Biến động tại Bangladesh có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu

Những biến động tại Bangladesh đang ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may của nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới. Những xáo trộn này được dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu.

(KTSG) – Những biến động tại Bangladesh đang ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may của nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới. Những xáo trộn này được dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu.

Công nhân tại một nhà máy may mặc ở Bangladesh. Nguồn: Asia.nikkei.com

Công nhân tại một nhà máy may mặc ở Bangladesh. Nguồn: Asia.nikkei.com

Bangladesh – một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới đang phải vật lộn với những biến động trong nước, khi các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài trong nhiều tuần dẫn đến tình trạng mất sóng viễn thông, các biện pháp giới nghiêm, và nhiều nhà máy phải đóng cửa. Đỉnh điểm của bất ổn là việc cựu Thủ tướng Sheikh Hasina buộc phải từ chức sau 15 năm cầm quyền và rời khỏi nước này hôm 5-8-2024, trong khi Quốc hội bị giải tán.

Tình hình đã phần nào lắng dịu, khi chính phủ lâm thời đứng đầu là nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel Muhammad Yunus đã tuyên thệ nhậm chức hôm 8-8. Chính phủ lâm thời đặt mục tiêu khôi phục hòa bình, trật tự tại Bangladesh và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, những gián đoạn trong đời sống chính trị và xã hội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Bangladesh, đặc biệt là ngành công nghiệp dệt may. Theo Bangladesh Business Post, nhiều khách hàng quốc tế đã hủy đơn hàng hoặc yêu cầu bồi thường. “Một số người mua đang khăng khăng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thay vì đường biển như thường lệ. Ngoài ra, việc các nhà máy phải đóng cửa do bạo loạn càng làm trầm trọng thêm những tổn thất của ngành công nghiệp dệt may”.

Các ước tính ban đầu cho thấy ngành dệt may Bangladesh có thể đã mất hơn 4 tỉ đô la giá trị đơn hàng. Các hiệp hội ngành cũng báo cáo rằng ngành may mặc và dệt may đã mất 800 triệu đô la chỉ trong năm ngày.

Ông Mannan Kochi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, chia sẻ với Sourcing Journal: “Vấn đề lớn nhất là khách hàng quốc tế của chúng tôi đang mất niềm tin – một tổn thất không thể đo lường được bằng tiền vì nó sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến ngành công nghiệp có giá trị nhất của đất nước”.

Ông Munir Mashooqullah, người sáng lập của Chuỗi cung ứng hàng may mặc M5 Groupe, cũng bày tỏ lo ngại “tình hình hiện tại sẽ khiến các thương hiệu và các nhà bán lẻ đánh giá lại việc hợp tác thương mại trong tương lai với Bangladesh khi rủi ro từ việc chậm trễ giao và cung cấp đơn hàng (từ 3-4 tuần) có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập hàng quí của các nhà bán lẻ hàng đầu”.

Theo Reuters, hôm thứ Tư tuần trước (7-8), các nhà máy may mặc ở Bangladesh đã mở cửa trở lại với hy vọng nhanh chóng khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất. Ông Miran Ali, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường. Tôi tin tưởng rằng các khách hàng sẽ sát cánh cùng chúng tôi”.

Theo ông Miran Ali, H&M, công ty mua hàng từ khoảng 1.000 nhà máy ở Bangladesh, đã tuyên bố sẽ không đòi hỏi mức chiết khấu do sự chậm trễ trong giao hàng. Nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới cho biết, các nhà máy của nhà cung cấp đang dần mở cửa trở lại và họ hoan nghênh các bước đi để ổn định tình hình tại Bangladesh.

Sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng

Những xáo trộn tại Bangladesh – nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu lên tới 47,3 tỉ đô la trong năm ngoái, được dự báo sẽ tạo ra những tác động lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguy cơ các lô hàng bị chậm trễ hoặc thậm chí hủy bỏ đang buộc nhiều thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ quốc tế phải xem xét lại chiến lược tìm kiếm nguồn cung ứng của mình.

Cuộc khủng hoảng có khả năng gây ra sự thay đổi đáng kể trong sản xuất hàng may mặc toàn cầu. Các nhà phân tích trong ngành cho rằng các công ty có thể đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung ứng của họ khỏi Bangladesh. Điều này có khả năng mang lại lợi ích cho các quốc gia sản xuất hàng may mặc khác như Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia và Indonesia.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong bối cảnh ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm giữ một số lợi thế nhất định, và hoàn toàn có khả năng đón nhận thêm những đơn hàng mới.

Thứ nhất, trong ngắn hạn, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt.

Thứ hai, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Thứ ba, sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh, như vậy lợi thế về chi phí nhân công của Bangladesh cũng sẽ bị giảm sút.

Tuy vậy, mức độ dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh sang các nước khác, bao gồm cả Việt Nam, sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tính chất của các đơn hàng và đối tác.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, về tổng thể, Bangladesh vẫn có lợi thế lớn về chi phí sản xuất khi có giá nhân công rẻ, lãi suất thấp, được hưởng quyền tiếp cận miễn thuế và không hạn ngạch đối với tất cả các thị trường ở EU. Các doanh nghiệp cũng được nhà nước trợ cấp chi phí năng lượng để gia tăng xuất khẩu, và Chính phủ mới tại Bangladesh chắc chắn cũng sẽ triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ cho trụ cột kinh tế của mình.

Tuy nhiên, ngay cả khi hoạt động sản xuất đã được nối lại, và bất ổn dần lắng dịu, những thiệt hại vẫn là khó tránh khỏi. Ông Pankaj Tuteja, Giám đốc vận hành Công ty Dragon Sourcing có trụ sở tại Mumbai, chuyên giúp các công ty tìm nhà cung cấp dệt may, nói với Reuters rằng trong khi các thương hiệu lớn như Zara và H&M được kỳ vọng sẽ tiếp tục gắn bó với Bangladesh, một số công ty có thể sẽ hướng tới những quốc gia khác.

“Một khi khách hàng, rồi đến các nhà máy, đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào các địa điểm khác, họ sẽ không ngay lập tức quay trở lại, ngay cả khi Bangladesh đã có được sự ổn định chính trị. Điều này có thể có tác động lâu dài đối với Bangladesh”, ông Tuteja cho biết.

Thị trường Ấn Độ kỳ vọng hưởng lợi lớn

Những kỳ vọng lớn hơn cả đang được đặt ra tại Ấn Độ – quốc gia láng giềng của Bangladesh. Trang tin tức Firstpost của nước này cho biết, trong khi thế giới đang theo dõi chặt chẽ những biến động ở Bangladesh, các khách hàng quốc tế đang chuyển nhiều sự chú ý sang thị trường này, để tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Business Standard trích dẫn lời các chuyên gia trong ngành dệt may Ấn Độ cho biết nếu 10-11% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh được chuyển hướng sang các trung tâm sản xuất hàng dệt may của Ấn Độ như Tiruppur, nền kinh tế Ấn Độ sẽ thu được thêm 300-400 triệu đô la Mỹ mỗi tháng.

Báo cáo trích lời KM Subramanian, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Tiruppur, cho biết: “Chúng tôi hy vọng các đơn hàng có thể bắt đầu dịch chuyển đến Tiruppur ngay trong năm tài chính này, dự kiến các đơn hàng sẽ tăng ít nhất 10% so với cùng kỳ năm ngoái”.

“Nếu sự gián đoạn hiện tại kéo dài, tâm lý của người mua hàng sẽ chịu tác động. Ban đầu, người mua có thể sẽ chuyển một số đơn hàng sang Ấn Độ và các quốc gia khác. Chúng tôi có khả năng xử lý thêm 300-400 triệu đô la đơn hàng ngay lập tức”, ông Prabhu Damodaran, thư ký của Liên đoàn Doanh nhân dệt may Ấn Độ, cho biết.

Akshay Morbiya, trợ lý giám đốc tại hãng nghiên cứu CareEdge Ratings, dự báo: “Nếu bất ổn chính trị và bất ổn xã hội kéo dài ở Bangladesh, khoảng 10% đơn đặt hàng xuất khẩu hàng may sẵn của nước này có thể thay đổi và điều này có thể mang lại cơ hội xuất khẩu hàng tháng lên tới 200-250 triệu đô la trong ngắn hạn, và 300-350 triệu đô la trong trung hạn cho các doanh nghiệp Ấn Độ”.

Cũng theo Business Standard, gần 25% các doanh nghiệp dệt may ở Bangladesh thuộc sở hữu của nhà đầu tư Ấn Độ nhiều khả năng sẽ đưa hoạt động sản xuất về nước. Hula Global, một nhà sản xuất hàng may mặc của Ấn Độ phục vụ khách hàng phương Tây, hồi đầu tuần trước cho biết rằng họ sẽ chuyển dịch hoạt động sản xuất trong phần còn lại của năm nay từ Bangladesh sang Ấn Độ để tránh rủi ro.

“Việc vận chuyển hàng hóa đang bị đình trệ và chuỗi cung ứng cho mùa Giáng sinh sắp tới sẽ bị gián đoạn. Ấn Độ có lợi thế vì các đơn hàng sẽ được chuyển hướng”, nhà phân tích chính sách thương mại S Chandrasekaran nhận định và cho rằng: “Sự sụt giảm đột ngột về khối lượng hàng dệt may toàn cầu có thể được bù đắp bằng sự gia tăng xuất khẩu của Ấn Độ”.

Nguồn: Reuters, Bangladesh Business Post, Bloomberg, First Post, Fashion United, Sourcing Journal

Ngân Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bien-dong-tai-bangladesh-co-the-lam-xao-tron-chuoi-cung-ung-det-may-toan-cau/