Biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tội phạm

Để phòng ngừa các loại tội phạm, một trong những biện pháp hiệu quả được các cơ quan chức năng triển khai đó là xử lý vi phạm hành chính đưa các đối tượng vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc. Đây được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm hạn chế người vi phạm pháp luật.

Thành viên Tổ liên gia tự quản số 21, TDP Đội Cấn và Công an thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Ảnh: Trường Khanh

Thành viên Tổ liên gia tự quản số 21, TDP Đội Cấn và Công an thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Ảnh: Trường Khanh

Theo đánh giá của cơ quan công an, những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn tương đối ổn định, các loại tội phạm hình sự tiếp tục được kiềm chế, không có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tội phạm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng, dẫn đến các hành vi lệch chuẩn trong xã hội.

Để phòng ngừa tội phạm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, những năm qua, lực lượng công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đúng quy trình trong việc triển khai xử lý vi phạm hành chính đưa các đối tượng vi phạm pháp luật vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc. Nhất là các đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ đó, tạm thời cách ly các đối tượng khỏi môi trường xã hội một thời gian để giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, học tập, phát triển lành mạnh, không tái vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, huyện Vĩnh Tường được đánh giá là địa phương thực hiện nghiêm, đúng quy định trong việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Từ năm 2014 đến nay, địa phương đã đưa 25 trường hợp vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Các đối tượng bị áp dụng hai hình thức giáo dục trên chủ yếu là gây rối trật tự công cộng (nghiện rượu, đánh đập vợ con nhiều lần trong 6 tháng; sử dụng trái phép chất ma túy gây ảo giác, mất sự kiểm soát có hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh…).

Khi người chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc trở về địa phương luôn được các ban, ngành, đoàn thể trong huyện phối hợp với ngân hàng, quỹ xã hội, quỹ từ thiện ở địa phương xem xét hỗ trợ một phần để tạo việc làm, đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đối với người chưa thành niên chấp hành xong quyết định được ưu tiên học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ vay vốn để học tập, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống…

Theo Trung tá Vương Đình Hùng, Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Tường: Nghị định số 140 của Chính phủ về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc được thực thi, có nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tiễn đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong xã hội.

Qua đó, giảm thiểu nguyên nhân, điều kiện gia tăng tội phạm, kéo giảm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn. Hiện nay, các đối tượng vi phạm thuộc diện phải bị áp dụng hai biện pháp xử lý vi phạm hành chính trên có xu hướng tăng cao, nhưng khi vận dụng các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng để áp dụng gặp nhiều vướng mắc, bất cập, khó thực hiện. Nhất là điều kiện về số lần vi phạm và thời gian vi phạm hành chính của đối tượng.

Cơ quan công an đề nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, ban hành cơ chế hướng dẫn phù hợp với thực tiễn. Từ đó, làm tốt công tác lập hồ sơ, thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 140, bên cạnh các giải pháp phòng ngừa xã hội của lực lượng công an, hiện nay UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều giải pháp tích cực.

Các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phối hợp với lực lượng công an thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt; khuyến khích, động viên, giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với người chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống...

Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/75878/bien-phap-huu-hieu-phong-ngua-toi-pham.html