Biên giới - biển đảo Vững chắc nền biên phòng toàn dân
TTH - 43 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới/1.712 hộ gia đình tham gia; 101 tổ tàu thuyền an toàn/1.404 thuyền viên đã và đang hoạt động hiệu quả, cùng chung sức giữ vững biên cương, biển đảo, là 'minh chứng' xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh.
Người dân phát huy vai trò, trách nhiệm
Những cơn gió mùa đông khiến đêm ở miền biên viễn như dài hơn. Khi bản làng vẫn say nồng trong giấc ngủ, ông Hồ Thương Bao, Bí thư Chi bộ, Tổ phó tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới thôn A Tin, xã Lâm Đớt (A Lưới) đã trở dậy, khơi bếp lửa hồng. Trong thôn, nhiều bếp lửa cũng được khơi lên như thế. Đó là lúc ông Bao và một số thành viên tổ tự quản dậy sớm, chuẩn bị vật dụng để cùng BĐBP Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt thực hiện chuyến tuần tra đến cột mốc 665 và 667.
Hộ gia đình ông Bao và gần 60 hộ dân thôn A Tin có đất canh tác trong khu vực biên giới, nên cũng là thành viên của tổ tự quản thôn A Tin. “Từ khi trở thành thành viên tổ tự quản, chúng tôi ý thức, trách nhiệm hơn trong tham gia quản lý về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực sinh sống, làm ăn. Khi sinh hoạt tổ tự quản, những vấn đề liên quan đến hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới luôn được đề cao. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau gương mẫu trong chấp hành mọi quy định, không săn bắt trái phép, không làm nương rẫy, thả trâu bò ở khu vực vành đai. Cùng BĐBP tuần tra, bảo vệ hệ thống đường biên cột mốc, đồng thời các thành viên tổ tự quản còn thường xuyên tự tuần tra hoặc trong quá trình lên rẫy vào rừng mưu sinh, chủ động phát quang bụi rậm, giữ gìn cột mốc trên địa bàn”, ông Bao bày tỏ.
Theo Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, hàng nghìn thành viên của 43 tổ tự quản tại các thôn, xã biên giới huyện A Lưới thuộc địa bàn quản lý của các Đồn BPCK A Đớt, Đồn BPCK Hồng Vân, Đồn Biên phòng Nhâm, Đồn Biên phòng Hương Nguyên đã phát huy vai trò, trách nhiệm, duy trì hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới”.
Người dân kịp thời báo tin khi phát hiện hành vi xuất nhập cảnh, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới, phát hiện các hoạt động khai thác trái phép lâm, thổ sản, khoáng sản, xâm hại tài nguyên môi trường…; sẵn sàng tham gia cùng lực lượng biên phòng đấu tranh với các hoạt động vi phạm, khi có lệnh. Trong năm, người dân đã cung cấp hàng trăm tin, tài liệu có giá trị; đồng thời cùng lực lượng biên phòng phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, các hành vi vi phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Nền móng của sức mạnh
Ở khu vực biển, 101 tổ tàu thuyền an toàn/1.404 thuyền viên đã và đang là những “cánh tay nối dài” của BĐBP, mỗi ngư dân là một cột mốc để giữ vững an ninh trật tự trên biển, chủ quyền biển đảo. Những chiếc tàu máy công suất lớn và lực lượng ngư dân đoàn kết cùng nhau ngày đêm vươn khơi bám biển sản xuất, cũng là lực lượng nắm tình hình, kịp thời báo tin cho BĐBP khi phát hiện có tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đồng thời, sẵn sàng cơ động trực tiếp đấu tranh với các hành vi vi phạm trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phối hợp BĐBP thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống tàu cá sử dụng lưới keo (giã cào) khai thác hải sản sai vùng quy định, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); phối hợp cứu hộ cứu nạn trên biển.
Trong năm, BĐBP đã huy động phương tiện tàu thuyền và ngư dân, truy đuổi, bắt 5 vụ/6 phương tiện đánh bắt giã cào sai tuyến, cùng thực hiện thành công nhiều vụ cứu nạn. Điển hình là vụ cứu nạn đối với tàu cá của ngư dân Dương Đe ở phường Thuận An (TP. Huế) bị chìm trong đêm khuya, sau cơn bão số 4 cuối tháng 9 vừa qua. 9 thuyền viên trên tàu đã được đưa vào bờ an toàn, đảm bảo sức khỏe, tính mạng.
Theo Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP tỉnh, tuyên truyền, vận động, sát cánh của BĐBP với Nhân dân trên hai tuyến biên giới, là nền móng để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, tạo nên mọi sức mạnh để giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Sự sát cánh, hỗ trợ kịp thời của BĐBP trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, là cách dân vận hiệu quả nhất, khiến người dân tin, mến; sẵn sàng thực hiện các quy định, chung sức, chung lòng bảo vệ bình yên biên cương, biển đảo.
Do vậy trong năm, ngoài gần 500 buổi tuyên truyền cho gần 41 nghìn người, BĐBP tỉnh đã giúp người dân trên hai tuyến biên phòng hàng nghìn ngày công để xây dựng, sửa chữa nhà ở, gặt lúa chạy bão, chằng chống nhà cửa, tàu thuyền…; đóng góp và phối hợp vận động giúp dân xây nhà đại đoàn kết, phòng học, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, tổng trị giá gần 5 tỷ đồng.
Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn BPCK cảng Thuận An cho biết: Riêng trên địa bàn đơn vị quản lý, thời gian qua, lực lượng BĐBP đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tặng hàng ngàn ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, tặng 124 tủ sách pháp luật cho ngư dân. “Mỗi chuyến vươn khơi có lúc hàng nửa tháng trời, tấm ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc tung bay trên biển, là niềm tự hào trong mỗi ngư dân, cũng là động lực to lớn để chúng tôi “chân cứng đá mềm”, chung sức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ngư dân tiêu biểu Nguyễn Văn Cường (phường Thuận An) bày tỏ.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/vung-chac-nen-bien-phong-toan-dan-a122027.html