Biến động ở Bangladesh, doanh nghiệp dệt may nào hưởng lợi nhất?

SSI Research cho rằng doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT ở mức cao (lợi thế cạnh tranh của Bangladesh) có thể được hưởng lợi từ tình hình bạo loạn ở Bangladesh.

Các cuộc biểu tình liên quan đến hạn ngạch việc làm gần đây ở Dhaka khiến làn sóng biểu tình lan ra cả nước Bangladesh cũng như bạo động lật đổ cựu Thủ tướng Hasina trong thời gian này, đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của Bangladesh trong những ngày gần đây.

Tình hình này tác động trực tiếp đến ngành dệt may, ngành chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh vào năm 2023. Phía SSI Research lưu ý rằng các thương hiệu thời trang hàng đầu từ Châu Âu (H&M, Zara...) đều là những mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh.

Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, do đó, nhiều khách hàng đã cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Là một quốc gia láng giềng cung cấp bông cho Bangladesh, đơn vị phân tích này cho rằng Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn nhất trong biến động ngắn hạn này.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT ở mức cao (đây là lợi thế cạnh tranh của Bangladesh) có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Mỹ vẫn giữ ổn định ở mức 7,1% từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam (thị phần của Việt Nam tại Hoa Kỳ là 15%).

Do đó, SSI Research cho rằng CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do có tỷ trọng đóng góp cao từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT cao hơn so với các công ty cùng ngành như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) và CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH).

Thông tin từ báo cáo thường niên 2023 của TNG cho biết Mỹ là thị trường chủ chốt chiếm 46% doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp năm 2023. Các thị trường EU như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan chiếm tổng cộng hơn 31% nguồn thu xuất khẩu của TNG.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của TNG.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của TNG.

Trong nửa đầu năm 2024, TNG đã công bố tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 6% và 30% so với cùng kỳ, ban lãnh đạo cho biết, kết quả này phản ánh một phần về sự thay đổi trong các đơn đặt hàng được chuyển từ Bangladesh kể từ đầu năm.

Trong quý II, doanh thu của TNG tăng 61% so với quý trước. TNG có đủ đơn đặt hàng cho đến cuối năm và đang đàm phán giá cho các đơn đặt hàng trong năm 2025.

Trong ba phiên gần đây, cổ phiếu TNG liên tục tăng giá đặc biệt là phiên 8/8 với mức tăng 4% lên 26.000 đồng/cp.

Cùng với đó là làn sóng tăng giá ở các doanh nghiệp dệt may khác như MSH tăng kịch trần lên 47.500 đồng/cp, TNG tăng 2% lên 46.900 đồng/cp, VGT tăng gần 4,4% lên 14.300 đồng/cp phiên 8/8.

Liên quan tới thông tin dệt may Bangladesh gặp khó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhận định với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam.

Thứ nhất, tạm thời năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút (giữa mùa cao điểm, đang sản xuất hàng cho mùa đông). Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Thứ hai là niềm tin của khách hàng dối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút

Thứ ba là khả năng sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút.

H.K

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bien-dong-o-bangladesh-doanh-nghiep-det-may-nao-huong-loi-nhat.html