Tội phạm mua bán người qua biên giới Tây Ninh: Mối nguy tiềm ẩn từ casino và game online
Tây Ninh có đường biên giới kéo dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở tiếp giáp với Campuchia. Nơi đây có nhiều casino, nhiều công ty game online mọc lên, dẫn đến hoạt động mua, bán người qua biên giới diễn ra phức tạp.
Nhức nhối nạn buôn bán người
Theo Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh, hiện nay, tại khu vực giáp biên giới tỉnh Tây Ninh với Campuchia, có 13 casino đang hoạt động, nhiều công ty game online mọc lên, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo.
Đối tượng lừa đảo đăng tin tuyển dụng việc làm với mức lương cao để dụ dỗ người lao động, sau đó đưa họ sang các nước khác làm việc trong điều kiện bất hợp pháp. Đây là một trong những thủ đoạn phổ biến của tội phạm mua bán người hiện nay.
Ngày 16/11, thông tin với PV Người Đưa Tin, Đại tá Trương Công Số, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Tây Ninh cho biết, tại Tây Ninh, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị mua bán từ công ty này sang công ty khác diễn biến phức tạp.
Trong đó, nhiều đối tượng bị lừa bán còn nằm trong độ tuổi vị thành niên.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP Tây Ninh đã tiếp nhận 22 vụ/408 công dân Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp tại Campuchia.
Trong đó, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh giải cứu 4 nạn nhân bị mua bán ở Campuchia trở về.
Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh đấu tranh thành công chuyên án mua bán người, bắt 2 đối tượng, chuyển tuyến 3 nạn nhân để Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh hỗ trợ.
Qua công tác đấu tranh, trong năm 2023 và 8 tháng của năm 2024, BĐBP Tây Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh tiếp nhận từ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia 58 vụ/946 công dân Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp tại Campuchia.
Ngoài ra, hỗ trợ giải cứu 6 nạn nhân bị mua bán, cưỡng bức lao động; đấu tranh thành công 2 chuyên án mua bán người, bắt 8 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân; tiếp nhận và chuyển 3 vụ/3 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán cho Công an tỉnh Bình Thuận, Tp.Hà Nội, Tp.HCM tiếp nhận điều tra, xử lý theo quy định.
Tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm mua bán người, ngoài việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá, BĐBP tỉnh Tây Ninh còn đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm.
Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 23km đường biên giới, trong đó có 6km đường sông, trải dài trên địa bàn xã Biên Giới và Phước Vinh (huyện Châu Thành). Phía đối diện là xã Dong (huyện Romeas Haek, tỉnh Svay Rieng, vương quốc Campuchia).
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ biên phòng.
Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên khu vực biên giới để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tạo thành lá chắn thép bảo vệ biên giới.
Thượng tá Hoàng Như Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu cho biết: "Chúng tôi thường xuyên trao đổi thông tin, họp định kỳ cũng như đột xuất.
Qua đó, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để xảy ra các tình huống như trộm, cướp và các loại tội phạm khác. Đồng thời đấu tranh ngăn chặn các đối tượng buôn lậu hay gian lận thương mại, lợi dụng các đường mòn, ngõ tắt để vi phạm xuất nhập cảnh cũng như buôn bán hàng hóa trái phép".
Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Biên Giới cũng cho biết thêm, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã và Ban Chỉ huy Đồn Vàm Trảng Trâu đã có kế hoạch phối hợp giữa 3 lực lượng Công an, Quân sự và Biên phòng duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền cho nhân dân; tuần tra bảo vệ biên giới; phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, trong quá trình tuần tra bảo vệ biên giới, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 người Trung Quốc và 9 người Bangladesh và xử lý theo quy định.
Mặc dù công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm mua bán người luôn được quan tâm, tích cực thực hiện như tội phạm này vẫn hoạt động khá tinh vi.
Do đó, thời gian tới, BĐBP tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên về công tác phòng, chống tội phạm; tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ các loại tội phạm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia các hoạt động buôn lậu hoặc tiếp tay cho tội phạm.
Đại tá Cao Xuân An, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, đơn vị tích cực tổ chức triệt phá những đường dây đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép, cũng như phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu những nạn nhân bị lừa đảo dụ dỗ qua Campuchia làm việc.
Khi BĐBP phát hiện, bắt giữ những trường hợp tổ chức môi giới đưa đón xuất cảnh trái phép thì sẽ khởi tố vụ án, xử lý rất nghiêm. Đối với những trường hợp là nạn nhân, BĐBP sẽ tập trung tuyên truyền giáo dục.
"Qua theo dõi của lực lượng chức năng và phía Campuchia bàn giao, có nhiều trường hợp xuất cảnh hợp pháp, nghĩa là xuất cảnh bằng hộ chiếu, đi vào các cơ sở tại Campuchia làm việc. Nhưng sau đó, họ bị bóc lột sức lao động, bị ép làm mại dâm nên kêu cứu và chúng tôi phối hợp giải cứu, đưa về", Đại tá Cao Xuân An nói.