Biên giới đổi thay từ Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

(QTO) - Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, BĐBP Quảng Trị đã triển khai ký kết chương trình phối hợp với Hội LHPN tỉnh Quảng Trị.

 Lãnh đạo tỉnh tặng giếng nước cộng đồng từ Chương trình “ Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” -Ảnh: T.G

Lãnh đạo tỉnh tặng giếng nước cộng đồng từ Chương trình “ Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” -Ảnh: T.G

Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng và đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Với sự giúp đỡ từ chương trình này, phụ nữ nghèo nơi biên giới tỉnh Quảng Trị đã vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, yên tâm gắn bó, sát cánh cùng lực lượng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và dựng xây bản làng no ấm, hạnh phúc.

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới của tỉnh chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới về ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, hỗ trợ phụ nữ khu vực biên giới, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về pháp luật, cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế, bình đẳng giới...

Cán bộ chiến sĩ các đồn Biên phòng thường xuyên bám địa bàn, phối hợp với Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”; “bắt tay chỉ việc”. Bằng những kiến thức kỹ thuật mà chị em được tiếp cận, từ đó xây dựng được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị em phụ nữ còn linh động sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ kết hợp vốn vay để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” còn hỗ trợ chị em trong việc cung cấp cây giống, con giống. Tùy theo nhu cầu của từng hộ gia đình mà các cấp hội hỗ trợ giống bò, dê, lợn và các loại cây trồng. Đặc biệt, các cấp hội và BĐBP đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính bền vững thông qua hoạt động nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ hội cơ sở; truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống.

Công tác an sinh xã hội cũng được BĐBP và các cấp hội chú trọng phối hợp thực hiện có hiệu quả. Hoạt động chung sức xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe cho hội viên phụ nữ và người dân được quan tâm chú trọng. Nhiều công trình thắp sáng vùng quê, xây dựng mái ấm biên cương, nhà tiêu hợp vệ sinh, giếng nước sạch cộng đồng, “Xuân đoàn kết-Tết biên cương”, tặng mô hình sinh kế chăn nuôi...đã góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho các hội viên, phụ nữ và diện mạo của các bản làng vùng cao biên giới không ngừng khởi sắc.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã có trên 5,5 tỉ đồng được BĐBP và các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị kết nối, vận động và hỗ trợ cho 5 xã miền núi đặc biệt khó khăn gồm A Bung, A Ngo, Ba Nang của huyện Đakrông và A Xing, A Túc (nay là xã Lìa) của huyện Hướng Hóa.

Có thể khẳng định, đời sống người dân vùng biên giới nói chung và các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nói riêng được hưởng lợi và có nhiều đổi thay sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Nhận thức của người dân địa phương 5 xã trong chương trình đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ ban đầu là sự trông chờ ỷ lại các nguồn hỗ trợ nhưng qua quá trình vận động, khảo sát kết hợp sự cam kết chung tay của người dân thì nhận thức của phụ nữ được nâng lên, chất lượng đời sống được nâng cao cũng như giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Chị em phụ nữ các xã biên giới yên tâm gắn bó với quê hương, động viên gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo và từng bước ổn định cuộc sống; sát cánh cùng lực lượng BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chị em phụ nữ khu vực biên giới đã tích cực tham gia các hoạt động do BĐBP tỉnh phát động như: Mô hình “Câu lạc bộ gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”;“Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”; “Thôn bản không có tội phạm ma túy ”...Mặt khác, giá trị to lớn mà chương trình mang lại không chỉ là những món quà vật chất mà ý nghĩa nhân văn, tinh thần lan tỏa, kết nối, tiếp thêm sự tự tin, khơi dậy ý chí vươn lên phát huy nội lực, chủ động vượt khó của phụ nữ nơi vùng cao biên giới.

Đại tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy BĐBP Quảng Trị cho biết: “Trong những năm tới, với tính nhân văn sâu sắc và hiệu quả của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN tỉnh để hướng dẫn chỉ đạo các tổ chức hội cấp dưới và các đồn Biên phòng triển khai thực hiện tốt chương trình này. Trong đó, tập trung hướng dẫn cho hội viên thực hiện chuyển đổi các mô hình sinh kế theo hướng canh tác đưa lại hiệu quả lớn hơn và các mô hình chăn nuôi, đảm bảo cải thiện đời sống gia đình. Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng ở khu vực biên giới và góp phần cùng với lực lượng BĐBP trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, xây dựng vùng biên giới ngày càng phát triển”.

Phước Trung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162581&title=bien-gioi-doi-thay-tu-chuong-trinh-%E2%80%9Cdong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong%E2%80%9D