 lần bởi hệ thống sưởi ấm toàn cầu, cũng tàn phá Đức và Bỉ.

Nắng nóng gay gắt cũng là nguyên nhân dẫn đến các đợt sóng nhiệt ở phía Tây của Mỹ và Canada. Tại California, người dân cũng đã chứng kiến vụ cháy rừng Dixie lớn thứ hai trong lịch sử bang này.

Gần đây, cơ quan khí tượng của Trung Quốc thông báo rằng năm 2021 là năm nóng nhất của nước này kèm thời tiết khắc nghiệt trên diện rộng. Trận lũ lụt hồi tháng Bảy ở tỉnh Hà Nam đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Ông Mauro Facchini, người đứng đầu trạm quan sát Trái đất của Ủy ban châu Âu, cho biết: “Những phân tích năm 2021 là một lời nhắc nhở về sự gia tăng liên tục của nhiệt độ toàn cầu và sự cần thiết phải hành động”.

Đồng quan điểm với ông Facchini, ông Carlo Buontempo, Giám đốc dịch vụ khí hậu Copernicus, khẳng định hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vào năm 2021 thúc giục chúng ta phải thay đổi cách thức, thực hiện các biện pháp mang tính quyết đoán và hiệu quả hơn để hướng tới một xã hội bền vững.

Theo Giáo sư Rowan Sutton, Đại học Reading, Vương quốc Anh, ở cấp độ toàn cầu, sự ấm lên có thể xuất hiện từ từ nhưng tác động của các hiện tượng cực đoan ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới là rất lớn.

Theo ông Rowan Sutton, các hiện tượng khí hậu đặc biệt của năm 2021, chẳng hạn như đợt nắng nóng ở Canada và lũ lụt ở Đức cần được xem như một sự thức tỉnh đối với các chính trị gia cũng như công chúng về tính cấp thiết của tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

(theo Guardian)

Minh An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-doi-khi-hau-the-gioi-trai-qua-bay-nam-nong-nhat-trong-lich-su-170962.html