Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy hoạch tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trên cơ sở định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội cho phép, Hà Nội cần sớm nghiên cứu xây dựng quy hoạch ổn định và lâu dài, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

PGS.TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Kinh tế và Đô thịxung quanh nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Quy hoạch là vấn đề cấp thiết đặt ra để phát triển nông thôn hiện đại.

Quy hoạch là vấn đề cấp thiết đặt ra để phát triển nông thôn hiện đại.

Nông nghiệp luôn trụ đỡ

PGS.TS Chu Tiến Quang

PGS.TS Chu Tiến Quang

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Ông đánh giá thế nào về những điểm mới của Luật?

- So với Luật Thủ đô (cũ) thì Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Đặc biệt phải kể tới là việc lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông thôn được Quốc hội đề cập thành một điều riêng (Điều 32).

Điều 32 đã đề cập đến những vấn đề cơ bản trong định hướng chung phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP Hà Nội. Điều này sẽ tạo động lực mới, làm cơ sở để TP Hà Nội triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.

Việc đưa nội dung nông nghiệp, nông thôn vào Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy đây vẫn là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, thưa ông?

- Không chỉ tại Hà Nội mà trên phạm vi cả nước, nông nghiệp vẫn luôn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế. Là Thủ đô, nhưng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số.

Chính vì vậy, dù đô thị hóa, công nghiệp hóa của Hà Nội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhưng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như thế nào để vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, vừa gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các nét văn hóa truyền thống, hiện đại là vấn đề rất quan trọng.

Cần sớm có quy hoạch

Để từng bước đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào thực tiễn, theo ông, việc cần làm trước tiên là gì?

- Luật Thủ đô (sửa đổi) định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là yêu cầu đặt ra trước mắt và lâu dài.

Để phát triển một nền nông nghiệp như vậy, không thể sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Do đó, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.

Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực: vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.

Thêm nữa, nếu không sớm xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội theo định hướng trên đây sẽ dễ dẫn tới sự phát triển không bền vững, thiếu bản sắc và có thể làm mất đi nhiều giá trị vật chất và văn hóa, vốn vẫn được xem là của cải.

Làm tốt quy hoạch nông thôn sẽ góp phần tạo dựng thêm nhiều miền quê đáng sống.

Làm tốt quy hoạch nông thôn sẽ góp phần tạo dựng thêm nhiều miền quê đáng sống.

Ông có thể chia sẻ hình dung về một quy hoạch cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội trong suy nghĩ của mình?

- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Thủ đô cần phân rõ được 3 vùng, cụ thể là: vùng nội đô, vùng ven đô và vùng ngoại ô. Đối với vùng ngoại ô, đây là vùng nông nghiệp thuần túy, có thể định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp theo hướng hàng hóa, kết hợp du lịch. Ở đó cần có hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện) tốt phục vụ nông nghiệp để nó là vùng nông nghiệp ổn định, lâu dài.

Đối với vùng ven đô, nông nghiệp tập trung phát triển về hoa, cây cảnh, cảnh quan môi trường; sinh thái kết hợp nông nghiệp trải nghiệm… Đối với vùng nội đô, nên tập trung phát triển những mô hình nông nghiệp đô thị, phát huy giá trị những làng nghề, phố nghề…

Thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội cần có giải pháp quản lý nhà nước đi kèm từ cấp TP tới cấp quận, huyện và xã, phường. Việc quản lý tốt quá trình thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ biến quy hoạch trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đúng theo định hướng mà Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định.

Vận dụng tốt “thí điểm có kiểm soát”

Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, làm thế nào để TP khai thác hiệu quả ưu đãinày?

- Điều 32 của Luật Thủ đô (sửa đổi) mang đến cho Hà Nội cơ chế, chính sách đặc thù, đó là cơ chế thí điểm có kiểm soát. Đây hiển nhiên là cơ chế tích cực, có thể giúp TP tạo được bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì cơ quan đưa ra giải pháp cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, không để cho sự phát triển mang tính tùy tiện như quy định tại Điều số 25 về “Thí điểm có kiểm soát”.

Điều này đòi hỏi Hà Nội cần xây dựng quy trình kiểm soát và đánh giá chặt chẽ các hoạt động trong thí điểm các mô hình hay cách thức sản xuất mới ngay từ đầu. Kịp thời thay đổi hoặc kiên quyết dừng nếu hoạt động thí điểm không mang lại giá trị cao và thiếu bền vững.

Việc tạo cơ chế, chính sách đặt thù cho Hà Nội tại Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết và cần sớm được thực hiện nhằm tạo đột phá mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội những năm tới đây. Tuy nhiên, cái gì mới cũng đều chứa đựng hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc cần làm là thúc đẩy tích cực và hạn chế tiêu cực và công cụ không thể bỏ qua là phải có kiểm soát.

Ông có khuyến nghị gì đối với Hà Nội để Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự mang lại giá trị tích cực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn?

- Hà Nội phải hình dung ra bối cảnh, bức tranh nông nghiệp, nông thôn Thủ đô trong 5 năm, 10 năm, thậm chí 30 năm tới, từ đó tổ chức nghiên cứu, đưa ra những định hướng giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Việc cần làm trước tiên, như tôi đã đề cập là cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn dài hạn theo 3 vùng đã nói trên cơ sở rà soát, đánh giá các yếu tố khách quan, chủ quan; phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện có cũng như khả năng mới xuất hiện.

Trên cơ sở quy hoạch, cần vận dụng tốt các quy định tại Điều 25 về “Thí điểm có kiểm soát” một cách sáng tạo và hiệu quả để thu hút đầu tư, thử nghiệm những cách làm mới, tiến tới thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành các mô hình nông thôn giàu có.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-quy-hoach-tao-dong-luc-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon.html