Biên kịch 'Tây du ký' qua đời ở tuổi 81
Biên kịch Trâu Ức Thanh, một trong những biên kịch của bộ phim truyền hình nổi tiếng 'Tây du ký' ngày 9/10 đã qua đời ở tuổi 81.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin từ Viện kinh kịch quốc gia Trung Quốc xác nhận biên kịch Trâu Ức Thanh, một trong những biên kịch của bộ phim truyền hình nổi tiếng Tây du ký ngày 9/10 đã qua đời ở tuổi 81.
Trên trang cá nhân ngay sau đó, Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đảm nhiệm vai Tôn Ngộ Không trong Tây du ký, đã bày tỏ lòng tiếc thương và sự biết ơn sâu sắc đối với sự nâng đỡ của biên kịch Trâu Ức Thanh.
Trâu Ức Thanh sinh năm 1938 ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Bà có niềm đam mê văn học từ nhỏ, năm 1956 thi đỗ khoa tiếng Trung, đại học Vũ Hán. Sau khi tốt nghiệp được điều tới Viện kinh kịch quốc gia Trung Quốc làm biên kịch cùng với Đới Anh Lộc, Phạm Quân Hồng. 3 người biên kịch được gần 30 tác phẩm bao gồm kinh kịch, kịch địa phương, côn khúc, ca kịch... Trước khi về hưu năm 1998, Trâu Ức Thanh từng đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm phòng sáng tác nghệ thuật của viện kinh kịch cũng như từng tham gia biên kịch các tác phẩm văn học, điện ảnh, tiểu thuyết...
Đối với tác phẩm Tây du ký, một tác phẩm được biết đến qua nhiều thế hệ, để đạt được thành công như vậy, phải có sự cải biên sáng suốt từ biên kịch. Ở thời điểm kỹ thuật quay phim chưa phát triển lúc bấy giờ, để thu hút được lượng khán giả lớn, đòi hỏi biên kịch phải vô cùng tỉ mỉ trong tác phẩm. Bởi vậy Tây du ký chính là khó khăn và là thách thức lớn đối với biên kịch Trâu Ức Thanh.
Đới Anh Lộc, Trâu Ức Thanh và Dương Khiết đã rất tâm huyết để cùng nhau làm nên một tác phẩm huyền thoại mang tên Tây du ký. Không phụ sự nhiệt huyết của ba người, tác phẩm sau đó đã nhận được giải thưởng đặc biệt của giải Kim Ưng TV Trung Quốc, giải Phim truyền hình xuất sắc nhất.
Tới năm 2000, Đới Anh Lộc, Trâu Ức Thanh và Dương Khiết lại lần nữa kết hợp làm nên tác phẩm Tây du ký phần sau.
Không chỉ có Tây du ký, trong suốt hơn 30 năm sáng tác của mình, Trâu Ức Thanh cũng đã để lại rất nhiều tác phẩm kinh điển cho thế hệ sau như Cô gái hồng phương Bắc, Chị Lý Phượng, Mục Quế Anh...