Biện pháp cấp bách giúp TP.HCM nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dịch Covid-19 ở TP.HCM có thể ổn định sau 14 ngày nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, kết hợp sự tuân thủ từ phía người dân.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định trong đợt dịch mới bùng phát từ ngày 27/4, thành phố chỉ có 6 ca mắc Covid-19 với sự xuất hiện của các ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng đợt này khá phức tạp bởi các bệnh nhân đều là ca ngoài cộng đồng.

TP.HCM đang dần kiểm soát các ổ dịch

- Đến nay, TP.HCM ghi nhận 3 chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 với 2 biến chủng mới. Ông nhận định gì về tình hình hiện tại?

- Tôi cho rằng ngành y tế thành phố đang kiểm soát tốt các chuỗi lây nhiễm này, bao gồm chuỗi lây nhiễm giữa bệnh nhân ở TP Thủ Đức và người đồng nghiệp ở quận 7, chùm ca bệnh giữa các thành viên trong gia đình bán bánh canh ở quận 3.

Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân tại quận Gò Vấp được ghi nhận là ca nghi ngờ từ ngày 20/5. Dù đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định, cơ quan chức năng vẫn xử trí giống như một ca nhiễm.

Thành phố có kết quả giải trình tự gene trong thời gian ngắn, qua đó, chúng ta có thêm căn cứ để khẳng định nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù là biến chủng nào, đây vẫn là ca bệnh ngoài cộng đồng. Do đó, các việc cần làm để kiểm soát dịch vẫn phải thực hiện tích cực, càng tích cực thì càng sớm kiểm soát dịch.

Như trường hợp chùm ca bệnh trong gia đình ở quận 3, lực lượng y tế thành phố khoanh vùng rất rộng và hiện chưa phát hiện thêm F0. Điều này là tín hiệu tích cực.

- Trong khoảng bao lâu TP.HCM có thể kiểm soát được các ổ dịch?

- Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch hiện tại, kết hợp sự tuân thủ tốt từ phía người dân, tôi cho rằng trong khoảng 2 tuần tới, dịch tại TP.HCM sẽ ổn.

- Vì sao ông đưa ra nhận định này?

- Chúng ta đang kiểm soát tốt các ổ dịch hiện tại. Từ ca F0 ban đầu như trường hợp bệnh nhân ở TP Thủ Đức, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã khoanh vùng và truy vết toàn bộ người tiếp xúc gần, qua đó phát hiện nguồn lây là đồng nghiệp ở quận 7. Điều này chúng ta làm rất nhanh chóng, trong vòng chưa đến 24 giờ.

Hiện các F1 đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính. Các đợt xét nghiệm diện rộng cũng chưa phát hiện ca mới. Trong khi đó, 14 ngày là thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19.

Nếu sau 14 ngày, chúng ta không phát hiện thêm người bệnh, chúng ta có thể tạm thời yên tâm về tình hình dịch. Sau 28 ngày không có ca mới, các ổ dịch mới có thể được kiểm soát hoàn toàn.

Tuy nhiên, công tác phòng dịch luôn phải tiếp tục và tất cả người dân cùng tham gia hợp tác với ngành y tế thì TP.HCM mới an toàn.

- Một số nhận định cho rằng các ổ dịch này thực tế không lan rộng như đợt bùng phát trong nhóm nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, đây là đợt dịch phức tạp tại thành phố, quan điểm của ông thế nào?

- Tôi đồng ý. Đợt bùng phát hiện tại khá phức tạp do nguồn lây nhiễm xuất phát từ địa phương có dịch rất xa TP.HCM. Nguyên nhân là người bệnh đến các vùng dịch có dịch Covid-19 và biến chủng mới hoạt động nhưng không khai báo y tế và khi có triệu chứng bệnh, một số phòng khám vô tình bỏ qua triệu chứng nghi ngờ.

Đợt bùng phát ở sân bay Tân Sơn Nhất xuất phát từ nhóm nhân viên bốc xếp và người nhà thông qua tầm soát ngẫu nhiên của thành phố. Mức độ dịch lan rộng cùng biến chủng A.23.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi.

3 mũi tấn công giúp chặn nguồn lây nhiễm nCoV tại TP.HCM

- Theo ông, biện pháp cấp bách TP.HCM phải tiến hành trong thời điểm này là gì?

- Có 3 mũi tấn công mà chúng ta có thể làm để giúp kiểm soát các nguồn lây nhiễm. Thứ nhất là xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, đặc biệt là lấy mẫu người đến các địa phương có dịch Covid-19. Ngoài ra, chúng ta có thể mở rộng xét nghiệm thân nhân của những người này.

Thứ 2 là kêu gọi ý thức của người dân. Hiện tại, TP.HCM áp dụng các biện pháp cứng rắn để sớm kiểm soát tình hình. Do đó, người dân trong lúc này cần tuân thủ 5K tuyệt đối, đặc biệt là khoảng cách và đeo khẩu trang đúng cách. Mỗi người dân không để mình bị nhiễm thì cũng không lây nhiễm được cho người xung quanh.

Thứ 3 là chặn nguồn lây ngay từ cổng bệnh viện, tại khu sàng lọc Covid-19. Bất kỳ ai có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm vị giác… hoặc đến từ vùng dịch thì xét nghiệm ngay.

- Một số bệnh nhân F0 tại TP.HCM có liên quan quán ăn uống nhỏ. Ông có điều gì muốn khuyến cáo để người dân tự phòng vệ khi đến các quán ăn?

- Nếu không tuân thủ 5K thì bất cứ nơi nào cũng có nguy cơ như nhau và khi dịch Covid-19 đang lưu hành, ai cũng có thể là F0.

Với các hàng quán ăn uống, chúng ta nên chọn quán ăn mà người bán có đeo khẩu trang. Tại khu vực ăn uống, chúng ta cần giữ khoảng cách khi ngồi với người lạ hoặc mua mang về nhà.

Từ trước đến nay, TP.HCM trải qua nhiều đợt dịch và chúng ta đều kiểm soát rất sớm. Tôi hy vọng đợt này thành phố cũng sẽ thắng. Tuy nhiên, công sức của nhân viên y tế, chính quyền địa phương, người truy vết rất vất vả, mỗi người dân chúng ta cần ý thức 5K để góp phần giữ bình yên cho cộng đồng.

Trong đợt bùng phát dịch từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có 6 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận ngày 29/4 là người đàn ông quê Hà Nam, F1 của bệnh nhân dương tính sau thời gian cách ly.

Sau 20 ngày, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm hai chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2. Thứ nhất là chùm ca bệnh liên quan hai đồng nghiệp làm việc cùng công ty ở quận 3 (gồm nam bệnh nhân trú tại TP Thủ Đức và người phụ nữ ở quận 7). Họ cùng nhiễm biến chủng Ấn Độ. Cơ quan chức năng nhận định, nữ bệnh nhân ở quận 7 là nguồn lây. Người này từng đến Hải Phòng.

Chùm ca bệnh tiếp theo là gia đình bà Đ.T.T. (58 tuổi) và hai người con gái trú tại hẻm 287, Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP.HCM. Họ nhiễm biến chủng Anh. Đây là biến chủng đang gây ra ổ dịch tại Đà Nẵng, Hà Nam.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-phap-cap-bach-giup-tphcm-nhanh-chong-kiem-soat-dich-covid-19-post1218359.html