Biển Đông nguy cơ xảy ra khủng hoảng quân sự nếu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila tiếp tục leo thang

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã vạch ra 'lằn ranh đỏ' trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5 liên quan đến căng thẳng leo thang gần đây tại Biển Đông.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5. (Nguồn: AFP)

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 31/5, Tổng thống Marcos Jr. cảnh báo hành động dẫn tới cái chết của bất kỳ công dân Philippines nào trong cuộc xung đột hiện nay với Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ gần như là một "hành động gây chiến".

Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, ông Marcos nhấn mạnh rằng - trong vụ việc như thế - Philippines "sẽ vượt qua giới hạn không thể đảo ngược".

Hồi tháng 3 vừa qua, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự, nhấn mạnh rằng nếu xu hướng hiện tại tiếp tục thì tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang tranh chấp sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự. Các hành động của Washington nhằm tăng cường khả năng răn đe trong khu vực đã không làm thay đổi được tính toán của Bắc Kinh.

Dự đoán một cuộc khủng hoảng quân sự nghiêm trọng ở Biển Đông không phải là việc nhằm gây hoang mang sợ hãi. Các sự cố liên quan đến các hành động cưỡng ép của Trung Quốc – va chạm, sử dụng vòi rồng và vũ khí laser, tập trung đông người – đang được báo cáo với tần suất nhiều hơn và thậm chí còn làm bị thương hải quân Philippines.

Trung Quốc cũng trở nên quyết đoán hơn về mặt luật pháp, áp đặt quy định bắt giữ bất kỳ ai bị nghi ngờ xâm phạm đường ranh giới của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây có thể là khúc dạo đầu cho một sự cố nguy hiểm trong những tháng tới. Manila cũng không có dấu hiệu ngừng các hoạt động ở Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Trung Quốc), hai điểm nóng quan trọng ở Biển Đông.

Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Philippines và khẳng định cam kết "trước sau như một" với đồng minh của mình. Khi nói đến việc đối đầu với Bắc Kinh, có vẻ như Manila đang "mở cửa" cho Washington. Sự tham gia dồn dập của các đồng minh khác của Mỹ như Australia, Pháp và Nhật Bản vào khu vực này là một diễn biến đáng lo ngại khác trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.

Tình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng và phức tạp, với nguy cơ xảy ra xung đột quân sự nếu không có sự giải quyết hợp lý và kịp thời từ các bên liên quan.

Điều quan trọng là cần có sự hiểu biết sâu sắc và cân nhắc kỹ lưỡng từ các quốc gia để tránh leo thang căng thẳng không mong muốn và duy trì hòa bình ổn định trong khu vực.

(theo Foreignpolicy)

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-dong-nguy-co-xay-ra-khung-hoang-quan-su-neu-cang-thang-giua-bac-kinh-va-manila-tiep-tuc-leo-thang-273410.html