Biến lợi ích thành động lực phát triển

BÀI 4
CHUYỂN ĐỔI SỐ - VÌ CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN

BPO - Xác định người dân là trung tâm của mọi quyết sách; mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu… Bình Phước đã cụ thể hóa, đưa các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, đưa cuộc sống vào nghị quyết. Đặc biệt, để cụ thể hóa chủ trương “dân thụ hưởng”, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi hội nhập trong giai đoạn mới, Bình Phước đã và đang triển khai nhanh, mạnh với những bước đi chiến lược thực hiện công cuộc chuyển đổi số (CĐS), vì cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc của nhân dân.

CĐS được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa XI. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị và công tác xây dựng Đảng, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, vì sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân.

Người dân, doanh nghiệp là động lực của chuyển đổi số

Truyền thông điệp của Chính phủ nhân Ngày CĐS quốc gia năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hằng ngày. CĐS góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. CĐS giúp nâng cao năng suất lao động; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.

Từ thông điệp trên để thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Mục tiêu “dân thụ hưởng” tiếp tục được quán triệt và triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực đời sống xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.

Chuyển đổi số góp phần mang lại những giá trị tốt đẹp cho người dân thông qua việc thụ hưởng các ứng dụng từ nền tảng công nghệ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trực giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân

Chuyển đổi số góp phần mang lại những giá trị tốt đẹp cho người dân thông qua việc thụ hưởng các ứng dụng từ nền tảng công nghệ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trực giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân

Là tỉnh có 258,939km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, gần 19,67% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bình Phước tái lập sau so với các tỉnh, thành trong cả nước (1-1-1997) từ xuất phát điểm thấp nên có những hạn chế để bứt tốc phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ tái lập, Bình Phước ngày nay đã phát triển vượt bậc, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà cả trong phát triển kinh tế, trở thành tỉnh đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và thứ 35/63 tỉnh, thành trong cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Trong thực hiện CĐS, Bình Phước luôn xác định rõ quan điểm và hành động xuyên suốt là coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình CĐS. Lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước. Hiện nay, Bình Phước đã và đang đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2021: Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số đánh giá CĐS của Bình Phước xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2020); trong đó, chỉ số chính quyền số xếp thứ 8/63, kinh tế số xếp 14/63, xã hội số xếp 15/63. Đây là kết quả bứt phá ấn tượng, cho thấy quá trình CĐS của tỉnh đang được thực hiện đúng hướng, có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.

Sau Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh CĐS để phát triển chính quyền số”, dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ ở cấp tỉnh đạt 99,52%; chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đạt 87,97%; “bộ phận một cửa” cấp huyện đạt 96,39%; “bộ phận một cửa” cấp xã đạt 98,86%. Trong 8 tháng năm 2022, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí toàn tỉnh đạt 3.948 giao dịch thành công (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố); thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai đạt 47.746 giao dịch thành công (xếp thứ nhất cả nước).

Đến nay, Bình Phước đã cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh, đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Ngành ngân hàng tỉnh đã cấp mở 912.687 tài khoản thanh toán cho người từ 15 tuổi trở lên để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng và tổ chức cho phép khác. 100% các xã, thôn, ấp đã hoàn thành việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06…

Mang đến sự hài lòng và hạnh phúc cho người dân

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã có những tác động mạnh mẽ đến cuộc sống, công việc, học tập và lao động của người dân. Là tỉnh ở vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhiều khu, cụm công nghiệp đang trong giai đoạn thu hút đầu tư, công nhân, lao động đến làm việc nên việc khống chế dịch cần có những giải pháp hiệu quả, kịp thời. Và một trong những giải pháp được áp dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 là việc triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nền tảng, giải pháp công nghệ số như: Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần PC-Covid, nền tảng quản lý tiêm chủng, khai báo y tế điện tử, hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa… để quản lý, truy vết, tuyên truyền, giám sát dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ công nghệ số, sản phẩm hạt điều của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut (TP. Đồng Xoài) đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và thế giới

Nhờ công nghệ số, sản phẩm hạt điều của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phúc Thịnh Winut (TP. Đồng Xoài) đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và thế giới

Điều đặc biệt trong thời gian qua là việc triển khai mô hình phòng họp không giấy, họp trực tuyến, thu hút đầu tư trực tuyến và thiết lập sàn thương mại điện tử… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đưa nông sản Bình Phước vươn xa trong điều kiện dịch bệnh và hạn chế về khoảng cách địa lý.

Hiện thực hóa điều này, đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chọn thực hiện thí điểm CĐS toàn diện tại Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện (huyện Bù Đốp) với 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim và HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) với 2 ha tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ. Trong đó, hỗ trợ HTX xây dựng website thông tin thương mại; tham gia các sàn thương mại điện tử; giải pháp tăng nhận diện thương hiệu; camera theo dõi sản xuất, kho bãi; chữ ký số, hóa đơn điện tử, dịch vụ kế toán; xây dựng hệ thống IoT thực hiện chức năng châm phân, thuốc tự động, cảm biến độ ẩm, pH trong đất, không khí; tem nhãn mác, mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Nhờ hạ tầng công nghệ thông tin giúp HTX tiếp cận nhanh hơn với các chủ trương, chính sách ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Thông qua sàn thương mại điện tử, từ đầu năm đến nay, HTX thương mại - dịch vụ Phước Thiện đã xuất bán trong nước 300 tấn mít ruột đỏ, vú sữa hoàng kim và ra thị trường quốc tế 150 tấn. Công nghệ thông tin giúp theo dõi, lưu trữ hình ảnh từ đồng ruộng đến khâu thu hoạch, bảo quản, đóng gói… Nhờ vậy, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên được thị trường đón nhận tốt. Việc kinh doanh, buôn bán vì vậy cũng thuận lợi hơn.

Ông NGUYỄN VIẾT VỊ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện, huyện Bù Đốp

Các lĩnh vực ưu tiên CĐS như: y tế, giáo dục, giao thông, công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, thủ tục hành chính… đều có sự chuyển mình với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn. Ngày nay, chỉ cần ở nhà, người dân vẫn có thể giải quyết mọi thủ tục hành chính, thanh toán phí, mua bán hàng hóa, khám sức khỏe… trên môi trường điện tử.

Ông Nguyễn Văn Hạnh ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài chia sẻ: Hạ tầng công nghệ thông tin ở Bình Phước ngày một hiện đại. Bây giờ người dân chỉ cần lưu tâm thực hiện theo hướng dẫn một vài lần là có thể thực hiện mọi dịch vụ, mua bán, thanh toán tiền điện, nước, các loại phí trên thiết bị điện tử và chỉ cần có kết nối internet. Điều này không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn hạn chế được tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân.

Cán bộ Đoàn thanh niên phường Tiến Thành (TP. Đồng Xoài) hướng dẫn người dân cài các ứng dụng công nghệ để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại

Cán bộ Đoàn thanh niên phường Tiến Thành (TP. Đồng Xoài) hướng dẫn người dân cài các ứng dụng công nghệ để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại

CĐS là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập, góp phần mang lại những giá trị tốt đẹp cho người dân thông qua việc thụ hưởng những điều kiện tốt nhất từ việc ứng dụng các nền tảng công nghệ. Qua đó người dân tiếp cận, học hỏi và tham gia vào các hoạt động giao tiếp trên môi trường số nhằm thay đổi tư duy trong sản xuất, bán hàng cũng như văn hóa ứng xử… Điều này sẽ góp phần hình thành văn hóa “công dân số” theo hướng thân thiện, sáng tạo và hiện đại, góp phần làm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Đó cũng là mục tiêu “dân thụ hưởng” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và quyết tâm thực hiện.

Minh Luận - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/137779/bien-loi-ich-thanh-dong-luc-phat-trien