Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực

Ngày 6-11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề 'Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực' do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã khai mạc.

Tham dự hội thảo có 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong nước và nước ngoài.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định vai trò của quan trọng của Biển Đông, không gian của nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng và nhộn nhịp hàng đầu thế giới, cầu nối giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Á và châu Đại Dương, là cấu phần của nhiều sáng kiến khu vực quan trọng, do đó duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của không chỉ các nước trong khu vực mà còn của cộng đồng quốc tế.

Tâm điểm của ngày thứ nhất hội thảo là phiên kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có hiệu lực. Các đại biểu đánh giá, sau 25 năm có hiệu lực, công ước đã vượt qua thử thách thời gian, chứng minh được hiệu quả trong việc thiết lập trật tự trên biển, tạo nên một khuôn khổ hệ thống pháp lý toàn diện về quản trị biển và xứng đáng được gọi là hiến chương đại dương. Các chuyên gia nhấn mạnh, công ước vẫn phù hợp trong việc quản lý các vấn đề mới nổi trên biển và khẳng định vai trò của cơ quan tài phán trong việc tư vấn, giải thích, bổ sung và phát triển công ước, góp phần hoàn thiện luật biển và giải quyết hòa bình tranh chấp trong tương lai.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác biển và xây dựng các quy tắc hành xử theo luật pháp quốc tế và xây dựng trật tự thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. Có ý kiến cho rằng, ASEAN và các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt được các đại biểu đánh giá “là con đường giúp Biển Đông thoát khỏi tình trạng phức tạp”. ASEAN tích cực thúc đẩy Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực và toàn diện. Việc đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982 và không loại trừ quyền lợi của các bên thứ ba. ASEAN ủng hộ thượng tôn luật lệ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, lâu dài và toàn diện cho tranh chấp Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982…

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bien-dong-hop-tac-vi-an-ninh-va-phat-trien-khu-vuc-599282