'Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030'
PTĐT - Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu người bệnh lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Năm 2018, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có thêm 174.000 người mắc lao, khoảng 11.000 người chết do lao và khoảng 2.200 người HIV tử vong do lao.
Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2020 có chủ đề “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030” nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị bố trí phòng khám riêng cho các trường hợp có triệu trứng ho, sốt. Ngoài việc phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid – 19. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở y tế sàng lọc, phát hiện các trường hợp mắc lao.
Hiện nay, tại tỉnh Chương trình Chống lao có mạng lưới trải rộng từ tỉnh đến cơ sở với một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 13/13 trung tâm y tế huyện, thị, thành có Tổ chống lao/HIV và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên tại các khu dân cư. Hoạt động phòng, chống lao đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2019, toàn tỉnh đã khám cho 26.655 người nghi lao, xét nghiệm đờm cho 15.210 người, tổng số 32.042 tiêu bản; phát hiện và đưa vào quản lý điều trị cho 701 người mắc lao trong đó có 333 người mắc lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học. Tỷ lệ người mắc lao có bằng chứng vi khuẩn học/100.000 dân là 23,5; tổng tỷ lệ người mắc lao các thể/100.000 dân là 49. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 106 trường hợp mắc lao mới.
Bệnh viện Phổi tỉnh đã đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao trình độ của đội ngũ y, bác sĩ giúp cho người bệnh lao được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến, chuyên khoa sâu như: Kỹ thuật xét nghiệm phân tử GeneXpert, nội soi phế quản, sinh thiết màng phổi, sinh thiết hạch, điều trị lao kháng thuốc MDR-TB, phác đồ điều trị 6 tháng đối với lao thường và 9 tháng đối với lao kháng thuốc. Bệnh viện đã từng bước đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ việc chẩn đoán, điều trị chăm sóc người bệnh, đáp ứng khả năng ứng dụng những thành tựu về y học trong khám, điều trị lao và các bệnh về phổi. Tỷ lệ người bệnh lao có bằng chứng vi khuẩn học được điều trị khỏi đạt trên 93%. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã thực hiện tốt Quy tắc Ứng xử, ứng dụng CNTT, cải tiến quy trình khám bệnh, rút ngắn thời gian người bệnh chờ khám và đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh với mục tiêu ngày càng đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thời gian tới, Bệnh viện Phổi tỉnh tiếp tục hoàn thiện và củng cố kiện toàn mạng lưới phòng chống lao tuyến huyện; tăng cường việc giám sát, hỗ trợ quản lý người bệnh tại cộng đồng. Duy trì thường xuyên công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền về bệnh lao và các bệnh phổi trong nhân dân tập trung vào việc phòng bệnh và phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng.
Để công tác phòng, chống lao trên địa bàn đạt hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030 rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và cả cộng đồng cùng ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, giúp phát hiện sớm bệnh lao, tạo điều kiện để người bệnh lao được điều trị đúng, đủ thời gian, giảm gánh nặng chi phí và các nguy cơ về sức khỏe, kiểm soát nguồn lây trong cộng đồng.