Biến lợi thế tự nhiên thành đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Cát, Hà Nội, HTX Nông nghiệp Việt Yên đã trở thành mô hình tiêu biểu cho sự chuyển đổi linh hoạt, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển đa dạng ngành nghề. Từ tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, truyền tải chính sách và thay đổi tư duy nông dân, HTX ngày càng khẳng định vai trò 'hạt nhân' trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở địa phương trong nhiều năm qua. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như đầu tư hạ tầng giao thông, đại tu các tuyến kênh mương, nâng cao chất lượng trường học và trung tâm y tế, đồng thời huy động người dân tham gia phát triển kinh tế.

Làm tốt vai trò “nhạc trưởng”

Xã Phú Cát (trước là xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) đóng vai trò then chốt trong toàn bộ tiến trình xây dựng nông thôn mới, từ hoạch định chiến lược, tổ chức thực hiện cho đến giám sát, đánh giá kết quả. Đồng thời là trung tâm kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nguồn lực từ thành phố và trung ương.

Chính quyền địa phương đã nhanh chóng cụ thể hóa Chương trình 04‑CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Chương trình 17‑CTr/HU nhằm “đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” cũng như “xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao chất lượng đời sống nông dân”.

Ngay từ đầu, chính quyền xã đã thành lập Ban Chỉ đạo NTM liên ngành, phê duyệt Nghị quyết chuyên đề, triển khai kế hoạch chi tiết và thường xuyên rà soát, cập nhật quy hoạch, lồng ghép các chương trình mục tiêu để tránh chồng chéo và tăng hiệu quả đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và cải cách hành chính, xã Phú Cát đã đơn giản hóa hầu hết thủ tục đất đai, hỗ trợ cấp sổ đỏ cho gần 95% hộ dân và ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ điện tử, rút ngắn trung bình 30% thời gian giải quyết. Tổ tiếp dân định kỳ cũng đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân.

Mô hình nuôi gà đồi kết hợp trồng bưởi của thành viên.

Mô hình nuôi gà đồi kết hợp trồng bưởi của thành viên.

Đồng thời, địa phương tập trung đầu tư đồng bộ cho hạ tầng và dịch vụ cơ bản: bê tông hóa toàn bộ đường xã và phần lớn đường thôn, đại tu kênh mương, lắp điện chiếu sáng cho các tuyến đường chính; nâng cấp Trường Tiểu học và trang bị thêm phòng khám đa khoa tại trung tâm y tế xã, nhờ đó tỷ lệ người dân tham khám đúng định kỳ tăng lên.

Trong đó, HTX Nông nghiệp Việt Yên đã phát huy vai trò “đầu tàu” khi là một trong những đơn vị trực tiếp triển khai nhiều nội dung xây dựng nông thôn mới tới người dân. Chính quyền hỗ trợ về chủ trương, chính sách và HTX là đối tượng thực thi. HTX đã phối hợp với người dân triển khai hạ tầng sản xuất, cải tạo ruộng kém hiệu quả thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ứng dụng cơ giới hóa, mở rộng diện tích nuôi thủy sản, quy hoạch vườn bưởi kết hợp chăn nuôi gà đồi, đồng thời thành lập xưởng may gia công tạo việc làm cho lao động nông nhàn.

Đáng chú ý, mô hình “đồng hành ba bên” giữa chính quyền - HTX - người dân đang phát huy hiệu quả trong từng hạng mục, từ xây dựng hạ tầng đến cải tạo đồng ruộng, mở rộng vùng chuyên canh. Trong tiến trình đó, vai trò kết nối và tổ chức thực thi của HTX ngày càng trở nên rõ nét.

Không chỉ gắn bó về kinh tế, HTX còn chủ động phối hợp các hội, đoàn thể, qua đó vận động người dân tham gia giữ gìn môi trường, xây dựng cảnh quan làng xóm xanh - sạch - đẹp. Sự gắn kết giữa lợi ích tập thể và mục tiêu phát triển chung đã tạo ra sự đồng thuận rộng khắp trong cộng đồng nhân dân xã Phú Cát (Hà Nội).

Mô hình kinh tế lý tưởng

Mô hình kinh tế của HTX Nông nghiệp Việt Yên không chỉ là minh chứng cho sự linh hoạt trong tổ chức sản xuất, mà còn trực tiếp đóng góp vào tiêu chí thu nhập, sinh kế và môi trường của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

HTX Nông nghiệp Việt Yên được coi là hình mẫu về chuyển đổi linh hoạt trong tổ chức sản xuất. Tận dụng địa hình đồi gò xen kẽ ruộng trũng, ngoài áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất lúa, HTX đã triển khai thêm nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở những vùng trũng, chăn thả gà đồi và trồng cây ăn quả. Nhờ mô hình này, mỗi năm HTX cung ứng hàng chục tấn nông sản sạch, góp phần nâng cao thu nhập bình quân, một trong số 19 tiêu chí bắt buộc của nông thôn mới.

Ngoài thời gian canh tác, nhiều thành viên còn tham gia làm dệt may tại địa phương.

Ngoài thời gian canh tác, nhiều thành viên còn tham gia làm dệt may tại địa phương.

Ông Đỗ Hữu Dự - Giám đốc HTX Nông nghiệp Việt Yên cho biết: “Chúng tôi chủ yếu là trồng lúa và kết hợp nuôi trồng thủy sản, ngoài ra còn kết hợp thêm nhiều mô hình khác như chăn nuôi gà thả đồi, trồng cây ăn quả… Những mô hình này không chỉ tăng hiệu quả sử dụng đất mà còn tạo được nhiều sinh kế bền vững”.

Từ năm 2021 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX đã mở rộng lên hơn 15ha; diện tích trồng bưởi lên gần 10ha. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hàng chục tấn nông sản sạch, góp phần khẳng định thương hiệu địa phương.

Theo ông Đỗ Hữu Dự, kết hợp chăn nuôi gà thả đồi dưới tán bưởi không chỉ tăng hiệu quả sử dụng đất mà còn giảm ô nhiễm môi trường từ phụ phẩm nông nghiệp, đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường nông thôn. Kết quả thực tiễn cho thấy từ năm 2021 đến nay, nhiều hộ thành viên đã chuyển đổi hoàn toàn phương thức canh tác truyền thống sang mô hình đa canh, tạo ra chuỗi liên kết “đầu vào, đầu ra” bền vững. Tiêu biểu như hộ ông Lê Đình Thành, thành viên HTX đang áp dụng mô hình kinh tế kết hợp, nuôi hơn 1.000 con gà dưới tán bưởi, nâng thu nhập hộ gia đình lên trên 100 triệu đồng mỗi vụ gà kết hợp bưởi.

Ông Lê Đình Thành cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp truyền thống, sức lao động bỏ ra nhiều mà thu nhập lại bấp bênh. Trước những kiến thức HTX tuyên truyền, gia đình tôi đã quyết định sử dụng mảnh đất rộng gần 400m2 phía sau nhà chưa sử dụng đến để ứng dụng mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng bưởi”.

“Ngoài thu nhập về nông nghiệp, gia đình tôi đã có thêm thu nhập khác từ mô hình kinh doanh kết hợp này, một lứa gà nuôi khoảng 5 tháng, trừ chi phí chăn nuôi, con giống…, gia đình tôi đã “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng tiền lãi sau khi thu hoạch”, ông Thành bày tỏ.

Không dừng lại ở nông nghiệp, HTX còn khuyến khích sinh kế phi nông nghiệp để hoàn thiện tiêu chí việc làm nông thôn mới, mở xưởng may gia công tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nữ và người cao tuổi trong thời gian nông nhàn.

Đồng thời, HTX chủ động ký hợp đồng bao tiêu, liên kết với siêu thị và chợ đầu mối cho sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thị trường ổn định và minh bạch. Nhờ cách làm bài bản, đa dạng mô hình và gắn kết lợi ích tập thể, HTX Nông nghiệp Việt Yên không chỉ đạt hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng giúp xã Phú Cát sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, việc làm, môi trường và sản phẩm, tiến gần hơn mục tiêu nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Thay đổi tư duy, hướng đến nông nghiệp hiện đại

Đổi mới tư duy là yếu tố then chốt để đưa nông nghiệp Phú Cát tiến lên hiện đại và hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Không chỉ dừng lại ở tổ chức sản xuất, HTX Nông nghiệp Việt Yên đã chủ động truyền đạt chủ trương, chính sách của Nhà nước, giúp người dân hiểu rõ cơ chế hỗ trợ giống, vật tư, tín dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Nhờ vậy, máy cày, máy tuốt, máy sấy và hệ thống kho bảo quản đã được đưa vào sử dụng rộng rãi, thay thế phương pháp thủ công, giảm thất thoát sau thu hoạch và nâng giá trị hạt gạo, một trong những tiêu chí về cơ sở hạ tầng và phát triển chuỗi giá trị nông sản của nông thôn mới.

HTX cũng là cầu nối để người dân tiếp cận nhanh hơn với chính sách của Nhà nước như hỗ trợ giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ sự tham gia của HTX, nông dân không chỉ là người sản xuất mà trở thành chủ thể trong toàn bộ chuỗi giá trị từ gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, một số thành viên HTX đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phân hữu cơ vi sinh vào cây trồng, nâng cao năng suất lên 20-30% trong khi giảm đáng kể chi phí và bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thiện tiêu chí “bảo vệ môi trường và quản lý chất thải” của nông thôn mới.

Về quản trị, HTX duy trì nguyên tắc dân chủ, minh bạch về tài chính. Các khoản thu - chi từ quỹ giao thông, khuyến nông, bảo vệ thực vật đều được công khai tại đại hội xã viên. Ngoài ra, HTX còn dành một phần nguồn thu lập quỹ văn hóa, hỗ trợ cộng đồng, tặng quà cho hộ nghèo, góp phần cùng chính quyền địa phương đáp ứng tiêu chí về sinh kế và an sinh xã hội.

Đến nay, tại HTX Việt Yên không còn thành viên là hộ nghèo đơn thuần theo tiêu chí thu nhập, mà đang chuyển sang tiếp cận đa chiều như y tế, giáo dục, việc làm, bảo hiểm. Trong tiến trình này, HTX Việt Yên không chỉ là tổ chức kinh tế, mà còn là mắt xích cộng đồng gắn kết giữa chính quyền, người dân và mục tiêu phát triển bền vững.

HTX không chỉ là lực đẩy trong xây dựng nông thôn mới, mà còn là hạt nhân thúc đẩy phát triển nông thôn kiểu mẫu. Với tư duy đổi mới, cách làm linh hoạt, HTX đang góp phần nâng tầm chất lượng sống của người dân và diện mạo vùng quê. Đây chính là hướng đi bền vững cho một nông thôn hiện đại, giàu bản sắc.

Tiến Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/bien-loi-the-tu-nhien-thanh-don-bay-xay-dung-nong-thon-moi-1108204.html