Đồng hành và lan tỏa
Hội Dầu khí Hà Nội được thành lập ngày 4-10-2010 theo Quyết định số 66/QĐ-VPA của Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN), là một trong số những hội trực thuộc đầu tiên được thành lập của Hội DKVN. Trải qua 4 kỳ Đại hội, Hội Dầu khí Hà Nội hiện có hơn 220 hội viên cá nhân và 7 hội viên tổ chức.
Nhiều hội viên của Hội Dầu khí Hà Nội là các chuyên gia đầu ngành, giữ các vị trí then chốt, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực: quản lý, điều hành, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) dầu khí, kinh tế, quản trị doanh nghiệp, dịch vụ… đã và đang công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn trên địa bàn Hà Nội.
Qua gần 14 năm thành lập, xuất phát từ tình hình thực tế, Hội Dầu khí Hà Nội đã thực hiện khai thác thế mạnh hội viên là chuyên gia, tham gia đào tạo phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện, viết tài liệu đào tạo nhập ngành, tổ chức giao lưu, hội thảo lịch sử hình thành phát triển ngành Dầu khí, làm tốt công tác phát triển hội viên. Bên cạnh đó, Hội Dầu khí Hà Nội đã trở thành cầu nối giữa hoạt động của Hội DKVN với các đơn vị sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, huy động được trí tuệ, kinh nghiệm của các hội viên là cán bộ quản lý, kinh tế, kỹ thuật và KHCN cùng tham gia tích cực trong các hoạt động tư vấn, phản biện khách quan, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Hội Dầu khí Hà Nội luôn xác định thực hiện 2 nhiệm vụ chủ yếu. Đó là tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện các vấn đề nổi cộm trong quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói chung và của các đơn vị thành viên nói riêng. Nổi bật nhất là tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá và đề xuất phương án xử lý theo các hợp đồng do Tập đoàn đặt hàng. Trong những năm qua, các chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật của Tập đoàn, các đơn vị thành viên đều đánh giá kết quả việc thực hiện đề tài của Hội có giá trị khoa học, thực tiễn, thuyết phục, thể hiện được kinh nghiệm, trách nhiệm và sự phối hợp chuyên môn một cách toàn diện. Ngoài ra, Hội đã tổ chức đọc nhận xét một số công trình nghiên cứu, hội thảo, tư vấn về công tác tổ chức, tái cấu trúc một số đơn vị như Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs), được các đơn vị tiếp thu và hoan nghênh.
Bên cạnh nhiệm vụ tư vấn, phản biện, qua quá trình hoạt động, Hội Dầu khí Hà Nội nhận thấy nhu cầu đào tạo, phổ biến kiến thức là nhiệm vụ cần thiết, Hội đã tổ chức được 9 khóa đào tạo nhập ngành, phổ biến những nội dung cơ bản về nền công nghiệp dầu khí thế giới, các nhiệm vụ cụ thể của Tập đoàn, các đơn vị đang thực hiện tại Việt Nam, một số dự án nước ngoài; giới thiệu quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Tập đoàn qua các thời kỳ. Trong quá trình triển khai các khóa đào tạo, Hội Dầu khí Hà Nội đã phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Hà Nội, Ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn, một khóa với Trung tâm Đào tạo Secora Singapore để bài giảng thêm phần phong phú, đạt chất lượng tốt hơn. Các khóa học đều được học viên, đơn vị đánh giá cao, chất lượng bổ ích, chỉ trong thời gian ngắn đã giúp các học viên đã nắm được những nét đại cương nhất về kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao thêm hiểu biết về ngành nghề, về hoạt động của Tập đoàn. Thông qua các khóa học giúp các cán bộ, nhân viên từ các đơn vị, tự tin hơn trong công việc được giao.
Liên quan đến công tác đào tạo nhập ngành Dầu khí, Hội Dầu khí Hà Nội đã có nhiều buổi làm việc, góp ý, thảo luận về chương trình đào tạo nhập ngành của Trường Cao đẳng Dầu khí (PVCollege). Theo đó, Hội Dầu khí Hà Nội thống nhất với chủ trương của Trung ương Hội và sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình, trực tiếp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết đối với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn nếu được yêu cầu.
Hằng năm, Hội Dầu khí Hà Nội thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt ngoại khóa như khảo sát địa chất, tham quan các công trình trọng điểm của ngành Dầu khí và Tập đoàn như: Khu lưu niệm dầu khí Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Thủy điện Đăkđrinh, Thủy điện Hủa Na... Hội cũng thông qua những đợt khảo sát tăng cường hợp tác, giao lưu với các hội địa phương, các đơn vị bạn. Những hoạt động này cũng là dịp để tăng cường kết nối, được hội viên hưởng ứng, chia sẻ.
Thực hiện nhiệm vụ được Đại hội khóa IV (nhiệm kỳ 2022-2027) đề ra trong giai đoạn tới, Ban Chấp hành Hội Dầu khí Hà Nội tiếp tục huy động tối đa tiềm năng, trí tuệ, kinh nghiệm của các hội viên tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện, nhận xét, thẩm định, phản biện độc lập, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của Petrovietnam/các đơn vị thành viên, cùng nhau xây dựng Hội trở thành tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động thiết thực, hiệu quả, gây được uy tín và thiện cảm đối với đồng nghiệp.
Phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Hội Dầu khí Hà Nội tiếp tục tăng cường giao lưu với các chi hội bạn và các đơn vị trong ngành. Tập trung triển khai tổ chức khảo sát thực địa, tham quan các công trình của Tập đoàn, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và hiểu biết xã hội. Đồng thời tăng cường triển khai các khóa đào tạo, phổ biến kiến thức. Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến tháo gỡ các vấn đề do yêu cầu sản xuất kinh doanh đặt ra.
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/dong-hanh-va-lan-toa-717246.html