Biến lợi ích thành động lực phát triển

BÀI 2
LỢI ÍCH THÚC ĐẨY TINH THẦN CỐNG HIẾN

BPO - Lợi ích thúc đẩy tinh thần cống hiến và cống hiến vì mục tiêu thụ hưởng, vì lợi ích chung. Đó là cặp phạm trù có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau tạo nên sự phát triển. Cùng với cả nước, “dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được soi chiếu tại tỉnh Bình Phước, tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tích cực cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội.

Vì dân phục vụ

Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng đều xuất phát từ thực tiễn và từ chính nhu cầu của nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh, khi có chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân, phát huy tốt vai trò của nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân.

Khi người dân hiểu được lợi ích các công trình mang lại đã thúc đẩy tinh thần cống hiến. Trong ảnh: Đường Phan Bội Châu đã được thông tuyến với đoạn từ quốc lộ 14 vào đường Tôn Đức Thắng, TP. Đồng Xoài - Ảnh: Kim Phụng

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cùng với quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Bình Phước đã có nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, nổi bật là xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Quá trình xây dựng nông thôn mới những năm qua cho thấy, người dân đã thật sự được “biết”, được “bàn”, được “làm”, được “kiểm tra”. Nhờ vậy, bên cạnh nguồn kinh phí của Nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã đóng góp tiền, ngày công, hiến đất... với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện kiên cố hóa đường bê tông xi măng; xây nhà văn hóa xã, thôn, khu phố. Những kết quả này đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Điều này cho thấy người dân không chỉ được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát mà còn được thụ hưởng những thành quả của mình qua việc chủ động tham gia thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà không trông chờ, ỷ lại.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Đồng Xoài đạt tiêu chí đô thị loại II, trở thành “thành phố đáng sống”, những năm qua, thành phố Đồng Xoài tập trung cho công tác chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mà trọng điểm là hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng, kết nối giao thương, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, không đền bù, giải tỏa thì người dân chính là nguồn lực quan trọng nhất thông qua việc vận động hiến đất mở đường. Để khơi thông nguồn lực này đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng. Phải làm sao cho nhân dân thấy được lợi ích, giá trị các công trình mang lại thì người dân sẽ đồng thuận hưởng ứng tham gia.

Lãnh đạo thành phố Đồng Xoài và phường Tiến Thành chứng kiến người dân tự nguyện cắt hạ cây cao su để bàn giao mặt bằng thi công dự án

Lãnh đạo thành phố Đồng Xoài và phường Tiến Thành chứng kiến người dân tự nguyện cắt hạ cây cao su để bàn giao mặt bằng thi công dự án

Trước tình hình đó, Ban Dân vận Thành ủy và UBND thành phố Đồng Xoài đã phối hợp xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình dân vận khéo “Việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến”. Thành phố Đồng Xoài phấn đấu giai đoạn 2021-2023 có 199,3km đường giao thông các loại thực hiện vận động giải phóng mặt bằng; trong đó, năm 2021 vận động làm 68,6km, năm 2022 vận động làm 65,4km và năm 2023 vận động làm 65,5km.

Bà Mai Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài cho biết, phường được chọn thí điểm tổ chức vận động nhân dân hiến đất làm đường quy hoạch đối với 2 tuyến Trường Chinh và đường tránh quốc lộ 14 (đường vành đai Hồ Xuân Hương) với chiều dài gần 3km, tổng diện tích cần vận động giải phóng mặt bằng là 9,1 ha. Tuy nhiên, là phường trung tâm của thành phố, giá đất trên địa bàn lúc này là “tấc đất, tấc vàng” nên việc vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc không dễ. Thế nhưng, sau khi khảo sát, làm việc cụ thể với từng hộ dân bị ảnh hưởng, qua tuyên truyền, vận động, người dân thấy được lợi ích từ các công trình mang lại nên hầu hết đều đồng tình, ủng hộ.

Cống hiến hết mình, hưởng lợi tối đa

Tuyến đường tránh quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn phường Tân Bình thuộc khu phố Tân Trà 2 có hơn 96 thửa đất và 88 hộ dân bị ảnh hưởng, phải giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 7 ha. Là tuyến giao thông quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và tạo diện mạo mới cho phường cũng như thành phố nên triển khai thực hiện càng sớm càng tốt. Với quyết tâm đó, Ban điều hành khu phố đã có cách tuyên truyền, vận động phù hợp ở từng khu vực có tuyến đường đi qua. Tinh thần chung là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân bị ảnh hưởng, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng chia sẻ, động viên. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước và phương án chung là dễ làm trước, khó làm sau. Đoạn tuyến nào vận động xong trước làm trước.

Lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn thành phố Đồng Xoài kiểm tra khu đất rộng hàng chục ngàn mét vuông do người dân hiến tặng để thông tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Đồng Xoài

Lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn thành phố Đồng Xoài kiểm tra khu đất rộng hàng chục ngàn mét vuông do người dân hiến tặng để thông tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Đồng Xoài

Ông Nguyễn Văn Chuồn, Bí thư Chi bộ khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình cho biết, 5 năm qua, nhân dân khu phố đã hiến khoảng hơn 10 ha để mở đường, trị giá hơn 20 tỷ đồng. Điển hình như các hộ ông Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Hữu, bà Đặng Thị Bạn đã hiến rất nhiều đất. Có những hộ hiến 4 sào đất cao su, điều giữa lòng thành phố. Trong khi đây là nguồn thu chính của các gia đình thì đó là sự hy sinh không nhỏ vì mục tiêu phát triển và thụ hưởng cho con cháu sau này.

Gia đình có gần 1 ha cao su đang cho thu hoạch và đây cũng là nguồn thu nhập chính. Những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ phường, khu phố đến tuyên truyền hiến đất mở đường, gia đình đồng thuận ngay. Bởi tuyến đường đi ngang qua thửa đất, tạo mặt tiền rộng lớn khiến giá đất tăng cao. Không ai khác, mình chính là người hưởng lợi đầu tiên nên sẵn sàng hiến. Trước kia, 1m mặt tiền (mét ngang) chỉ có giá 150 triệu đồng, nay tăng lên 500 triệu đồng.

Ông NGUYỄN VĂN HỮU, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài

Là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh, Đồng Phú đang thực hiện nhiều dự án giao thông kết nối đến đường Đồng Phú - Bình Dương, Khu liên hợp Công nghiệp, Dịch vụ, Đô thị Đồng Phú và khu quy hoạch Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng. Đây là những dự án giao thông quan trọng tạo liên kết vùng không chỉ cho huyện mà còn cho tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút đầu tư. Có 611 thửa đất bị ảnh hưởng bởi các dự án. Trong đó, có 376 thửa được hưởng lợi nhiều từ dự án, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, cây trồng. Kết quả, có 334 thửa người dân đồng ý hiến với tổng diện tích 74,86 ha. Nếu tính trung bình 3 tỷ đồng/ha thì nhân dân huyện Đồng Phú đã hiến cho các dự án này hơn 224 tỷ đồng. Trong đó có những hộ hiến 1 hoặc hơn 2 ha đất.

Muốn dân vận thành công thì “dân vận chính quyền” phải đi trước một bước. Điều quan trọng là làm cho dân thấu suốt chủ trương và hiểu được lợi ích đạt được sau khi dự án hoàn thành. Dân phải cùng được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và thụ hưởng thì sẽ tin và từ đó tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho các công trình, dự án.

Bà NGÔ THỊ THANH CHUNG, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đồng Phú

Chưa bao giờ tinh thần “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến” lan tỏa mạnh mẽ ở các huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Phước như hiện nay. Những tuyến đường lớn len lỏi trong các vùng đồi thấp, những tuyến vành đai, đường hai bên ven suối rợp đỏ cờ hoa len lỏi trong các khu dân cư mang đến sự phồn vinh cho mỗi gia đình. Điều này càng cho thấy rõ hơn mục tiêu dân không chỉ biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát mà người dân đã được thụ hưởng từ chính thành quả của sự phát triển. Cũng bởi vậy, việc bổ sung 2 cụm từ “giám sát” và “thụ hưởng” trong nội dung phương châm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phù hợp, đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”.

Việc bổ sung cụm từ “dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Đó cũng chính là động lực quan trọng để hiện thực hóa định hướng và tầm nhìn trong giai đoạn mới, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Minh Luận - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/137701/bien-loi-ich-thanh-dong-luc-phat-trien