Biến đường rác thành đường hoa
Nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân, nhiều tuyến đường ở ngoại thành một thời đầy rác thải hai bên, cỏ dại um tùm thì nay đã và đang dần chuyển mình thành những đường hoa rực rỡ sắc màu.
Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, nhiều quận huyện đã đồng loạt ra quân cải tạo kênh rạch, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là hoạt động xóa các điểm đen về rác thải. Nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân, nhiều tuyến đường ở ngoại thành một thời đầy rác thải hai bên, cỏ dại um tùm thì nay đã và đang dần chuyển mình thành những đường hoa rực rỡ sắc màu.
Xóa điểm đen về rác thải
Ghi nhận tại huyện Bình Chánh, thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” của Thành ủy TPHCM, huyện đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động cụ thể hưởng ứng, trong đó có việc xóa các điểm đen về rác. Nếu như trước đây lưu thông qua khu vực này mọi người sẽ cảm thấy khó chịu bởi mùi hôi từ rác thải đổ đầy dọc đường. Sau một thời gian cải tạo, chỉnh trang, những con đường rác trước đây đã được thay thế bằng những đường hoa rực rỡ sắc màu, gây thích thú cho người đi đường. Không chỉ trồng hoa trên đường vào nhà, hoa còn được các gia đình trồng trên bờ ruộng. Đứng từ ngoài đường chính nhìn vào, đường hoa nở rộ xen lẫn với cánh đồng lúa xanh đã làm cho khu vực này đẹp như tranh.
Chị Lê Thị Thanh (xã Quy Đức, huyện Bình Chánh) chia sẻ, nhiều người trồng thấy đẹp và ý nghĩa nên gia đình chị cũng tham gia. Hoa rợp đường đi không chỉ mang lại không khí trong lành, làm cho cuộc sống tốt hơn mà còn ngăn ngừa được việc xả rác tại khu vực mình ở. Theo chia sẻ của nhiều người dân, từ khi có những đường hoa này mọc lên, nhiều người đến tham quan, vui chơi, thậm chí có người đang đi trên đường cũng dừng lại tranh thủ làm vài kiểu ảnh.
Tại huyện Hóc Môn, một số tuyến đường trước đây vốn là nơi đổ rác thải bừa bãi của một số người dân, gây ô nhiễm môi trường thì nay đã được chỉnh trang, cải tạo thành những đường hoa. Người dân ở đây rất hài lòng với sự đổi thay và cam kết sẽ chung tay giữ gìn những đường hoa xanh, đẹp này.
Tương tự, ghi nhận tại quận Bình Tân cũng cho thấy, trong 2 tháng vận động, các cựu chiến binh quận Bình Tân đã biến bãi rác đoạn đường Bờ Sông ở phường Tân Tạo A, từ nơi cỏ mọc um tùm, chứa đầy rác thải thành những luống hoa mười giờ, hoa chuông vàng cùng cây kiểng tươi xanh…, với tổng diện tích cải tạo khoảng 1.500m2. Bình Tân đã xóa 9/9 điểm đen về rác, lắp đặt hàng trăm thùng rác tại công viên, nơi công cộng, chuyển nhiều phương tiện thu gom rác đạt chuẩn.
Bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng
Theo đánh giá của Sở TN-MT TPHCM, các mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) dựa vào cộng đồng thực sự đã và đang mang lại những kết quả lớn. Từ những mô hình thí điểm đơn lẻ được sở và các huyện phối hợp triển khai cùng sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đến nay nhiều mô hình cộng đồng tham gia vào công tác BVMT được nhân rộng thành công, góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa BVMT.
Việc xây dựng các mô hình điểm BVMT góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực; đồng thời phát huy trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở và ban công tác mặt trận ở khu dân cư. C
hương trình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo được hình thành qua việc gắn kết chặt chẽ giữa chi bộ, ban công tác mặt trận với tổ dân phố và các chi hội đoàn thể để BVMT. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT một mặt là trách nhiệm, nghĩa vụ, mặt khác đóng vai trò quyết định sự thành công và khả năng duy trì lâu dài các giải pháp BVMT tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, các mô hình cộng đồng tham gia BVMT sẽ tạo thành phong trào thi đua, tự nguyện tham gia công tác vệ sinh môi trường mang tính khoa học và xã hội hóa cao. Đồng thời là cơ hội cho mọi người dân tham gia hoạt động BVMT, nâng cao chất lượng môi trường khu vực chính nơi người dân sinh sống.
Việc triển khai và nhân rộng các mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng dân cư của thành phố trong thời gian qua rõ ràng đã phát huy hiệu quả tích cực trong xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, phát triển mảng xanh, tuyến đường xanh - sạch - đẹp, góp phần giữ gìn vệ sinh, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn, được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.
Các mô hình cộng đồng tham gia BVMT vì vậy cần được các địa phương khuyến khích, giới thiệu nhân rộng, tạo thành phong trào thi đua, tự nguyện tham gia, đồng thời giám sát công tác BVMT tại địa phương.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bien-duong-rac-thanh-duong-hoa-693763.html