Biên giới Việt Nam-Campuchia: Nhìn lại những dấu mốc
Việt Nam và Campuchia đã quyết tâm từng bước hoàn thành dứt điểm vấn đề biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.
Lịch sử đường biên
Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng trên 1.200 km, điểm khởi đầu ở vị trí là giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào, điểm kết thúc ở vị trí cuối cùng của đường biên giới đất liền trên bờ Vịnh Thái Lan, tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia).
Tính chất pháp lý của đường biên giới Việt Nam-Campuchia phức tạp hơn so với đường biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Trung Quốc.
Năm 1979, sau khi Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, lập ra nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới cũng là một trong những ưu tiên của hai nước.
Trên cơ sở đó, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành ký kết Hiệp định về vùng nước lịch sử (năm 1982), Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới và Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia (ngày 20/7/1983), Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia (ngày 27/12/1985).
Năm 1986, hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc và trên thực tế đã triển khai cắm được 72/222 cột mốc, phân giới được 200 km. Tuy nhiên, sau đó, do tình hình chính trị nội bộ của Campuchia, vấn đề phân giới, cắm mốc giữa hai nước bị gián đoạn trong một thời gian.
Với tinh thần quyết tâm hoàn thành dứt điểm vấn đề biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, năm 2005, hai nước đã ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và phối hợp triển khai phân giới, cắm mốc, đạt nhiều thành tựu to lớn.
Đến nay, hai bên đã hoàn thành pháp lý hóa thành quả phân giới, cắm mốc đối với khoảng 1.045km đường biên giới, tương đương 84% khối lượng trên toàn tuyến; ký kết Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam - Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia 5/10/2019.
Thỏa thuận lịch sử
Hai văn kiện gồm Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam-Campuchia; vàNghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia ký kết ngày 5/10/2019 mang tính chất lịch sử, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Các văn kiện pháp lý trên đồng thời cũng tạo tiền đề và cơ sở pháp lý vững chắc để hai bên tiếp tục hợp tác giải quyết 100% vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) nhận định về ý nghĩa 2 văn kiện tại buổi lễ ký kết ngày 5/10/2019: “Hai văn kiện trêncùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết trước đây,tạo thành khung pháp lý cho quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam-Campuchia đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội biên giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống nhân dân biên giới, xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển bền vững”.
Về phía Campuchia, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, “Chính phủ Hoàng gia Campuchia kiên quyết lập trường xây dựng đường biên giới Campuchia-Việt Nam dựa trên luật pháp quốc gia, quốc tế và thông lệ thực tiễn quốc tế về việc chấp nhận nguyên tắc đường biên giới không thể thay đổi mà thực dân Pháp đã để lại để tiếp tục làm cơ sở vững chắc nhằm hoàn thành giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước chúng ta”.
Theo Thủ tướng Hun Sen, việc ký kết hai văn kiện lịch sử đã cho thấy “tiến độ giải quyết vấn đề biên giới hai nước đã tiến một bước đáng tự hào”.
Ngày 22/12/2020, Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam-Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia chính thức có hiệu lực.
Ngày 28/7 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng cao cấp Cơ quan quyền lực phụ trách công tác biên giới Campuchia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Campuchia-Việt Nam Var Kim Hong nhằm trao đổi một số nội dung về công tác biên giới đất liền giữa hai nước.
Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong công tác quản lý đường biên, mốc giới; từng bước giải quyết phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền còn tồn đọng (khoảng 16%); chuẩn bị tốt nội dung phục vụ cuộc họp giữa hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam dự kiến tổ chức trong thời gian tới.
Tại Hội nghị tuyên truyền “Thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức ngày 7/7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Phùng Thế Long khẳng định, việc Việt Nam và Campuchia thúc đẩy 2 văn kiện pháp lý đi vào hiệu lực là tiền đề quan trọng củng cố cơ sở pháp lý quốc tế để hai nước tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, góp phần không ngừng tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đoàn kết truyền thống, vì lợi ích và phồn vinh của nhân dân hai nước.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-gioi-viet-nam-campuchia-nhin-lai-nhung-dau-moc-158368.html