'Xanh hóa' là chìa khóa để DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG, Trường Đại học RMIT cho rằng, 'xanh hóa' vừa là xu thế, vừa là chìa khóa để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông nhu cầu “xanh hóa” hiện nay ra sao?
TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG: - Xanh hóa đang là xu hướng và ngày càng lan rộng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững.
Trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu (EU), đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.
Như vậy, “xanh hóa” không còn là một lựa chọn, mà là yếu tố “thắng đơn hàng” khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua (hay người đứng đầu chuỗi cung ứng - supply chain leaders) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa.
- Theo ông DN đóng vai trò như thế nào trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát là người mua?
- Trên thế giới có thể kể đến những tên tuổi lớn như Walmart, H&M, Uniqlo, Unilever, Apple và Nestlé... Tại Việt Nam thì có VinEco, Vinamilk, Vinatex, Thaco… Thí dụ, các nhà bán lẻ quần áo lớn như H&M, Zara và Uniqlo đã bắt đầu yêu cầu các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam sử dụng bông hữu cơ, giảm tiêu thụ nước/năng lượng và thực hiện tái chế chất thải.
Điều này đã khiến các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Hay như VinEco đã đầu tư vào các nông trại ở Quảng Ninh và Hà Nam, nhằm nâng cao năng lực của nông dân thực hành canh tác xanh để phân phối rau xanh và sạch cho khắp các tỉnh thành cả nước.
Những DN như vậy đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát các quy trình xanh, cung cấp kiến thức/thông tin cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình tài chính xanh.
- Nhưng vấn đề chi phí cho chuyển đổi xanh cũng đang là gánh nặng cho DN, nhất là khi việc tiếp cận các nguồn vốn đang khó khăn?
- DN đứng đầu chuỗi cung ứng thường là các tập đoàn lớn, với nhiều nguồn lực hoặc khả năng tiếp cận chương trình đầu tư tốt hơn. Do vậy, họ có thể hỗ trợ các công ty nhỏ hơn (các nhà sản xuất địa phương) khi đối mặt với thách thức về chi phí thực hiện chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, danh tiếng của DN đứng đầu chuỗi cung ứng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp của họ tiếp cận nguồn đầu tư xanh như trái phiếu xanh, hoặc các khoản vay phát triển bền vững.
Một nghiên cứu gần đây của tôi và các đồng nghiệp tại Đại học RMIT với 437 nhà sản xuất toàn cầu chỉ ra rằng, DN có thể cải thiện thị phần và doanh thu, từ đó nâng cao vị thế tài chính, nếu họ nêu bật cho các bên liên quan hiểu được các mục tiêu môi trường của DN, cũng như các phương pháp đạt được những mục tiêu đó. Từ đó các DN lớn sẽ sẵn sàng đầu tư.
- Tại Việt Nam có khoảng 90% DN nhỏ và vừa, theo ông chính sách chuyển đổi xanh đối với các DN này nên thực hiện theo hình thức nào?
- Chúng tôi có một số đề xuất cho các DN nhỏ và vừa đang tìm cách duy trì tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang xanh hóa. Đầu tiên, DN nên gần gũi hơn với khách hàng/người mua để tìm hiểu về các yêu cầu xanh mới, và đề xuất trao đổi kiến thức và cộng tác. Qua đó, DN có thể hoàn thiện kế hoạch quản lý môi trường DN.
Tiếp theo, DN cần theo dõi các nhà cung cấp chính của họ. Cuối cùng, DN vừa phải tăng cường khả năng tự lực để nuôi dưỡng mạng lưới hợp tác. DN nên phát triển năng lực xanh với sự cộng tác của các thành viên trong chuỗi cung ứng cũng như khách hàng.
- Xin cảm ơn ông.
THANH HÀ (thực hiện)