Biên kịch phim 'Đất rừng phương Nam' trải lòng

Trần Khánh Hoàng - biên kịch của phim Đất rừng phương Nam do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn - viết tâm thư dài trên trang mạng xã hội Facebook trải lòng về phim.

Trần Khánh Hoàng nhấn mạnh rằng anh bày tỏ dưới góc độ quan điểm cá nhân, không đại diện cho ê-kíp vì chưa chắc phim có thể làm phần hai và cũng chưa chắc bản thân được mời tham gia biên kịch phần hai.

"Trong quá trình phát triển dự án, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có nói với tôi rằng nếu làm điện ảnh, không chỉ phải làm hay, làm khác, làm mới hơn, mà hy vọng có thể kể tiếp câu chuyện còn dang dở của bé An ở bản truyền hình.

Vậy nên, hành trình của An trong định hướng kể chuyện của nhóm sáng tạo sẽ là một hành trình dài, một mơ ước về một "franchise" và nội dung phần một chỉ là nền móng đầu tiên. Nên sẽ có một số gạch đầu dòng quan trọng mà mình muốn nói một lần duy nhất cho rõ ý" - biên kịch Trần Khánh Hoàng trải lòng.

Cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam"

Cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam"

Anh nói thêm rằng "Đất rừng phương Nam" có hướng phát triển nội dung tương đồng với phim truyền hình "Đất phương Nam" 1997, đưa bối cảnh phim từ không gian và thời gian về những năm 1920-1930 so với trong tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" là sau 1945.

Lý do thay đổi vì bộ phim muốn mô tả ở phần một này bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, tiếp xúc nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau.

Ngoài nhóm Nghĩa Hòa, Thiên Địa Hội của ông Năm, ông Tiều, còn được gặp rất nhiều hội nhóm trên hành trình tìm cha của An như: Nhóm chủ nghĩa dân tộc của Hai Thành (cha An), Trí và ông Sáu Ngù; Nhóm đấu tranh bất bạo động của thầy Bảy và gánh hát; Nhóm những nhà sư Nam Tông của đồng bào Khmer; Nhóm đấu tranh cá nhân, riêng lẻ như Võ Tòng; Nhóm người dân yêu nước như bác Ba Phi, chú Ba Bắt Rắn; Nhóm "yêu nước dự bị", chưa có lý tưởng nhưng sẵn sàng xả thân bảo vệ người thân như Út Lục Lâm, Cò, Xinh, chị Tư Ù.

Mỗi cá nhân, tổ chức này dù tầng lớp, sắc tộc, văn hóa, đường hướng khác nhau nhưng tụ chung đều chia sẻ một giá trị lớn lao là lòng yêu nước và sự căm thù bọn cường hào ác bá, bọn giặc ngoại xâm.

Đặc biệt, nhân vật Hai Thành là thủ lĩnh quan trọng được nhắc đến xuyên suốt phim, được xây dựng như trong bản truyền hình 1997, với định hướng ông và tổ chức của ông về sau sẽ tham gia mặt trận Việt Minh, đi theo tiếng gọi của Đảng để cùng dẫn dắt các lực lượng trong phim tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu, đường lối cụ thể, rõ ràng dẫn đến Cách Mạng Tháng 8 sau này.

Nhân vật An (Hạo Khang đóng) và Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) trong phim "Đất rừng phương Nam"

Nhân vật An (Hạo Khang đóng) và Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) trong phim "Đất rừng phương Nam"

Sự đa dạng đó cũng mong người xem thấy được miền Nam là nơi có nhiều văn hóa của người bản địa Việt Nam, người Khmer, người Hoa... Một vùng đất hòa hợp có những dân tộc, văn hóa khác nhau cùng khai khẩn, gìn giữ và đấu tranh cho nó.

Phần một cũng ưu tiên những điều "nhẹ nhàng" hơn cho An và khán giả vẫn thấy một không khí có phần bình yên, để trầm trồ đất nước mình tươi đẹp quá.

Rồi sau này, khi sự tươi đẹp, bình yên đó bị giày xéo bởi cái ác ngày một leo thang của thực dân, phong kiến, chúng ta sẽ cảm thấy nhiều hơn những mất mát, bi phẫn và càng hun đúc thêm lòng căm thù giặc lẫn tình yêu nước cháy bỏng. Đó là lý do tuyến truyện về những thảm kịch của gia đình Tám Luông được "để dành".

Thiên Địa Hội An Nam cũng như các phân nhánh của nó như Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa, Vạn Xe..., chỉ là một trong hơn 70-80 hội nhóm kháng Pháp thời kì này. Trong phim có mô tả ông Tiều, Ông Năm thuộc về Thiên Địa Hội, Hai Thành cha của An và các thủ lĩnh khác nằm ở nhiều hội nhóm khác khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ.

Các hội kín này hoạt động độc lập, không có một hệ thống chỉ huy chung, khi cần gặp nhau hội viên phải dùng mật ngữ và mật hiệu.

Giai đoạn sau những năm 1920 cũng là giai đoạn thoái trào của nhiều hội kín chống Pháp kiểu này, các thành viên vị bắt bớ, tận diệt. Trong phim, Thiên Địa Hội vì đấu tranh tự phát, cảm tính, không có đường lối đúng đắn nên liên tục thất bại, bị bắt giết và chỉ còn một cá nhân sống sót là ông Tiều.

Nhân vật ông Tiều (Tiến Luật đóng)

Nhân vật ông Tiều (Tiến Luật đóng)

"Sở dĩ có sự nhắc đến nhiều hơn về Thiên Địa Hội ở bản điện ảnh là vì tôi muốn nâng vai trò của nhân vật Ông Tiều hơn. Ông Tiều là người dạy cho An trung hiếu nghĩa - những giá trị nhân văn cổ điển, ông thậm chí còn chống lại chính hội của mình để bảo vệ cho An. Không chỉ có ông Tiều, những tuyến truyện khác cũng được nâng lên vì họ là những người thầy, người cha cho An nhận lãnh nhiều bài học lớn khác.

Có thể kể đến thầy Bảy dạy cho An những giá trị Tây học lẫn văn hóa truyền thống của dân tộc, Út Lục Lâm dạy cho An những kiến thức xã hội từ một kẻ lõi đời trong thời chiến, và Hai Thành cha An dạy cho cậu về tinh thần dân tộc, dòng dũng cảm dám xả thân, hy sinh cho đất nước" -biên kịch Trần Khánh Hoàng bày tỏ.

Anh khẳng định nội dung "Đất rừng phương Nam" là nội dung của một phim truyện hư cấu và lấy cảm hứng từ các yếu tố lịch sử, các nhân vật trong tiểu thuyết để xây dựng nên hành trình lưu lạc tìm cha của một cậu bé trong thời chiến.

Bộ phim không đề cao, ca ngợi riêng một tổ chức hoặc hội nhóm nào, mà chỉ tập trung ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer… và phải làm sao giữ nguyên những giá trị cốt lõi ở hành trình tìm cha của bé An trong cả bản văn học lẫn bản truyền hình.

Đó là tình mẫu tử, tình phụ tử, tình thầy trò, tình sư đồ, tình bạn, tình đồng chí, tình làng nghĩa xóm và đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước.

Đây cũng là cơ sở cho cao trào ở hồi ba, nơi mà tất cả tuyến nhân vật tụ về đối đầu với cái ác của thực dân-phong kiến để làm nổi bật lên chữ tình này.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/bien-kich-phim-dat-rung-phuong-nam-trai-long-20231016173858155.htm