Biến đổi khí hậu: 'Thế lực' đe dọa an toàn lao động toàn cầu

Biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa trực tiếp đến người dân toàn cầu, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm vì hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm không khí, căng thẳng nhiệt... Từ góc độ an toàn lao động, biến đổi khí hậu cũng đang khiến 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan, đòi hỏi các Chính phủ cần phải hành động...

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn của người lao động. (Ảnh: ILO)

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn của người lao động. (Ảnh: ILO)

Tháng 4/2024, trong khuôn khổ đợt kỷ niệm Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc nhằm thúc đẩy việc ngăn ngừa tai nạn lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu (28/4), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra báo cáo “Đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc trong điều kiện khí hậu đang thay đổi”. Sở dĩ năm nay, Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe lao động xoay quanh chủ đề tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với an toàn, vệ sinh lao động, bởi thực tế diễn ra đã và đang cho thấy BĐKH thực sự là mối đe dọa hiện hữu đối với an toàn của hàng triệu người lao động trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung.

Đe dọa cuộc sống của hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu

Cụ thể, báo cáo “Đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc trong điều kiện khí hậu đang thay đổi” của ILO cho biết: “Một số lượng đáng kinh ngạc người lao động đang phải đối mặt với các mối nguy hiểm liên quan đến BĐKH tại nơi làm việc và những con số này có thể còn gia tăng”.

Căng thẳng nhiệt có lẽ được coi là thách thức rõ ràng nhất. Khi nhiệt độ tăng cao, những người lao động ở ngoài trở trong lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, đánh bắt thủy sản đặc biệt dễ bị tổn thương và phải đối mặt với nguy cơ cao mắc những bệnh liên quan đến nhiệt độ như say nắng. Ngoài ra, những người lao động trong nhà cũng có nguy cơ, nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt hoặc làm việc ở trong không gian với hệ thống thông gió kém. Trên thực tế, các nhà máy, khu chế biến thực phẩm, lò gạch hoặc kho hàng đều có thể gây nguy hiểm cho người lao động giống như việc lao động dưới trời nắng nóng.

Ô nhiễm không khí trầm trọng do BĐKH làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Cụ thể, tại các thành phố như Bắc Kinh, New Delhi và Bangkok, chất lượng không khí kém là thực tế hàng ngày và gây ra rủi ro sức khỏe đáng kể cho người lao động tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm.

Tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đặt ra những thách thức khác cho an toàn và sức khỏe của người lao động. Minh chứng là từ lốc xoáy, lũ lụt đến hạn hán và cháy rừng, thiên tai đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đe dọa nguồn sinh kế của người lao động và gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Đơn cử như ngành may mặc, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu về Lao động thuộc Đại học Cornell, nắng nóng và lũ lụt có thể khiến ngành này thiệt hại 65 tỷ USD tiền xuất khẩu và 950.000 việc làm vào năm 2030.

Báo cáo chỉ rõ, tỷ lệ người lao động toàn cầu phải đối mặt với mối nguy hiểm phổ biến, nhất là nhiệt độ tăng cao, với mức tăng khoảng 5 điểm phần trăm trong hai thập kỷ qua lên mức 70,9%. Ngoài ra, còn các mối nguy hiểm khác về khí hậu, tạo ra một “hỗn hợp các mối nguy hiểm”, với bức xạ tia cực tím và ô nhiễm không khí, trong đó, mỗi mối nguy hiểm ảnh hưởng đến 1,6 tỷ người. Các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu có liên quan đến bệnh ung thư, rối loạn chức năng thận và các bệnh về đường hô hấp, dẫn đến tử vong hoặc làm suy nhược các tình trạng mãn tính hoặc khuyết tật. Ô nhiễm không khí là nguy cơ nghiêm trọng nhất, gây ra khoảng 860.000 ca tử vong liên quan đến lao động ở những người lao động ngoài trời mỗi năm. Nhiệt độ quá cao gây ra 18.970 ca tử vong nghề nghiệp hàng năm và bức xạ tia cực tím cướp đi sinh mạng của 18.960 người do ung thư da không phải khối u ác tính.

6 ảnh hưởng của BĐKH tới sức khỏe và an toàn của người lao động. (Ảnh: ILO)

6 ảnh hưởng của BĐKH tới sức khỏe và an toàn của người lao động. (Ảnh: ILO)

Trong một số trường hợp, chính những công nghệ nhằm làm chậm biến đổi khí hậu như các tấm pin mặt trời và pin lithium-ion cho xe điện có thể tạo ra những mối nguy hiểm mới, vì chúng chứa các hóa chất độc hại...

“Không phải tất cả người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau. Người lao động nghèo, những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, người lao động thời vụ và người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Phụ nữ cũng bị ảnh hưởng một cách không cân xứng. Bất bình đẳng dai dẳng và hạn chế tiếp cận tài nguyên cản trở khả năng thích ứng với những thay đổi về môi trường của người lao động...”, báo cáo nhấn mạnh.

Tăng cường pháp lý để bảo vệ người lao động trước biến đổi khí hậu

Cuối tháng 4/2024, nhân dịp Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28/4), bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO đã có bài viết, trong đó nhấn mạnh việc cần phải bảo vệ người lao động trước BĐKH.

“Trước những thách thức này, chúng ta cần có hành động phối hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động trong bối cảnh BĐKH. Điểm khởi đầu phải là các khuôn khổ pháp lý vững chắc, điều cần thiết để thực thi những tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ người lao động khỏi các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu”, bà Chihoko Asada-Miyakawa cho biết.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa - Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của ILO. (Ảnh: ILO)

Bà Chihoko Asada-Miyakawa - Giám đốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của ILO. (Ảnh: ILO)

Trước đó, năm 2022, Hội nghị Lao động Quốc tế đã nhất trí đưa "môi trường làm việc an toàn và lành mạnh" vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO. Điều này đã có những tác động sâu sắc đến chính sách và thực tiễn. Đến nay, mặc dù một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã ban hành luật và hướng dẫn để giải quyết vấn đề nhiệt độ nóng quá mức tại nơi làm việc nhưng việc bảo vệ người lao động khỏi những tác động khác của BĐKH vẫn còn nhiều hạn chế.

“Chúng ta cần có những chính sách toàn diện tích hợp khả năng chống chịu BĐKH vào các khuôn khổ an toàn vệ sinh lao động hiện hành, đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa. Đối thoại xã hội giữa chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực này là điều cần thiết nhằm xây dựng các chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt ở cấp độ nơi làm việc”, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, trong năm 2025, ILO sẽ lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp lớn với sự tham gia của các đại diện chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để đưa ra những hướng dẫn chính sách về các hiểm họa khí hậu.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang quan tâm chỉ đạo, thực hiện các cam kết và đề xuất ứng phó với BĐKH và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện các giải pháp ứng phó ở tất cả các cấp, các ngành. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương do BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong ngành Y tế, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch ứng phó với BĐKH của ngành Y tế giai đoạn 2019 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó gồm các giải pháp và hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. “Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ. Vào tháng 10/2023 Bộ Y tế đã đăng ký tham gia Liên minh hành động về BĐKH và Sức khỏe ATACH, cho thấy mong muốn của Việt Nam được cùng với các quốc gia trên thế giới trao đổi, chia sẻ và cam kết thực hiện các sáng kiến về BĐKH và sức khỏe” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin tại cuộc Châu Âu.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bien-doi-khi-hau-the-luc-de-doa-an-toan-lao-dong-toan-cau-post512209.html