Biên Hòa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Bài cuối: Giải pháp đột phá

Với định hướng phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh, bền vững, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) xác định việc xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của thành phố và cải cách hành chính là những giải pháp quan trọng, tạo cơ sở để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Đây cũng chính là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân - chủ thể của thành phố thông minh, từ những tiện tích và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan chức năng trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đại diện VNPT Đồng Nai trình bày mô hình hoạt động của Trung tâm Điều hành thông minh. Ảnh: baodongnai.com.vn

Đại diện VNPT Đồng Nai trình bày mô hình hoạt động của Trung tâm Điều hành thông minh. Ảnh: baodongnai.com.vn

Trung tâm giám sát, điều hành - hạt nhân của đô thị thông minh

Theo thông tin từ UBND thành phố Biên Hòa, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai nói chung, thành phố Biên Hòa nói riêng đã tiếp cận, xây dựng nhiều thành phần của đô thị thông minh trên địa bàn. Các thành phần, dịch vụ thông minh trên nhiều lĩnh vực trong tương lai cho thấy cần được giám sát, tích hợp điều hành tập trung thông qua một nền tảng công nghệ, cho phép tích hợp dữ liệu lớn, rộng khắp của các ngành, huyện, thị xã, thành phố về Trung tâm Giám sát, điều hành để cung cấp các dữ liệu mở phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác điều hành của chính quyền. Người dân và doanh nghiệp đều mong muốn có thể tiếp cận được thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính và các thiết bị di động. Các cá nhân và doanh nghiệp đều mong muốn được thụ hưởng một nền dịch vụ công hiện đại, một chính quyền kết nối với người dân.

Việc triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Biên Hòa đóng vai trò hạt nhân của đô thị thông minh và là nền tảng tích hợp các thành phần điều hành thông minh ở các lĩnh vực, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, hạ tầng dùng chung của một đô thị thông minh cũng sẽ cho phép chia sẻ đầy đủ thông tin dữ liệu giữa các ngành, người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng các nhu cầu phát triển của thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Viễn thông Đồng Nai cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp cùng UBND thành phố Biên Hòa xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Trung tâm này là thành phần cốt lõi của cơ sở hạ tầng trong đô thị thông minh, kết nối ở các lĩnh vực như: Hệ thống báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hệ thống dịch vụ công, hệ thống giám sát giao thông, trật tự an toàn công cộng, hệ thống tiếp nhận phản ánh hiện trường, các dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên môi trường… nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về các lĩnh vực giám sát của thành phố. Hệ thống tại trung tâm cung cấp các công cụ hỗ trợ tổng hợp, phân tích, dự báo, cảnh báo nhằm hỗ trợ công tác điều hành và ra quyết định phù hợp.

Chẳng hạn, với lĩnh vực kinh tế - xã hội, tại trung tâm thu nhận, tích hợp tất cả các chỉ số mà hiện nay địa phương đang quan tâm như tình hình thu - chi ngân sách, tổng dự toán nguồn thu..., từ đó phục vụ việc điều hành của lãnh đạo, các cơ quan chức năng. Hoặc đối với việc tương tác với người dân, việc giám sát công tác thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của thành phố sẽ giúp người có trách nhiệm nắm bắt nhanh chóng tiến độ, thậm chí cả thái độ, tác phong trong quá trình làm nhiệm vụ của cán bộ, công chức, cũng như sự tương tác, phản ứng của công dân, từ đó có những điều chỉnh, nhắc nhở kịp thời.

Đến giữa tháng 10/2020, việc triển khai thí điểm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Biên Hòa đạt được một số kết quả: Đã triển khai việc giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, tương tác giao tiếp phục vụ công dân, phản ánh hiện trường; giám sát điều hành lĩnh vực y tế; giám sát điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát lĩnh vực du lịch; giám sát, điều hành lĩnh vực môi trường (không khí, đất đai, rừng, nước). Trung tâm cũng đã triển khai hệ thống họp trực tuyến tại 32 điểm cầu, gồm Thành ủy, UBND thành phố Biên Hòa và 30 phường, xã.

Sau giai đoạn triển khai thí điểm, dự kiến trung tâm chính thức đi vào hoạt động cuối năm nay, góp phần tạo sự bứt phá trong xây dựng, phát triển Biên Hòa theo hướng đô thị văn minh, xứng tầm đô thị loại 1.

Đi đầu trong cải cách hành chính

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Thành phố Biên Hòa hiện được đánh giá là địa phương dẫn đầu tỉnh Đồng Nai về thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp thành phố, cũng như ở các xã, phường. Là thành phố có số dân đông với 30 đơn vị phường, khối lượng thủ tục hành chính cần được giải quyết rất lớn, hiện nay Biên Hòa đã thực hiện việc liên thông giải quyết trên 30 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực như đất đai, đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi... tạo thuận lợi cho công dân toàn thành phố. Số liệu của Bộ phận một cửa thành phố Biên Hòa cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 10/2020, bộ phận một cửa thành phố đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn gần 96% số hồ sơ thuộc nhiều lĩnh vực. Tại các bộ phận một cửa của các phường, xã, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 98%.

Ngoài việc thực hiện cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi, tin cậy cho tổ chức, cá nhân, thành phố Biên Hòa còn thực hiện tốt việc cập nhật đầy đủ các thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tại chuyên mục “Biên Hòa công khai - minh bạch” trên Cổng thông tin điện tử của UBND thành phố, tạo sự thuận lợi, tin cậy cho tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu thông tin liên quan như thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch... của thành phố.

Đề cập công tác cải cách hành chính gắn với phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững, từ góc độ cơ sở, ông Đặng Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) chia sẻ, là phường nội ô của thành phố, mỗi ngày Bộ phận một cửa phường tiếp nhận trung bình 30 – 50 hồ sơ của công dân không chỉ trên địa bàn phường gửi đến. Dù số lượng hồ sơ tương đối nhiều xong nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, bố trí việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hợp lý, nên hầu hết các hồ sơ đều được cán bộ chức năng của phường giải quyết đúng hạn. Cá biệt một số trường hợp phức tạp, đòi hỏi thời gian xác minh thì trễ hạn, song đều được cán bộ tiếp nhận kịp thời thông báo, xin lỗi công dân và nỗ lực giải quyết. Đặc biệt, việc chứng thực và công chứng giấy tờ, Bộ phận một cửa của phường đã nỗ lực phục vụ người dân một cách nhanh chóng, chính xác nhất nên người dân của các phường khác cũng đến đây để làm thủ tục này.

Đến Bộ phận một cửa của phường để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu, ông Trương Văn Cường ở khu phố 2, phường Quyết Thắng chia sẻ, ông rất hài lòng với việc hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Ông Trương Văn Cường cho biết: “Với thủ tục đăng ký khai sinh thực ra tôi có thể thực hiện việc khai hồ sơ ngay tại nhà, nhưng là người cao tuổi, khi tôi đến Bộ phận một cửa và làm từng bước, tôi vẫn được cán bộ hướng dẫn đầy đủ và giải quyết rất nhanh chóng. So sánh với thời gian trước đây thì rõ ràng là các thủ tục hành chính đã được giải quyết nhanh hơn, đơn giản hơn và thuận lợi hơn cho người dân rất nhiều.

Trà-Hưng-Việt-Phong-Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bien-hoa-trong-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-bai-cuoigiai-phap-dot-pha-20201106083337073.htm