Ghi nhận của PV, một tuần sau bão số 3, nhiều hecta trồng đào Tết trên địa bàn phường Nhật Tân, Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện ra trong tình trạng xơ xác, bùn bám nhiều.
Quan sát cho thấy, 90% cây đào được trồng trên diện tích khoảng 105ha đã chết khô do ngập lâu trong nước. Hình ảnh cánh đồng trồng đào nổi tiếng ở Hà Nội trở nên hoang tàn, nhuộm màu bùn đất.
Một vài vài cây sống sót lẻ loi do ở vị trí cao nhưng sau một tuần ngâm mình trong nước, rễ cây đã bị úng, khó có thể phục hồi.
Không chỉ có cây đào xơ xác sau khi nước sông Hồng rút, hàng chục nghìn cây quất cũng rơi cảnh khô héo.
Người dân dự báo, đào Tết năm nay sẽ rất đắt đỏ bởi nhiều vườn đào đã bị "xóa sổ" do lũ nhấn chìm.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ của gần 1.000 gốc đào dáng huyền tại vườn đào Nhật Tân cho biết: "Sau bão nước dâng lên cao làm thiệt hại gần như toàn bộ cây trồng, ước tính khoảng vài trăm triệu đồng. Mặc dù đã có kế hoạch chuẩn bị và huy động nhân lực để di dời, nhưng do nước lũ dâng lên quá nhanh làm mọi sự cố gắng không ăn thua gì".
Gốc đào chết khô. Người trồng đào ở Nhật Tân cho biết đào chỉ ngâm nước 1-2 ngày là có nguy cơ chết.
Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến các hộ trồng đào ở các phường Nhật Tân, Phú Thượng, quận Tây Hồ rơi vào cảnh trắng tay. Nhiều hộ đã nhổ đào, úp chậu xuống vì cây chết không thể phục hồi.
Ngay cả những gốc đào cổ thụ được người dân nâng niu, chăm sóc kỹ lưỡng với những luống đất cao cũng không tránh khỏi bị ngập, ngâm mình trong nước đến tận ngọn.
Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, 152ha trồng đào, quất, hoa màu tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ đã bị ngập trong nước, thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng.
Cũng theo lãnh đạo quận Tây Hồ, cùng với việc giãn nợ, cho vay vốn phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, quận đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan hướng dẫn người dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục ảnh hưởng của bão lũ để tổ chức canh tác lại cây ngắn ngày nhằm đảm bảo cuộc sống.
"Nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp cho người dân canh tác tại khu vực ngoài bãi, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch, bố trí khoảng 85 tỷ đồng để cho vay, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách", lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.
Quốc Phương