Biến giấc mơ thành hiện thực
Những ngày này các thành viên của nhóm Vietnam Ekiden đang thực hiện chiến dịch 'Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt: Mỗi ngày thay đổi một cuộc đời' với điểm xuất phát từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cột Cờ Hà Nội tại đất mũi Cà Mau.
Đấy là cuộc chạy của những người đam mê chạy, quyết biến giấc mơ thành hiện thực đồng thời đóng góp tốt nhất có thể cho cộng đồng.
Cuộc chạy bộ dài 2.400km
Một hành trình chạy bộ dài nhất (hơn 2.400km) với thời gian ngắn nhất (từ ngày 10 đến 21-6 với tổng thời gian dự kiến là 284 giờ) tại Việt Nam tưởng có gì đó vô lý và hơi điên rồ với một nhóm chạy bộ. Nhưng họ không chỉ nói mà làm. Và làm thật với niềm tin sẽ đi đến đích, để được chạm vào Cột Cờ Hà Nội tại Cà Mau. Để rồi trong những ngày này, cộng đồng chạy bộ Việt Nam cùng ngóng theo những bước chân của họ.
Những hành trình để đời đôi khi đến từ những ý nghĩ bất chợt. Quan trọng là người nghĩ ra có dám biến thành hành động cụ thể hay không. Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt của 10 thành viên nhóm Vietnam Ekiden cũng bắt đầu từ ý nghĩ bất chợt của Nông Văn Chuyền, chân chạy phong trào nổi tiếng các tỉnh phía Bắc, đặc biệt ở Hà Nội.
Câu chuyện của Nông Văn Chuyền, chàng trai sinh năm 1995, còn được biết đến trên mạng xã hội của cộng đồng chạy bộ với biệt danh “Tốc Ca Ca”, đến với chạy bộ, rồi sống được bằng việc huấn luyện chạy, dự các giải phong trào và kinh doanh trang thiết bị chạy bộ ngay giữa đất Hà Nội từng truyền cảm hứng cho nhiều người.
Đã có lúc, chàng trai người Lạng Sơn này phiêu bạt vào miền Nam để làm mọi nghề từ chạy bàn, bốc vác… miễn là có tiền để tồn tại. Cũng trong quãng thời gian ở miền Nam ấy, Nông Văn Chuyền đến với chạy bộ rồi nhận thấy đó là đam mê của mình. Chạy để khỏe, để quên đi những khó khăn đang phải đối mặt.
Sau này khi ra Bắc, việc vẫn giữ thói quen tập luyện với đam mê chạy đã đưa Nông Văn Chuyền thành một chân chạy phong trào nổi tiếng. Nhờ đó, anh mới thôi làm công nhân ở Bắc Ninh để tới Hà Nội từ năm 2016 và trở thành HLV chạy tại phòng gym.
Sau đó, anh tham gia hàng loạt giải đấu phong trào và trở thành tên tuổi có tiếng. Đến giờ, Nông Văn Chuyền là số ít người sống được bằng nghề chạy, huấn luyện chạy phong trào và kinh doanh đồ chạy.
Ý định chạy bộ tiếp sức dọc đất nước, từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cột Cờ Hà Nội (Cà Mau) của Nông Văn Chuyền được chia sẻ trên mạng xã hội. Không ngờ, rất nhiều chân chạy nổi tiếng ủng hộ và cùng chia sẻ, thực hiện ước mơ ấy với Nông Văn Chuyền.
Thế là nhóm chạy Vietnam Ekiden ra đời với 10 thành viên để cùng thực hiện giấc mơ. Họ quyết định chạy theo hình thức tiếp sức Ekiden vốn được sản sinh ở Nhật Bản và lan rộng trên thế giới nhờ kích thích sự hỗ trợ, sẻ chia, tinh thần làm việc tập thể trong từng đội chạy cũng như trong cuộc sống, công việc.
Hình thức chạy của nhóm được quyết định là chạy liên tục 24h/24h trong đó mỗi thành viên trong đội chính thức gồm 8 người chạy 30km một ngày. Cứ hết người này lại đến người kia hoàn thành chỉ tiêu 30km. Nếu có thành viên trong đội chính thức gặp vấn đề sức khỏe, chấn thương thì người dự bị sẽ thay thế.
10 thành viên của nhóm có cả những người đang sinh sống ở Hà Nội, có người từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Dương, trong đó đặc biệt có 1 chân chạy nữ. Trong số họ, nhiều người đã xin nghỉ phép để cùng nhóm chinh phục mục tiêu mà trước đó chưa từng nghĩ đến. Nổi tiếng nhất trong nhóm là Phạm Tiến Sản, VĐV người Bắc Giang từng giành HCB SEA Games năm 2015 nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Còn lại đều là dân chạy không chuyên.
Cộng đồng chạy đứng sau lưng
Cuộc chạy trên không hoàn toàn chỉ mang tính phục vụ đam mê chạy của các thành viên trong nhóm mà còn mang nhiều ý nghĩa khác. Từ việc truyền cảm hứng tập luyện thể dục thể thao tới cộng đồng chạy bộ đến kêu gọi những tấm lòng hảo tâm ở những vùng đất mà đoàn chạy qua để tạo nguồn kinh phí phẫu thuật dị tật trên khuôn mặt, thông qua tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam - Operation Smile Vietnam, cho những em bé kém may mắn.
Chi phí cho một ca phẫu thuật này trung bình khoảng 9 triệu đồng/ ca. Nhóm cũng không đặt mục tiêu cao xa, chỉ hy vọng quyên góp được khoảng 100 triệu đồng để mong mang đến nụ cười cho hơn chục em bé kém may mắn.
Ý nghĩa tốt đẹp của cuộc chạy có một không hai này tại Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng chạy cùng nhiều doanh nghiệp. Thế là nhóm mới được bảo đảm nước uống, dinh dưỡng, có đội hậu cần hỗ trợ, gói bảo hiểm lên đến cả trăm triệu đồng.
Phạm Duy Cường, người “cầm chịch” nhóm “Chạy vì mình”, hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhóm Vietnam Ekiden đã khẳng định: “Chỉ riêng việc nhóm quyết tâm tập luyện để chinh phục quãng đường chạy dài dằng dặc cùng những hoạt động cộng đồng ý nghĩa cũng đã tạo nên sức hút đặc biệt, khiến chính tôi và nhiều anh em khác trong cộng đồng chạy bộ Việt Nam thực sự cảm phục”.
Có cả cộng đồng chạy sau lưng nên việc của họ là giữ đều sải chân từ Bắc vào Nam. Thế nên, trước ngày diễn ra cuộc chạy, bắt đầu từ 0h00 ngày 10-6, các thành viên trong nhóm miệt mài tập luyện dưới cái nóng như thiêu đốt tại Hà Nội. Đến khi có thể cảm nhận được rằng sẽ tồn tại được dưới cái nóng trong 3 giờ mỗi ngày, họ mới thực sự tự tin sẽ chinh phục được hành trình từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao-24h/bien-giac-mo-thanh-hien-thuc-599137/