Biến đổi khí hậu và nắng nóng cực độ sẽ làm gia tăng lạm phát

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment, tác động của sự nóng lên toàn cầu và nhiệt độ cực cao dự kiến sẽ tạo ra sự gia tăng liên tục về lạm phát và lương thực.

Các nhà phân tích đã kiểm tra bảng giá hàng tháng của thực phẩm và các hàng hóa khác, nhiệt độ và các yếu tố khí hậu khác ở 121 quốc gia kể từ năm 1996. Họ tính toán rằng, “những cú sốc về thời tiết và khí hậu” dự kiến sẽ khiến chi phí thực phẩm tăng 1,5 - 1,8 điểm phần trăm trong khoảng một thập kỷ. Ngoài ra, chi phí thực phẩm có thể tăng cao hơn ở những nơi có khí hậu nóng hơn như Trung Đông.

Nghiên cứu lấy đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2022 làm ví dụ điển hình. Nhiệt độ cao đã cắt giảm nguồn cung cấp thực phẩm, khiến giá thực phẩm tăng 2/3 điểm phần trăm và lạm phát tổng thể tăng khoảng 1/3 điểm phần trăm. Giá thậm chí còn tăng cao hơn ở Romania, Hungary và một số khu vực ở Nam Âu.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng các điều kiện nhiệt độ được dự báo cho năm 2035 dưới sự nóng lên trong tương lai có nghĩa là áp lực lạm phát tăng lên trên toàn thế giới”.

Điều đó có thể làm tăng lạm phát thực phẩm trung bình lên tới 3,23% một năm trên toàn cầu và đẩy lạm phát toàn phần lên thêm 1,18% trong thập kỷ tới.

“Sau năm 2035, mức độ áp lực ước tính đối với lạm phát có sự khác biệt lớn giữa các kịch bản phát thải, cho thấy rằng việc giảm thiểu khí nhà kính một cách quyết liệt có thể làm giảm đáng kể lạm phát”, các nhà phân tích cho biết.

Biến đổi khí hậu đã bắt đầu ảnh hưởng đến các bộ phận của nền kinh tế, làm tăng chi phí nhà ở ở những khu vực có rủi ro khí hậu cao và gây ra tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng đối với các mặt hàng thực phẩm trên toàn cầu, từ dầu ô liu đến ca cao.

Các nhà phân tích cho biết, thực phẩm có thể là thành phần lớn nhất của lạm phát bị ảnh hưởng. Tác động lạm phát cũng sẽ không đồng đều ở các khu vực, với áp lực lớn nhất đặt lên các quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ.

Những áp lực đó có thể được hạn chế bằng cách tiếp cận chính sách đúng đắn, nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng nếu lượng khí thải không giảm, điều đó có nghĩa là tác động lạm phát sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

"Theo kịch bản phát thải trong trường hợp tốt nhất, áp lực ngoại sinh đối với lạm phát vào năm 2060 chỉ lớn hơn một chút so với năm 2035, nhưng kịch bản phát thải trong trường hợp xấu nhất sẽ gây áp lực lên lạm phát thực phẩm vượt quá 4% mỗi năm trên khắp thế giới”, các nhà phân tích cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bien-doi-khi-hau-va-nang-nong-cuc-do-se-lam-gia-tang-lam-phat-post341917.html